19 tuổi thấy ngực gồ lên, đau có phải mắc ung thư vú?

(Dân trí) - Năm nay em 19 tuổi, gần đây em thấy ngực có gồ gồ và đau. Bác sĩ cho em hỏi nguy cơ mắc ung thư vú ở người trẻ tuổi có cao không vì em đọc báo thấy nói thường xuất hiện ở ngoài 40 tuổi.

Em có dấu hiệu như vậy thì có nên đi khám, tầm soát ung thư vú không ạ? Việc tầm soát này được thực hiện như thế nào? (Bùi Thuỳ Dung)

19 tuổi thấy ngực gồ lên, đau có phải mắc ung thư vú? - 1
TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó khoa Khám bệnh theo yêu cầu.

TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Ung thư vú là bệnh chiếm tỷ lệ mắc khá cao ở phụ nữ, tỷ lệ tử vong vẫn là mối quan tâm của ngành y tế. Đỉnh cao mắc ung thư vú thường từ 40 đến 55 tuổi. Trước chúng tôi thường quy định ung thư vú trước 40 tuổi là ung thư vú ở người trẻ. Gần 5 năm trở lại đây, sự thay đổi của lối sống Tây hóa, gia tăng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng các loại hormon thay thế… làm cho tỷ lệ ung thư vú ở người trẻ gia tăng.

Trong thực tế, chúng tôi đã gặp ở những bạn gái ở độ tuổi 24, 25 đến khám và được chẩn đoán ung thư vú. 

Những dấu hiệu bất thường cảnh báo ung thư vú bao gồm: tự sờ thấy khối u, cục cứng ở tuyến vú và tồn tại liên tục trong chu kỳ kinh, không phải những khối u mà bạn chỉ phát hiện được khi gần đến ngày hành kinh. Lý do vì vào ngày gần có kinh, dưới sự tác động của các hormone sinh dục là estrogen và progesterone thì tổ chức tuyến vú sẽ bị cương căng, tăng sinh của các mạch máu sẽ làm cho bạn phát hiện được các khối đau, cục cứng ở tuyến vú. 

Nếu bạn thực hiện tự khám vú định kỳ hàng tháng ngay sau ngày sạch kinh, tức là ngày thứ 5-10 của chu kỳ kinh và phát hiện được các khối bất thường này liên tục tồn tại trong nhiều chu kỳ kinh thì đó là một trong những dấu hiệu báo động bạn cần lo ngại và đi khám tại các cơ sở chuyên khoa ung bướu. 

Nếu như bạn trẻ tuổi, gia đình lại có tiền sử mắc các bệnh ung thư, các khối u về tuyến vú, ung thư buồng trứng thì bạn cũng là một trong những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát và khám định kỳ. 

Nếu có điều kiện đến các cơ sở y tế chuyên khoa tại các trung tâm lớn, chị em sẽ được chụp sàng lọc tuyến vú, chúng tôi gọi là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mammography tuyến vú. Nếu không có điều kiện thì các bạn có thể thực hiện kỹ thuật hết sức đơn giản đó là tự khám vú hàng tháng tại nhà để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như các khối u cục cứng tồn tại liên tục, các dấu hiệu tiết dịch bất thường ở tuyến vú, các khối hạch nách.

19 tuổi thấy ngực gồ lên, đau có phải mắc ung thư vú? - 2
TS.BS Phạm Hồng Khoa, Trưởng khoa khám bệnh Quán Sứ

TS.BS Phạm Hồng Khoa, Trưởng khoa khám bệnh Quán Sứ, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội): Việc phát hiện sớm không hoàn toàn dễ chút nào. Vì vậy đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến nó, không nghĩ đến nó hầu như chúng ta bỏ qua hết.

Tôi chỉ muốn bổ sung một chút, việc chúng ta tự khám vú để phát hiện ra những tổn thương ở vú thì bệnh đã phát triển rồi. Vì thế, mục đích của chúng ta ở đây là tầm soát, ở mức cao hơn là tổn thương không sờ thấy. Khi đó các bạn có thể đến các bác sĩ chuyên khoa, bệnh viện chuyên khoa, chúng tôi có các bác sĩ chuyên khoa, có hệ thống xét nghiệm sẽ đảm bảo việc nghi ngại cũng như việc bạn quan tâm có bị ung thư vú sẽ được trả lời chính xác hơn. 

Tự khám vú cho bản thân là rất tốt, tuy nhiên nếu phát hiện ra nếu là ung thư thì bệnh đã tiến triển. Vì thế mục đích tầm soát là phát hiện ung thư thật sớm, ở mức tổn thương không sờ thấy, chưa sờ thấy mà chỉ phát hiện ra trên các phương tiện hiện đại thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn rất nhiều. 

Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tổn thương không sờ thấy thì chúng ta có các kế hoạch điều trị rất tốt, việc điều trị sẽ không gây sự tàn phá nặng nề, có thể bảo tồn, tạo hình tuyến vú. Những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn cơ hội chữa rất khó khăn.

Nam Phương ghi