1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

3 mẫu nghi nhiễm Covid-19 qua test nhanh của Hà Nội đều âm tính

(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm lại bằng realtime RT-PCR cho kết quả cả 3 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2. Đây là những trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai như từng đi khám, đi học…

 Ngày 31/3, Hà Nội đã triển khai 4 điểm test nhanh Covid-19 tại quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Trong số hơn 750 trường hợp được xét nghiệm nhanh thì phát hiện 3 mẫu dương tính. Cả 3 đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi, đồng thời mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm lại để khẳng định chắc chắn. 

Ngày 1/4, xét nghiệm lại bằng reatltime RT-PCR cho kết quả âm tính. 

Test nhanh Covid-19 có tên là Test GenBody COVID-19 IgG/IgM Rapid Test do Hàn Quốc sản xuất. Việt Nam mới nhập về 200.000 test, trong đó Hà Nội được nhận 5.000 test. 

Đây là xét nghiệm kháng thể IgM và IgG đối với SARS-CoV-2 trong mẫu máu, huyết thanh hoặc huyết tương của người. Kháng thể IgM cụ thể đối với SARS-CoV-2 có thể phát hiện được 3-5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng.

3 mẫu nghi nhiễm Covid-19 qua test nhanh của Hà Nội đều âm tính - 1
Người dân Hà Nội xếp hàng làm test nhanh Covid-19. Ảnh: Nhật Phong.

Theo nhiều chuyên gia, trong tình huống dịch lan ra cộng đồng như tại nước ta hiện nay (ở cấp độ 3) thì test nhanh là cần thiết. Test không phải dùng để khẳng định ca bệnh mà dùng để chẩn đoán ca bệnh tại cộng đồng và truy dấu các trường hợp nhiễm bệnh. 

Để khẳng định chắc chắn một trường hợp có mắc Covid-19 không thì cần làm xét nghiệm realtime RT-PCR. Đây là phương pháp có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao. Hiện nay có 24 phòng xét nghiệm được phép khẳng định ca mắc Covid-19.

Một bác sĩ tại TP HCM cũng cho biết test nhanh là xét nghiệm tầm soát để biết một người bị bệnh sớm, nếu chưa khởi phát bệnh thì kết quả không chắc chắn. Trong trường hợp một người bị bệnh nhưng ở trong giai đoạn ủ bệnh hoặc nồng độ kháng thể thấp thì cũng không thể phát hiện được. 

Kháng thể lấy ra dương tính có thể bệnh nhân đã khỏi bệnh từ rất lâu hoặc bắt "chéo" với virus khác do kháng thể có nhiều điểm tương đồng.

“Một người được test nhanh âm tính không có nghĩa là yên tâm không mắc, mà vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện phòng ngừa: cách ly xã hội, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc gần, đeo khẩu trang....; vẫn cần phân nhóm tiếp xúc F1,F2, F3…”, bác sĩ này nhấn mạnh. 

Hà Nội bố trí 10 điểm test nhanh Covid-19 cho người dân từng đến thăm người nhà hoặc điều trị, đặc biệt người dân có tiếp xúc các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai hoặc có yếu tố đi từ các nước vùng dịch về thành phố từ ngày 10/3 đến 28/3. Những người này phải tự cách ly và thông báo để lấy mẫu xét nghiệm.

Đồng thời tổ chức các trạm xét nghiệm nhanh tại một số cửa ngõ chính ra vào thành phố. Bộ test nhanh này sẽ có kết quả trong 10 phút và thông qua việc lấy mẫu máu. 

Trước đó, Bộ Y tế cũng cho biết đã nhập 200.000 test xét nghiệm nhanh. Số xét nghiệm này sẽ ưu tiên cho những đối tượng trong khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nhóm từ Bệnh viện Bạch Mai đi về các địa phương. 

Bộ Y tế cũng lưu ý test nhanh chỉ dùng sau 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với mầm bệnh hoặc từ Bệnh viện Bạch Mai đi về. Trước 3 ngày thì độ nhạy, độ đặc hiệu rất thấp. Lý do vì đây là test kháng thể không phải kháng nguyên.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, nguy cơ lây ra cộng đồng cực kỳ cao, nhiều ổ dịch hiện đã không thể xác định được ca mắc bệnh ban đầu như tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh lây qua các giọt bắn do tiếp xúc gần. Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc gần, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, thường xuyên khử khuẩn các bề mặt kết hợp rửa tay, đeo khẩu trang.

 

Nam Phương