Thuốc trúng thầu vào bệnh viện tại TPHCM:
100% thuốc lấy mẫu kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng
(Dân trí) - Trong công văn mới đây gửi Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) báo cáo kết quả kiểm nghiệm thuốc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định: Tất cả 92 thuốc lấy mẫu kiểm nghiệm (thuộc danh mục thuốc trúng thầu vào bệnh viện trên địa bàn TPP) đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngày 3/12/2014, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có công văn số 7668/SYT-QLD về việc báo cáo kết quả kiểm nghiệm thuốc sử dụng tại bệnh viện theo kết quả đấu thầu thuốc tập trung đợt 1 năm 2013-2014. Nội dung công văn nêu rõ: Căn cứ kết quả trúng thầu thuốc tập trung đợt 1 năm 2013-2014 của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh; Thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Dược và Cục Khám chữa bệnh về việc tăng cường công tác giám sát chất lượng thuốc sau khi có kết quả đấu thầu, Sở Y tế đã ban hành công văn số 6251/SYT-QLD-TĐT ngày 20/10/2014 chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu và kiểm tra chất lượng của 92 thuốc trúng thầu đợt 1 đang được sử dụng tại bệnh viện. 92 mẫu thuốc này được lấy tại các bệnh viện: Ung Bướu, Tai mũi họng, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Quận 11, bệnh viện Quận 12, bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện Huyện Bình Chánh, bệnh viện huyện Cần Giờ. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy: 92/92 mẫu đã kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Có thể thấy, việc kiểm tra chất lượng thuốc luôn được quan tâm hàng đầu, là công tác thường quy của các cơ quan quản lý để đảm bảo người dân được sử dụng thuốc có chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Quy trình kiểm soát chất lượng thuốc được thực hiện chặt chẽ. Việc cấp số đăng ký thuốc hay giấy phép nhập khẩu thuốc được thực hiện theo đúng quy định hiện hành và được thẩm định đầy đủ theo quy trình về pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật đạt yêu cầu trước khi cấp phép, riêng phần hồ sơ kỹ thuật phải đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN (ACTD). Tất cả thuốc được đưa ra thị trường đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, tuy nhiên trong suốt quá trình lưu thông trên thị trường do khí hậu, điều kiện bảo quản, phân phối có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Vì thuốc là mặt hàng đặc biệt, khó bảo quản và lưu trữ hơn các mặt hàng tiêu dùng thông thường, nên hệ thống kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc Việt Nam, bao gồm hai Viện kiểm nghiệm thuốc và 63 Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm ở các tỉnh thành phố trực thuộc TW thường xuyên lấy mẫu kiểm tra chất lượng (hậu kiểm). Các thuốc vi phạm về chất lượng đều bị đình chỉ lưu hành và thu hồi. Các nhà sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng sẽ bị kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc trước khi lưu hành trên thị trường Việt Nam (tiền kiểm). Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm chất lượng, bộ Y tế có thể sẽ áp dụng các biện pháp khác để xử lý các nhà sản xuất, các công ty đăng ký có thuốc vi phạm chất lượng như: xử phạt vi phạm hành chính, rút số đăng ký thuốc, rút giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, tạm ngừng cấp số đăng ký thuốc... Đặc biệt, chuyện phải rút số đăng ký khi thuốc đã lưu hành, thu hồi thuốc trên thị trường là một phần việc trong quy trình kiểm soát chất lượng thuốc thường xuyên của tất cả các nước trên thế giới, không riêng gì Việt Nam chúng ta.
Như vậy, dư luận về thuốc kém chất lượng trúng thầu vào bệnh viện như thời gian qua là không có cơ sở, người dân có thể hoàn toàn yên tâm được sử dụng thuốc chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp.
Nhân Hà