1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thái Nguyên:

3 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn, 1 người tử vong sau khi ăn dê ốm

(Dân trí) - Thấy con dê nhà mình bị chết, do tiếc của ông Vàng đã mang con dê đi làm thịt ăn và chia phần cho họ hàng. Sau đó ông Vàng và ông Dư bị nhiễm liên cầu lợn và được điều trị tích cực nên may mắn thoát chết, một bệnh nhân khác bị tử vong.

Ông Ma Doãn Vàng bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.
Ông Ma Doãn Vàng bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

Liên tiếp trong các ngày 27, 28 và 30/5, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, tiếp nhận 3 bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn nhập viện với cùng trạng thái hôn mê sâu sau khi đã bị đi ngoài, buồn nôn, sốt, khó thở. Mắc bệnh nghiêm trọng hơn cả là bệnh nhân La Văn Hào, (49 tuổi ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã tử vong vào sáng 1/6 sau hơn 1 ngày điều trị tích cực.

May mắn thoát chết sau hơn 1 tuần mắc khuẩn liên cầu lợn, ông Ma Doãn Vàng, (49 tuổi ở xã Phú Đình, huyện Định Hóa) chưa hết bàng hoàng kể lại, chiều 25/5, phát hiện con dê bị ốm chết trong chuồng, ông Vàng đem ra chọc tiết, sơ chế thành 5 phần và chia cho 4 người họ hàng cùng ăn.

Đến ngày 27/5, ông bị đi ngoài, buồn nôn và khó thở nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau hơn 4 ngày hôn mê, được lọc máu, lọc chất độc liên tục và điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, ông Vàng mới hồi tỉnh. Ông cho biết: Tôi không biết là có thể mắc bệnh nên chủ quan chia cả thịt cho anh em cùng ăn.

Cùng ăn thịt con dê và bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn như ông Vàng, anh Ma Đình Dư, (34 tuổi, cùng trú tại xã Phú Đình, huyện Định Hoá) hiện vẫn đang được cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Trung Đa khoa ương Thái Nguyên cho biết, dù đã kiểm soát tốt diễn biến bệnh của bệnh nhân Ma Đình Dư nhưng do nhiễm khuẩn nặng nên bệnh nhân vẫn đang hôn mê và phải tích cực lọc máu, lọc độc.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên nói, nhiễm khuẩn liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm thường gây ra 3 thể bệnh gồm: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Khi mắc khuẩn liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… kèm xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa như: sốt, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm màng não.

Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người nhưng khuẩn liên cầu lợn có thể lây truyền từ động vật qua người khi tiếp xúc với động vật mắc bệnh hay thực phẩm mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt động vật mắc bệnh hay thực phẩm mang vi khuẩn nấu không chín.

Bởi thế, để tránh mắc khuẩn liên cầu lợn, người dân cần phải từ bỏ thói quen ăn đồ tái, sống như: tiết canh, thịt tái, gỏi, nem chua... hoặc thực phẩm chế biến từ thịt động vật đã chết.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm tái hoặc sống đồng thời phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ; rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thực phẩm có khả năng mang bệnh; tuyệt đối không dùng chung các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm