2 người chết, sốt xuất huyết đang giảm chậm
(Dân trí) - Mùa khô là thời điểm dịch sốt xuất huyết giảm mạnh, tuy nhiên số ca bệnh trên địa bàn thành phố hiện đang ở mức rất cao so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm Y tế Dự phòng cảnh báo, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, người dân nên chủ động phòng ngừa.
Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế Dự phòng, TPHCM mùa dịch sốt xuất huyết hàng năm thường diễn ra từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 3 năm sau.
Chu kỳ dịch năm 2018 - 2019, ghi nhận ca bệnh tăng nhanh từ giữ tháng 6, đạt đỉnh dịch ở tháng 11. Hiện đang ở giai đoạn cuối mùa dịch, số ca bệnh đang có chiều hướng giảm theo mùa hàng năm nhưng còn chậm.
Thống kê cụ thể chỉ ra, tính từ đầu năm đến ngày 14/2, toàn thành phố có 1.055 trường hợp mắc sốt xuất huyết được ghi nhận, so với cùng kỳ năm trước, bệnh đã tăng 249%. Ngoài những trường hợp bệnh diễn tiến nặng may mắn qua khỏi, sốt xuất huyết đã khiến 2 người tử vong vì biến chứng suy đa tạng do chủ quan, tự điều trị ở nhà khi đến bệnh viện thì đã muộn.
Trước đây, sốt xuất huyết được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm qua tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn (trên 15 tuổi) chiếm khoảng 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trương hợp tử vong do sốt xuất huyết hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ.
Đô thị hóa với những công trình xây dựng ngổn ngang là nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết
Tự giác diệt lăng quăng
Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh qua người lành qua sự hút máu của muỗi vằn (Aedes aegypti). Với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm và nằm trong vùng lưu hành của muỗi trung gian truyền bệnh Sài Gòn luôn là điểm nóng cho sự lây lan của sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, mật độ dân cư đông đúc, giao lưu mạnh, tốc độ đô thị hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng nhanh chóng càng làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tại thành phố.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá bệnh sốt xuất huyết lan nhanh và rộng trên toàn cầu trong hơn 50 năm qua. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết.
Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết cần làm tất cả những gì có thể để không bị muỗi đốt và không cho muỗi phát triển. Do đó các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại mỗi nhà dân cần được thực hiện trên tinh thần tự giác.
Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn chủ quan, lơ là với những giải pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Trong năm 2018, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt hành chính 305 tổ chức, cá nhân với số tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng vì hành vi để phát sinh muỗi, lăng quăng. Tuy nhiên, mức phạt trên còn thấp, số lượng xử phạt còn ít nên chưa đủ sức răn đe, nâng cao ý thức cộng đồng.
Người dân nên chủ động các giải pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khuyến cáo cộng đồng tuyệt đối không chủ quan lơ là. Để đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết, tránh nguy cơ diễn tiến nguy hiểm, cộng đồng cần phòng ngừa sốt xuất huyết bằng biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay trong chính nơi mình sống; mặc quần áo dài tay; ngủ mùng thường xuyên, lật úp các vật dụng chứa nước sạch không sử dụng tới để muỗi không còn nơi sinh sản…
Nếu người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột trong vòng 2 đến 7 ngày cần phải đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng cách. Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà nhưng phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc đúng liều lượng. Trường hợp điều trị tại nhà nhưng bệnh nhân có các dấu hiệu ói nhiều, xuất huyết nhiều dưới da, đi cầu phân đen, lì bì, bứt rứt… cần đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Vân Sơn