25% dân số Việt mắc căn bệnh "giết người thầm lặng"

(Dân trí) - Tăng huyết áp hay còn gọi là căn bệnh "giết người thầm lặng" bởi thường không biểu hiệu triệu chứng, gây nhiều biến chứng, thậm chí tử vong. Tại Việt Nam, cứ 4 người lớn có một người bị tăng huyết áp.

Một nửa người tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh

Tại Việt Nam, có đến 25,1 % tỉ lệ người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp và phần lớn không biết vì bệnh thường không có triệu chứng gì.

25% dân số Việt mắc căn bệnh giết người thầm lặng - 1

Đo huyết áp cho người dân tại cộng đồng. Ảnh: Hồng Hải

Kết quả điều tra của Bộ Y tế gần đây nhất cho thấy trong 12 triệu người mắc bệnh tăng huyết áp ở cộng đồng hiện nay thì có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị, 79% số người có nguy cơ tim mạch hiện không được tư vấn, quản lý dự phòng.

Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu; Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; Đỏ mặt, buồn nôn. Khi có một trong các dấu hiệu này cần đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng huyết áp.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch thường trực Hội tim mạch Việt Nam huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng, vì thế nhiều ca bệnh tăng huyết áp, gây suy thận, ảnh hưởng sức khỏe chỉ tình cờ được phát hiện khi người bệnh đến viện khám vì một bệnh lý khác. Vì thế căn bệnh này còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Không có những triệu chứng rõ ràng, tăng huyết áp âm thầm rồi gây ra những tai biến nghiêm trọng như hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận... thậm chí có thể gây tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu của các biến chứng tim mạch. Đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch não) tăng gấp 4 lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần nếu so với người không bị tăng huyết áp.

Tại Việt Nam, theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn (từ 25 tuổi trở lên) tại 8 tỉnh và thành phố của Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng lên đến 25,1%, nghĩa là cứ 4 người lớn ở Việt Nam thì có 1 người bị tăng huyết áp.

"Thế nhưng có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) là không biết mình mắc bệnh, 30% (khoảng 1,6 triệu người) của những người đã biết nhưng vẫn không có một biện pháp điều trị nào và 64% những người đó (khoảng 2,4 triệu người) đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu", GS Việt thông tin.

Phát hiện sớm tăng huyết áp như thế nào?

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong nhưng lại diễn tiến âm thầm, khó phát hiện triệu chứng. Tăng huyết áp đồng thời cũng là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não do việc kiểm soát huyết áp của người bệnh còn chưa tốt.

Trong khi đó, để phát hiện tăng huyết áp chủ động rất đơn giản, bằng thao tác đơn giản có thể thực hiện tại nhà hay bất cứ tại trạm y tế nào, đó là chủ động đo huyết áp, đặc biệt người trên 40 tuổi. 

Tăng huyết áp đối với người từ 18 tuổi trở lên khi người đó có ít nhất một trong hai số huyết áp sau: (1) huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 140 mm Hg và/ hoặc (2) huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 90 mm Hg. Như vậy, nếu con số huyết áp là 150/80, 130/100 hoặc 150/90 mmHg… sau nhiều lần đo thì đều gọi là tăng huyết áp.

Vì thế, chuyên gia này khuyến cáo việc đo huyết áp nên thực hiện thường xuyên, nhất là người sau tuổi 40 dù không thấy có gì bất thường về sức khoẻ cũng cần kiểm tra định kỳ số đo huyết áp. Chỉ bằng máy đo tại trạm y tế xã là phát hiện được bất thường của huyết áp.

GS Lân Việt khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, người dân phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Đồng thời, mọi người cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.

Với người bệnh bị tăng huyết áp phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đo huyết áp và uống thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ. Tuyệt đối không bỏ thuốc như nhiều người bệnh vẫn đang mắc phải, thấy uống thuốc, huyết áp ổn định một thời gian lại bỏ thuốc vì nghĩ mình khỏi bệnh. Trong khi đó, tăng huyết áp là căn bệnh phải điều trị suốt đời, không được bỏ thuốc để kiểm soát huyết áp hiệu quả.

Đặc biệt, người dân cần thay đổi hành vi, lối sống không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, uống rượu, bia quá độ…

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và giải pháp quan trọng để dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tim mạch nói riêng.

Mục tiêu chương trình Quốc gia về phòng chống Tăng huyết áp năm 2020 nhằm thúc đẩy hơn nữa tinh thần tiên phong trong công tác phòng ngừa và quản lý các bệnh lý không lây nhiễm (đặc biệt là Tăng huyết áp).

Mục tiêu “Đo huyết áp 6 tháng một lần nhằm phát hiện sớm Tăng huyết áp” để hướng đến năm 2025, toàn dân Việt Nam trên 40 tuổi cần được đo huyết áp ít nhất mỗi 6 tháng một lần.

Năm nay, tuần lễ hưởng ứng Ngày tăng huyết áp diễn ra từ ngày 17-24/5.

Hồng Hải