1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

2 người bị liệt đi lại được nhờ liệu pháp đột phá

(Dân trí) - Khi Kelly Thomas nhận được cuộc điện thoại sẽ làm thay đổi cuộc đời mình, cô đã suýt gác máy. "Tôi cứ nghĩ đó là một cuộc gọi quảng cáo hay gì đó," Thomas nhớ lại.


Kelly Thomas

Kelly Thomas

Nhưng ở đầu dây bên kia là một nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu chấn thương tủy sống Kentucky tại Đại học Louisville, mời Thomas tham gia một thử nghiệm - mà cuối cùng cho phép cô gái Florida 23 tuổi, bị liệt sau một tai nạn xe hơi năm 2014, đi lại được.

Kết quả nghiên cứu, được công bố hôm thứ Hai vừa qua trên tờ New England Journal of Medicine, là rất ấn tượng. Trong số bốn bệnh nhân liệt đã trải qua quá trình tập đi tích cực, hai bệnh nhân - Thomas và Jeff Marquis, 35 tuổi - cuối cùng đã phục hồi được khả năng đi bộ với sự trợ giúp của thiết bị kích thích tủy sống, có thể mở ra cánh cửa cho các liệu pháp mới để điều trị những người bị chấn thương tủy sống dẫn đến liệt.

"Ngay cả với những người bị chấn thương mãn tính, cũng có khả năng phục hồi đáng kể có thể tác động đến cuộc sống hàng ngày, chất lượng sống và chức năng của họ", Susan Harkema, phó giám đốc khoa học của Trung tâm nghiên cứu chấn thương tủy sống và là một trong số tác giả của bài viết, nói. "Tủy sống có thể học lại cách bước đi".

Đối với Thomas và Marquis, bước đột phá đó là thời gian dài sắp tới. Thomas, một tay đua ngựa và cầu thủ bóng đá trước tai nạn, đã phải ngồi xe lăn trong ba năm. Marquis, bị gãy cổ và liệt sau một tai nạn đạp xe leo núi cách đây bảy năm, phải thôi công việc làm đầu bếp và cần hỗ trợ cho các hoạt động hàng ngày như ra khỏi giường. Đối với cả hai, học cách đi bộ có nghĩa là bắt đầu lại từ đầu.

Sự tập trung tinh thần là không thể thiếu cho sự thành công của cả hai bệnh nhân. Kỹ thuật được phát triển trong phòng thí nghiệm tích hợp ba phần quan trọng: kích thích thông qua các điện cực cấy trên cột sống, hỗ trợ vật lý từ các huấn luyện viên và ý chí tinh thần từ người bệnh. Chỉ khi cả ba kết hợi với nhau thì bệnh nhân mới nhìn thấy kết quả.

Trái ngược với quan niệm thông thường, Harkema cho biết nhiều tế bào thần kinh vẫn còn sống và hoạt động sau chấn thương tủy sống, cho dù chúng không còn có thể xử lý và dịch thông tin từ não và môi trường xung quanh, do đó làm suy yếu khả năng vận động. Nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng trong một số trường hợp có thể “đào tạo” những đường truyền thần kinh sẵn có.

Đầu tiên, họ cấy các điện cực vào cột sống để tạo ra dòng điện nối vào đường truyền thần kinh bị suy yếu và “đặt tủy sống vào trạng thái thích hợp để nó có thể hoạt động giống như trước”, Harkema nói. (Một bộ phận kích thích riêng biệt cũng được cấy vào ổ bụng người bệnh). Sau đó, một nhóm huấn luyện viên sẽ di chuyển cơ thể bệnh nhân để giúp họ nhớ lại cảm giác khi đứng và bước đi. Đồng thời, người bệnh tập trung vào việc di chuyển, dùng ý chí tinh thần để bước đi.

Nếu ba điều này diễn ra đồng bộ một cách hoàn hảo, đường truyền thần kinh sẽ tiếp quản, và người đó có thể đi lại được mà không cần sự trợ giúp.


Jeff Marquis

Jeff Marquis

Đạt được điều này không dễ dàng. Marquis là người đầu tiên trong thử nghiệm đã tự bước đi được bằng đôi chân của mình mình, nhưng để làm được như vậy anh phải trải qua 85 tuần tập luyện.

Trong khi đó, Thomas nói rằng cô "hoàn toàn bị sốc" khi, sau 15 tuần cố gắng, cuối cùng cô đã đi được những bước đầu tiên. (Thomas bắt đầu tập sau Marquis, và chấn thương ban đầu của cô ít nghiêm trọng hơn).

Hiện cả hai đều có thể đi bộ bằng cách sử dụng khung tập đi hoặc gậy và cho biết sức khỏe và chất lượng sống đều tốt hơn, nhờ kích thích tủy sống. Và trong khi hai bệnh nhân kia trong cuộc thử nghiệm không tự đi bộ được, cả hai đều phục hồi được sự ổn định của thân người và khả năng đứng, cũng là kết quả đáng khích lệ.

Sẽ cần những nghiên cứu mới trên số lượng bệnh nhân lớn hơn để xác minh kết quả và xác định chính xác những chấn thương mà loại liệu pháp này có thể điều trị. Nhưng các phát hiện đã bổ sung thêm cho những kết quả hứa hẹn khác trong lĩnh vực này. Năm 2014, các nhà nghiên cứu tại Đại học Louisville, bao gồm Harkema và Angeli, đã sử dụng kích thích màng cứng để giúp bốn người bị tê lấy lại cử động của chân. Và cùng ngày nghiên cứu mới của Louisville đã được xuất bản, các nhà nghiên cứu từ Đại học California Los Angeles và Bệnh viện Mayo đã báo cáo trên tạp chí Nature Medicine rằng họ đã giúp một người bị liệt đi lại được với sự hỗ trợ.

Cẩm Tú

Theo Time