3 dịch bệnh cùng lúc đang xảy ra ở TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, ngoài dịch Covid-19, TPHCM đang phải trải qua 2 dịch bệnh khác. Trong đó, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang ở mức đáng báo động.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 19/5, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), cho biết, địa bàn đang diễn ra cùng lúc 3 dịch bệnh. Ngoài dịch Covid-19, người dân cần lưu ý đến 2 dịch bệnh nguy hiểm là sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Lãnh đạo HCDC thông tin, về tình hình dịch Covid-19, sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thành phố có số ca mắc trung bình hơn 39 ca/ngày trong tuần đầu tiên, hơn 32 ca trong tuần tiếp theo. Qua thống kê những ngày đầu tuần này, thành phố có hơn 36 ca/ngày.

"Sau dịp nghỉ lễ, thành phố có trung bình dưới 40 ca mắc Covid-19/ngày. Có thể nói, TPHCM đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, ngành y sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh những ngày tiếp theo", ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin.

3 dịch bệnh cùng lúc đang xảy ra ở TPHCM - 1

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (Ảnh: Q.H.).

Ngoài dịch Covid-19, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang ở mức đáng báo động. Từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 8.000 ca mắc mới, tăng hơn 23% cùng kỳ.

Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết nặng là 175 ca, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, số ca tử vong do dịch bệnh này tại thành phố tính từ đầu năm 2022 đến nay là 6 ca, cùng kỳ là 2 ca.

"Theo hệ thống giám sát, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đã ở mức báo động. Ngành y đang rốt ráo vào cuộc, giám sát các địa bàn trọng điểm, các ổ dịch. HCDC cũng tập huấn cho các địa phương, nhân viên y tế về cách xử lý, ngăn ngừa", lãnh đạo HDCD chia sẻ.

Ông Tâm phân tích thêm, dịch sốt xuất huyết có tác nhân gây bệnh là virus, không lây trực tiếp từ người qua người mà thông qua muỗi vằn. Căn bệnh này cũng chưa có thuốc đặc trị, không có vaccine phòng ngừa, người mắc dễ tử vong do mất máu, sốc.

Biện pháp phòng ngừa đối với dịch bệnh này là diệt muỗi, ấu trùng muỗi, không để muỗi chích. Ngoài ra, người dân cần lưu ý không để tồn tại các vũng nước đọng quanh khu vực mình sinh sống.

Dịch bệnh cuối cùng được ông Tâm nhắc đến là bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, giảm sâu so với năm trước và không có ca tử vong.

Bệnh nhân chủ yếu của dịch này là trẻ em dưới 10 tuổi, phổ biến ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng lây trực tiếp qua đường tiêu hóa, tiếp xúc.

Biện pháp phòng ngừa là người chăm sóc trẻ cần vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi tiếp xúc. Ngoài ra, môi trường sống, nhà ở cần được vệ sinh kỹ lưỡng, lau rửa thường xuyên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm