15 năm sống cùng làng phong

(Dân trí) - Một mình phụ trách trạm y tế xã trong 15 năm, Trung uý Nguyễn Đình Hồng không đếm nổi đã đỡ đẻ bao nhiêu ca, chữa bệnh cho bao nhiêu người. Anh chỉ nhớ, cứ 2 ngày lại vượt con đường xa đến với những bệnh nhân đang sống tập trung ở làng phong.

Chưa vợ đã đỡ đẻ thành thạo

Năm 1992, Trung uý Nguyễn Đình Hồng (38 tuổi, ở Đồn Biên phòng 719, tỉnh Gia Rai) về nhận công tác tại xã YaO và Yachia (huyện Ya Grai, thuộc tỉnh Gia Lai). Lúc ấy, cả hai xã này đang trắng về y tế.

Không có người khám bệnh, không có thuốc tây y nên bà con dân tộc có mắc bệnh gì cũng chỉ biết nghe theo lời người già mách bảo, đi kiếm cây cỏ dại sắc uống. Nếu qua khỏi thì đó là do tổ tiên phù hộ.

Đáng thương nhất là những người phụ nữ đang mang thai, do không được chăm sóc và cấp cứu kịp thời khi sinh nở, gặp tai biến có khi chết cả mẹ lẫn con.

Là một quân y sỹ, anh Hồng càng thêm thấm thía sự thiệt thòi của người dân nơi đây. Quyết tâm dùng những gì đã được học áp dụng trong trường, anh nhận phụ trách Trạm y tế xã. Một mình đóng vai trạm trưởng kiêm luôn bác sĩ khám bệnh. Những ngày đầu, hình ảnh một bác sĩ khoác áo trắng với ống nghe và những viên thuốc nhỏ xíu, xanh đỏ đủ mầu... không sao có thể tiếp cận với bà con. Không ai tìm đến bởi họ tin những loại cây dại vẫn dùng mà còn không chữa được bệnh thì nghĩa là ông bà, ông vải nhớ đến, gọi đi, không thể cưỡng lại được. Đặc biệt là đám phụ nữ mang thai, đã bao đời nay, chuyện sinh đẻ chỉ có phụ nữ biết với nhau.

Khó khăn, bị từ chối nhưng anh Hồng không nản. Không ai tìm đến thì bác sĩ tự đi tìm bệnh nhân. Với chiếc xe cọc cạch, ngày ngày anh Hồng xuống địa bàn, tiếp cận với từng người dân. Lúc đầu là học tiếng dân tộc để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của người già, giúp trai tráng cuốc đất trồng rau, hướng dẫn trẻ học bài, làm toán…, anh dần nhận được sự quý mến của bà con khắp xóm bởi tính nhiệt tình và ngay thẳng.

Cơ hội đã đến trong một lần đến thăm hỏi một gia đình vợ chồng nghèo ở xã YaO. Người chồng đi rừng trở về, chân bỗng sưng tấy vô cùng đau đớn rồi lên cơn sốt mê man đã nhiều ngày. Mặc dù anh này đã được uống nhiều loại lá nhưng không thấy tỉnh lại. Gia đình đang chuẩn bị hậu sự cho anh!

Với con mắt nghề nghiệp, anh Hồng biết bệnh nhân đang bị nhiễm trùng vết thương ở chân. Vậy là trong nhiều ngày trời, anh ở lại cùng gia đình chữa trị cho người bệnh bằng những loại thuốc mình có. Chỉ 3 - 4 hôm sau, người bệnh đã dứt cơn sốt, vết thương bớt đau nhức và có thể tỉnh táo trò chuyện, cảm ơn ân nhân cứu mình từ cõi chết trở về. Tiếng lành đồn xa, từ đó bà con hễ có bệnh lại tìm đến trạm xá nhờ giúp.

