2 liệu pháp mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay

Nam Phương

(Dân trí) - Liệu pháp miễn dịch đang thực thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối, tạo thêm hy vọng cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, di căn.

Chia sẻ bên lề lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội diễn ra sáng 15/12, PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), Phó chủ nhiệm Bộ môn Ung thư cho biết, ngoài các phương pháp điều trị kinh điển là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hiện có nhiều liệu pháp mới trong điều trị ung thư là điều trị đích, điều trị miễn dịch.  

Trong đó điều trị miễn dịch có 2 phương pháp. Thứ nhất là dùng thuốc miễn dịch tháo "chốt" do tế bào ung thư kìm hãm miễn dịch của cơ thể, để cơ thể có khả năng chống lại tế bào ung thư. Tuy nhiên, thuốc này chỉ chỉ định cho một số bệnh, chi phí đắt và không phải tất cả các "chốt" đều tháo được. Khoảng 15-20% bệnh nhân có đáp ứng. 

2 liệu pháp mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay - 1

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), Phó chủ nhiệm Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội. 

Liệu pháp thứ 2 là dùng máu của chính bệnh nhân, tách chiết ra tế bào lympho T, sau đó nhân lên truyền lại cho bệnh nhân. Liệu pháp này mang tính chất tăng cường sức đề kháng phần nào đó giúp cơ thể có miễn dịch tốt lên, mục đích chính là kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. 

Tuy nhiên, giá cho liệu pháp điều trị này hiện vẫn tương đối đắt. 

Sau gần 3 năm triển khai tại Đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã đem lại hiệu quả rất tốt, các tế bào miễn dịch sau khi được đưa vào cơ thể đã giúp ngăn chặn tế bào ác tính bùng phát. Hiện liệu pháp này đang ở giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng, hy vọng sớm có kết quả. 

"Xu hướng trong điều trị ung thư là điều trị miễn dịch. Chúng ta sản xuất ra tế bào miễn dịch để chiến đấu chống lại tế bào ung thư, còn triển vọng đến đâu và giá cả như thế nào là cả vấn đề", PGS Quảng chia sẻ. 

Theo chuyên gia với phương pháp điều trị đích, hiện nay phần lớn bệnh nhân đã được tiếp cận, vì đã có bảo hiểm chi trả khoảng 50%. Phương pháp này được áp dụng trong điều trị một số bệnh ung thư như ung thư phổi, đại trực tràng, vú, một số ung thư khoang miệng, buồng trứng, thận, gan…, khi bệnh ở giai đoạn cuối, tái phát di căn. 

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua chuyên ngành ung thư tại nước ta đã có nhiều tiến bộ. Đầu những năm 2000, cả nước mới chỉ có 10 cơ sở phòng chống ung thư, chỉ đáp ứng 10-20% nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Khi đó, mỗi năm nước ta ghi nhận 75.000 ca mắc mới với 50.000 trường hợp tử vong. 

Hiện nay, cả nước đã có 78 trung tâm, khoa, đơn vị nằm ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu phòng chống ung thư của người dân. 

"Mỗi năm nước ta có 165.000 ca mắc ung thư mới, với 115.000 trường hợp tử vong. Cộng con số bệnh nhân con sống và số mắc mới, trên cả nước trên 200.000 bệnh nhân, nhu cầu rất lớn", Thứ trưởng Thuấn nói. 

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Bộ môn Ung thư, Đại học y Hà Nội, Thứ Trưởng Bộ Y tế đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ cho tập thể Bộ môn Ung thư và PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn; PGS.TS Lê Chính Đại, Giảng viên Cao cấp Bộ môn Ung thư. Cùng với đó, GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Chủ nhiệm bộ môn; PGS.TS Bùi Diệu, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn; PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Chủ nhiệm Bộ môn; PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó Chủ nhiệm bộ môn; TS Trịnh Lê Huy, Phó Chủ nhiệm bộ môn đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.