3 người chết khi đi làm đẹp, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thẩm mỹ… rút kinh nghiệm

(Dân trí) - Hội đồng chuyên môn đã chỉ ra những sai sót dẫn đến cái chết cho người bệnh khi thực hiện phẫu thuật làm đẹp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ sở y tế, người làm công tác chuyên môn còn bỏ ngỏ, Sở y tế chỉ yêu cầu các bệnh viện thẩm mỹ… rút kinh nghiệm.

Liên tiếp 3 trường hợp đi làm đẹp có phẫu thuật hoặc thực hiện kỹ thuật xâm lấn đã tử vong trên địa bàn TPHCM trong tháng 10/2019. Các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ cho rằng, dịch vụ làm đẹp đã trăm hoa đua nở nhiều năm qua. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật không theo kịp thực tế dẫn tới tình trạng lách luật hoặc ngang nhiên vi phạm luật của những cơ sở làm đẹp bởi sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm mỹ.

3 người chết khi đi làm đẹp, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thẩm mỹ… rút kinh nghiệm - 1

Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS đang là "lò mổ" gây ra nhiều tai biến, chết người

Thẩm mỹ viện quảng cáo tràn lan nhưng chưa được cấp phép; người hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề; mở cơ sở đào tạo nhưng không có đủ thẩm quyền cũng như chuyên môn, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sử dụng chứng chỉ giả để hành nghề; hàng loại cơ sở thẩm mỹ viện thực hiện dịch vụ xăm, phun, thêu trên da nhưng chỉ có 8 cơ sở gửi thông báo đủ điều kiện… là những sai phạm phổ biến của hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn mà Sở Y tế TPHCM đã thừa nhận. Đây có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng” những trường hợp tử vong sau căng da mặt, đặt túi nâng ngực, xăm chân mày là hậu quả tức thì của sự buông lỏng quản lý.

Trong số 3 ca tử vong, Sở Y tế đã tổ chức các phiên họp Hội đồng chuyên môn, phân tích nguyên nhân, kết luận về 2 trường hợp xảy ra ở Bệnh viện thẩm mỹ Emcas và Bệnh viện thẩm mỹ Kang Nam. Ca tử vong tại Kangnam được xác định là tai biến y khoa không mong muốn do người bệnh sốc phản vệ với thuốc gây tê trong quá trình phẫu thuật.

Tuy nhiên, cái chết sau khi phẫu thuật nâng ngực của nữ bệnh nhân xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS đang tồn tại nhiều mặt tiêu cực khi vị bác sĩ Đinh Viết Hưng – người trực tiếp phẫu thuật đặt túi ngực cho bệnh nhân đã bị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xác định sử dụng chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ giả; bác sĩ chưa khai thác hết tiền sử của người bệnh, chưa đánh giá hết nguy cơ; khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về tim mạch, bệnh viện chưa hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân và chưa có quy trình theo dõi người bệnh sau phẫu thuật nên khó phát hiện khi người bệnh trở nặng để xử trí kịp thời; về hồ sơ bệnh án ghi chép còn sơ sài, chưa thể hiện được chẩn đoán sơ bộ và hướng xử trí phù hợp.

3 người chết khi đi làm đẹp, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thẩm mỹ… rút kinh nghiệm - 2
Xử lý nghiêm việc đào tạo, hành nghề vượt chuyên môn, hành nghề trái phép là việc cần làm ngay để tránh những cái chết có thể tiếp tục xảy ra

Những sai phạm, thiếu trách nhiệm đã cướp đi sinh mạng của người bệnh nhưng những hình thức xử lý bước đầu của Sở Y tế TPHCM chưa đủ tính răn đe và thuyết phục đối với cộng đồng.

Hiện Sở Y tế mới chỉ yêu cầu Ban Giám đốc của 2 bệnh viện liên quan tổ chức họp, phân tích sai sót, rút kinh nghiệm toàn bệnh viện để tránh lập lại sự cố tương tự; củng cố các quy trình chuyên môn, tổ chức giám sát sự tuân thủ các quy định chuyên môn trong khám chữa bệnh, quy chế hồ sơ bệnh án của nhân viên y tế, và công tác gây mê hồi sức.

Theo hình thức “mất bò mới lo làm chuồng” sau khi phát hiện chứng chỉ giả của bác sĩ phẫu thuật gây chết người Sở Y tế mới yêu cầu phía bệnh viện “xây dựng lại chức năng nhiệm vụ của từng vị trí hành nghề trong bệnh viện rà soát chứng chỉ hành nghề đối với tất cả nhân viên đang hợp đồng tại bệnh viện, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế để cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu nhằm phục vụ cho công tác điều tra, xử lý”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ cho rằng: “Hình thức xử lý của Sở Y tế chưa đủ sức thuyết phục. Sở Y tế cần làm rõ trách nhiệm của bộ phận trực tiếp quản lý trong lĩnh vực này, xử lý nghiêm đối với bệnh viện tiếp tay cho bác sĩ sử dụng chứng chỉ giả để hành nghề, thanh kiểm tra toàn diện và chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có dịch vụ thẩm mỹ. Cần xử lý triệt để những tổ chức, cá nhân cố tình lách luật, vi phạm luật, đóng của các cơ sở thẩm mỹ không đủ tiêu chuẩn hoạt động để tránh xảy ra những cái chết thương tâm cho người bệnh”.

Vân Sơn