3 trẻ liên tiếp trụy mạch, sốc mất nước do tiêu chảy
(Dân trí) - Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) thời gian gần đây tiếp nhận ít nhất 3 trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 1,5 tuổi, nhập viện trong tình trạng mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật vì không được bù nước đúng cách khi bị tiêu chảy.
Chăm con đã qua tình trạng nguy kịch tại phòng hồi sức nhi, cặp vợ chồng trẻ vẫn chưa hết hoảng sợ nhớ về khoảnh khắc cậu bé 11 tháng tuổi bụ bẫm sau hơn 1 ngày tiêu chảy thì môi nhợt, sốt, lả đi.
“Hai mẹ con đều bị tiêu chảy từ hôm 14/5, cũng ra hiệu thuốc mua men và nước điện giải để bù nước. Hai mẹ con uống hết 1 chai và 4 – 5 gói pha với 200ml nước trong gần 3 ngày thì thấy con lả đi, môi nhạt. Con mỗi ngày đi ngoài khoảng hơn 10 lần, nhất là sau khi ăn, uống sữa đi rất nhiều toàn nước", mẹ cháu bé nhớ lại.
Ngày 16/4, trước khi con lả đi, bé vẫn ăn được mấy thìa bột và bú bình được một chút oresol. Thấy môi con cứ nhợt đi, rồi lả, chân tay lạnh ngắt, hai vợ chồng chị hoảng hồn đưa con đi cấp cứu.
Tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), bệnh nhi được chẩn đoán đoán mất nước độ 3 vì tiêu chảy cấp, nhanh chóng được xử lý cấp cứu.
Đặc biệt, em bé sau khi vào viện còn sốt cao, co giật, bác sĩ còn phải chỉ định chọc dịch não tủy loại trừ, vì bé co giật, sốt cao.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết đây là 1 trong 3 bệnh nhi vào viện cấp cứu vì mất nước nặng do tiêu chảy cấp thời gian qua. Đáng nói, cả 3 cháu vào viện trong tình trạng sốt cao mất nước độ 3, tụt huyết áp, tiền sốc, co giật. Cả 3 đều liên quan đến việc bù nước không đúng cách, bù nước bằng thực phẩm chức năng dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol.
Năm ngoái, từng có bệnh nhi tử vong vì mất nước quá nặng do bù nước không đúng cách do sử dụng oresol dạng thực phẩm chức năng.
Theo PGS Dũng, về nguyên tắc, oresol là thuốc cứu sống trẻ bị tiêu chảy, cứu rất nhiều trẻ bị tiêu chảy trên toàn thế giới.
Nhưng hiện nay, người ta sản xuất cái “tựa tựa” oresol và cho hương liệu vào để cho dễ uống, nhưng nó không còn là “thuốc” mà là dạng thực phẩm bổ sung.
Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi oresol vốn là thuốc chữa mất nước trong tiêu chảy, giờ sản xuất những dạng tương tự dễ khiến người dân nhầm là thuốc chữa bệnh. Trong khi đó, thuốc sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về hàm lượng, liều dùng.
TPCN đóng gói nhiều dạng, thậm chí có dạng ống như men tiêu hóa, nhưi chai nước nhỏ... dễ dẫn đến nhầm lẫn, người dân cho rằng uống một lần là đủ.
Theo PGS Dũng, Oresol là phát minh của thế giới cứu trẻ con, người lớn bị tiêu chảy bởi nó bù nước, điện giải khi bệnh nhân mất nước vì đi ngoài.
Vì thế, người ta sản xuất với nhiều hàm lượng khác nhau, từ gói 1 lít, gói 500ml và gói pha với 200ml để phù hợp với trẻ nhỏ.
Mỗi lần trẻ hay người lớn đi ngoài phải uống hàng trăm ml oresol để bù nước, điện giải bị mất đi.
“Thế mà tôi nhìn thấy ống oresol chỉ 10ml. Một cháu đi tiêu chảy ào ào, nếu uống 1 ống oresol 10ml thì thử hỏi mất nước sẽ nghiêm trọng như thế nào, nguy hiểm ra sao?”, PGS Dũng nói.
PGS Dũng chia sẻ thêm, người dân rất dễ nhầm lẫn, cứ nghĩ oresol uống một ống này là đủ sẽ rất nguy hiểm bởi bệnh nhân tiêu chảy, mất nước nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Khi PGS Dũng nhìn thấy bệnh nhi uống đã rất bất ngờ. Người nhà bệnh nhi cũng hồn nhiên nghĩ uống một ống là đủ bù nước. Trong khi đó, một lần trẻ em đi ngoài mất rất nhiều nước, bù nước bằng oresol phải liên tục, ít một, thay nước lọc hoàn toàn mới giảm được nguy cơ mất nước, điện giải do tiêu chảy.
Điều đáng ngại là người dân vẫn nhầm tưởng những dạng thực phẩm chức năng này là thuốc. "Dù có dòng chữ không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng dòng chữ rất nhỏ không phải ai cũng để ý để đọc. Tôi đã hỏi bệnh nhân, họ không đọc thấy, chỉ đọc đến chữ dùng trong tiêu chảy, mất nước", PGS Dũng nói.
Dù không thể khẳng định các cháu mất nước do dùng TPCN dạng oresol, nhưng các cháu bị mất nước nặng, trụy mạch đều liên quan đến cái này. Vì thế, là một bác sĩ điều trị, tôi đề nghị có lẽ không nên cho sản xuất dạng này, bởi rất nguy hiểm cho trẻ con do người ta nhầm lẫn tưởng TPCN dạng oresol cũng là thuốc oresol. Bởi trẻ khi bị tiêu chảy, cần dùng oresol dạng thuốc. Nếu sản xuất, phải ghi chữ thật to kể người dân không nhầm lẫn.
Hơn nữa, oresol dạng thực phẩm chức năng lại đắt hơn oresol thường, nên người ta dễ nhầm tưởng nó sẽ tốt hơn.
PGS Dũng cho biết, một em bé đang bị đi ngoài ồ ạt, bổ sung nước bằng oresol là quan trọng nhất. Cha mẹ cần pha đúng tỉ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống thay nước lọc thông thường, uống sau mỗi lần đi ngoài, uống rải rác tiếp đó, chút một, chút một để bù nước, điện giải.
ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phụ trách khoa Nhi, BV Bạch Mai, đặc biệt lưu ý cha mẹ không được nôn nóng, sốt ruột cho trẻ uống oresol liên tục vì như thế sẽ càng phản tác dụng: trẻ bị kích thích lại nôn.Hãy bình tĩnh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chỉ cho trẻ uống từng thìa nhỏ một, lúc lại một thìa sẽ giảm nguy cơ nôn. Với trẻ nôn ít, thì cứ 1 - 2 phút cho uống một ngụm (hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ). Còn nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ). Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Sau cơn nôn, để con bình tĩnh lại, lại từ từ, kiên nhẫn từng ngụm oresol.
Tuy nhiên bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý cha mẹ phải theo dõi đáp ứng của trẻ. Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn quá nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, kêu khát nước, đái ít…) thì nên cho trẻ đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.
Hồng Hải