1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

20% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt

(Dân trí) - Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K (Hà Nội), thế giới trung bình có tới 20% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt và chủ yếu là ở các bệnh ung thư dạ dày, tuỵ, hầu họng, đầu cổ.

Theo ước tính của WHO, mỗi năm trên thế giới có 14 triệu người mắc mới, 8 triệu người tử vong vì ung thư. Còn ở Việt Nam, mỗi năm có 152.000 người mắc mới, 75 ngàn người tử vong vì ung thư.

Theo các chuyên gia ung thư, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do thuốc lá (trung bình chiếm trên 30%, 41% ở nam giới), dinh dưỡng không hợp lý (30%), ô nhiễm môi trường....

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề dinh dưỡng, 50% bệnh nhân ung thư sụt cân khi đến viện và 20% tử vong do suy kiệt.

Tại Hội thảo Dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân ung thư tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS Mohammed Jaloudi, Trưởng khoa Ung thư, Bệnh viện Tawan (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) cho biết trung bình có khoảng 20% bệnh nhân ung thư chết do suy dinh dưỡng và mất cơ.

Trong khi đó, đa số bệnh nhân sụt cân trước khi được chẩn đoán bệnh nhưng hơn 2/3 trong số này không được hỗ trợ dinh dưỡng cần thiết. Hậu quả là 50-80% bệnh nhân ung thư có các triệu chứng và dấu hiệu suy mòn như sụt cân, biếng ăn, sức khoẻ yếu, suy nhược, thiếu máu, bất thường trong quá trình chuyển hoá protein, chất béo và tinh bột.

Khi cơ thể suy mòn, thiếu cơ sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu và chậm hồi phục sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng cũng như có kết quả kém trong suốt quá trình hoá trị.

Điều này cho thấy dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và đặc biệt là hiệu quả điều trị cũng như chất lượng sống của người bệnh ung thư.

Tuy nhiên, điều may mắn là sụt cân do ung thư có thể phòng ngừa nhưng phải chủ động thực hiện và người bệnh cần phải “tuân trị” (ăn đầy đủ lượng bác sĩ kê toa) thì hiệu quả mới rõ rệt.

Ví dụ, nếu bệnh nhân ung thư tuyến tuỵ bổ sung 0,4-2,9g EPA (1 dạng omega 3) trong dầu cá (tương ứng 6 viên dầu cá/ngày) thì thay vì giảm 2,9kg/tháng, cân nặng của họ sẽ tăng 0,3kg/tháng. Nhưng nếu bổ sung 2,2g EPA trong sản phẩm dinh dưỡng thì sẽ tăng tới 2kg/tháng.

Theo TS Ardy van Nelvoort, Giám đốc nghiên cứu Dinh dưỡng Hà Lan, trên thực tế, bệnh nhân rất vất vả khi sử dụng liều lượng kê đơn của dinh dưỡng do cảm giác đầy bụng, khó khăn trong việc dùng liều lượng lớn, chỉ có 30-50% liều lượng dinh dưỡng kê đơn được bệnh nhân sử dụng. Hậu quả là hơn 50% dinh dưỡng bị bỏ phí trong suốt 24h (do không ngon) và bỏ ăn cao hơn (khoảng 72%) khi mùi vị không ngon.

Vậy nên, ngày nay, các chuyên gia dinh dưỡng ung thư trú trọng sử dụng liều lượng nhỏ, đa dạng mùi vị cho bệnh nhân để giảm lãng phí và tăng tác động với bệnh nhân ung thư. Và để việc hỗ trợ dinh dưỡng này hiệu quả nhất, việc chú ý chất lượng, khẩu vị và thói quen dinh dưỡng tốt cần được thực hiện ngay khi có dấu hiệu tiền suy mòn (giảm cân). Muốn vậy, người bệnh cần phải thường xuyên kiểm tra cân nặng, có chế độ ăn đa dạng, phù hợp và tuân thủ hướng dẫn dinh dưỡng của bác sĩ.

Nhân Hà