“Một lần, đang chữa bệnh cho bà con trong xóm thì có một người đàn ông lạ mặt tìm đến rồi rụt rè mời tôi đến khám cho vợ anh ấy đang bệnh nặng. Đến nơi thì mới biết vợ anh ấy trở dạ đã gần hai hôm nay mà không sinh được. Lúc ấy tôi chưa có vợ, cũng chưa đỡ đẻ bao giờ nên rất ngại. Nhưng thấy sản phụ đau đớn, quằn quại rồi kiệt sức dần tôi không đành lòng. Chở đi cấp cứu thì đã muộn, vậy là tôi xắn tay áo, đóng vai bà đỡ bất đắc dĩ. Rồi mọi việc cũng qua, sản phụ đã sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Từ đó, tôi có thêm nhiệm vụ làm bà đỡ “mát tay”, kiêm cả thầy chữa rắn cắn của bà con.

15 năm gắn bó với bà con, anh không nhớ nổi là đã đỡ đẻ bao nhiêu ca, chữa bệnh cho bao nhiêu trường hợp bị bệnh hay rắn cắn, sơ sơ chắc cũng trên… nghìn trường hợp”- anh Hồng tâm sự.

Người thân của làng phong

Ở xã Yachia còn có một làng tập trung toàn những người mắc bệnh phong. Làng Tang nằm cô lập trong xã và bị người dân xung quanh xa lánh, miệt thị. 50 người bị bệnh, trong đó có 12 người đã tàn phế cũng luôn mặc cảm với loại bệnh mình đang mang trên người nên không bao giờ dám tiếp xúc với bên ngoài. Họ thường xuyên sống trong cảnh khốn khó, thiếu thốn, phải tự chăm sóc, đỡ đần nhau khi bệnh tật hành hạ.

Hiểu rõ về loại bệnh này nên anh Hồng cực kỳ thông cảm với bệnh nhân. Cứ hai ngày một lần, anh lại lặn lội vượt chặng đường gập ghềnh, mưa thì nhão nhoét bùn lầy, nắng lại đỏ quạch vì bụi đến chăm sóc, an ủi và động viên những hoàn cảnh bất hạnh. Nhờ có anh, không ít người bệnh đã lấy lại niềm tin, yên tâm chữa bệnh, lao động và học tập.

Anh cũng chính là người thường xuyên tuyên truyền để bà con trong xã không xa lánh, kỳ thị người bị bệnh phong khi cho họ biết rằng: y học ngày nay đã tiến bộ, bệnh phong không còn là bệnh nan y, vô phương cứu chữa như trước đây.

Nhiều năm nay, vợ và con anh Hồng đã quá quen với cảnh sáng sớm anh vội vã đến Trạm y tế khám bệnh hoặc vào làng Tang chăm sóc bệnh nhân. Mang tiếng là Trạm trưởng xã, nhưng thu nhập của gia đình vẫn chỉ trông vào đồng lương quân nhân của anh Hồng, bởi bà con ở đây vẫn nghèo lắm, không ai có tiền “bồi dưỡng” cho cán bộ y tế bao giờ. Hàng tháng lĩnh  lương được bao nhiêu là anh chia ngay thành 2 phần, số đưa cho vợ, chi dùng cho sinh hoạt của gia đình, số còn lại để dành mua xăng chạy đi thăm bà con bị bệnh. Không những thế, anh Hồng còn tự mày mò, sáng chế loại thuốc chữa bệnh lở mồm, long móng ở trâu bò cho bà con.

“Đã là chiến sĩ quân đội lại làm nghề y thì phải cố gắng hết mình phục vụ bà con. Cuộc sống tuy có cực nhọc, vất vả nhưng nhìn thấy người bệnh khoẻ lại, gặp những đứa trẻ do chính tay mình đỡ, tôi thấy không có niềm hạnh phúc nào bằng”, ánh mắt người quân y sĩ trẻ ấy sáng long lanh khi nói về công việc của mình.

Và thật vui khi mới đây, Trung uý Nguyễn Đình Hồng cũng đã vinh dự được bầu chọn là một trong 30 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc do TƯ đoàn tổ chức.

P.Thanh