1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

2 trẻ suýt tử vong vì bị rắn cắn

(Dân trí) - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (BV NĐ1) vừa điều trị thành công 2 trường hợp bị rắn chàm quạp cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp sản xuất từ Thái Lan.

Người nhà Bé L. N. G. H, ở Bình Thuận, kể: “Vì thấy vết cắn chảy máu rất nhiều không cầm được, nên đã đưa bé đến thầy rắn để dùng kim lể, dùng lưỡi lam rạch cho máu độc chảy ra. Hai ngày sau vẫn không giảm, vết cắn càng lúc càng sưng to, chảy máu nhiều hơn nên gia đình đưa bé đến bệnh viện để điều trị”.

 

Theo đánh giá của các bác sĩ, với tổn thương bàn tay phải sưng to, hoại tử, chảy máu, sưng lan đến khuỷu tay, rối loạn đông máu nặng… có nguy cơ tử vong rất cao, bé H. cần phải điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Ngay lập tức, H. đã được truyền 3 chai huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp. Kết quả cho thấy bàn tay phải của em giảm sưng nhiều, không chảy máu, vết thương diễn tiến tốt.

 

Trường hợp em trai Ng. Th. T. 14 tuổi, ngụ ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai thì bị rắn chàm quạp cắn ở cẳng chân trái khi đi xắng măng trong rừng. Sau đó, chân em sưng bầm, vết cắn nổi bóng nước ứ máu bầm đen, hoại tử, được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh sơ cứu, sau đó chuyển đến BV NĐ1.

 

BS cho biết, em T. nhập viện với gương mặt lừ đừ, vết thương ở bàn chân, cẳng chân trái sưng to, bóng nước hoại tử, sưng  lan lên đùi trái, đau nhức. Xét nghiệm cấp cứu chức năng đông máu cho thấy em bị rối loạn đông máu nặng. Ngay lập tức, em được truyền huyết thanh kháng nọc chàm quạp đặc hiệu.

 

Tuy nhiên, do bị cắn với nhiều nọc độc, rối loạn đông máu và tổn thương vết cắn nặng nên T. đã được truyền huyết thanh kháng nọc rắn tới 2 lần, lần đầu 3 lọ, sau đó 3 giờ lặp lại lần thứ hai với 4 lọ, tình trạng của T. mới cải thiện dần, vết thương bớt sưng, bớt đau, em T. tỉnh táo, ăn uống được.

 

Hiện cả 2 bệnh nhi đều đã ổn định, vết cắn ở tay bé H. đã lành, còn em T. đang tiếp tục điều trị.

 

Bác sĩ Bạch Văn Cam, Cố vấn Khối Hồi sức Cấp cứu BV NĐ1 cho biết: “Đây là các bệnh nhi đầu tiên được sử dụng loại huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp, sản xuất từ Viện Queen Saovabha Memorial Thái Lan do Bệnh viện Nhi Đồng 1 chủ động nhập về, sau khi tìm hiểu và nhận thấy huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp này có thể dùng để điều trị hiệu quả cho bệnh nhi”.

 

BS B.V.Cam cũng cho biết:  “Nhiều báo cáo khoa học cho thấy loại huyết thanh này đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trong khu vực để điều trị các trường hợp bị rắn chàm quạp cắn với hiệu quả điều trị rất khả quan và an toàn trên bệnh nhân. Hiện BV NĐ1 đã được trang bị tương đối đầy đủ các thuốc giải độc và huyết thanh kháng nọc rắn cần thiết, giúp cứu sống nhiều bệnh nhi”.

Theo tư vấn của các BS nếu bị rắn cắn, cách tốt nhất là đưa nạn nhân đến bệnh viện để được chẩn đoán và chữa trị đúng cách. Một lưu ý khác, người nhà hoặc chính nạn nhân nên nhận diện loại rắn đã cắn để các bác sĩ có thể chọn đúng loại huyết thanh điều trị.

 

Thống kê của BV NĐ1 cho thấy, mỗi năm có khoảng 30 ca trẻ em bị rắn cắn, trong đó có loại rắn chàm quạp. Số ca bị rắn cắn thường tăng vào mùa hè do trẻ đi chơi vào vườn gần bụi cây, đám cỏ, đống lá khô hoặc leo cây hái trái, cũng có trường hợp, rắn độc bò vào nhà trú ẩn và tấn công người khi bị giẫm hoặc chạm phải.

 

Ngọc Thanh

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