10 yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư
Rượu là thủ phạm của 3% số ca tử vong do ung thư. Người nghiện rượu nặng có nhiều nguy cơ cao bị ung thư miệng, họng, thực quản, dạ dày và gan. Việc uống rượu thường xuyên cũng là nguy cơ gây ung thư vú và đại - trực tràng.
Ngày nay, khoa học đã nhận diện được những yếu tố hay gặp trong ung thư, thường tác động qua lại với nhau làm bệnh phát triển:
Khuynh hướng gene học (hay yếu tố bẩm sinh của mỗi người): Một số thể ung thư như ung thư đại tràng, vú thường gặp ở nhiều người trong gia đình. Đó là khuynh hướng gene dễ bị ung thư, chứ bản thân ung thư không phải là bệnh di truyền. Phải có sự hiện diện của những yếu tố không phải gene học (như môi trường) mới có thể gây kích thích hoặc cản trở sự phát triển bệnh. Nếu trong gia đình có người bị ung thư thì không nhất thiết người thân cũng sẽ bị bệnh vì còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường. Tuy nhiên, khi gia đình có tiền sử bị ung thư thì các thành viên cũng có nguy cơ cao.
Phơi nhiễm với oestrogen (ở phụ nữ): Phụ nữ bị phơi nhiễm quá nhiều với oestrogen (có nhiều hoóc môn này trong máu) sẽ có nguy cơ bị ung thư ở cơ quan sinh sản (như vú, tử cung), vì oestrogen kích thích sự phát triển các tế bào mô này. Mức độ phơi nhiễm với oestrogen của phụ nữ bị nhiều yếu tố chi phối như tuổi có kinh lần đầu, thai nghén và tuổi khi có thai, tuổi mãn kinh, cân nặng, hoạt động thể chất và cách ăn uống. Ví dụ, một phụ nữ có kinh lần đầu sớm và mãn kinh muộn sẽ bị phơi nhiễm với oestrogen nhiều hơn người có kinh lần đầu muộn và mãn kinh sớm (trong điều kiện thói quen ăn uống và những yếu tố khác như nhau).
Phụ nữ có thể làm giảm nồng độ oestrogen để giảm nguy cơ bị ung thư bằng cách có con trước 35 tuổi, thường xuyên vận động, không uống rượu và ăn ít mỡ. Cũng nên tránh những thức ăn còn tồn đọng oestrogen như các sản phẩm làm từ sữa. Thực phẩm chế biến từ đậu tương có thể giúp bảo vệ phụ nữ chống lại chất oestrogen có trong thuốc trừ sâu và các chất ô nhiễm do công nghiệp.
Bức xạ ion hóa: Phơi nhiễm nhiều với bức xạ ion hóa như tia X và bức xạ hạt nhân có thể gây tổn thương ADN và dẫn đến ung thư. Nguy cơ ADN bị tổn thương phụ thuộc vào sự phơi nhiễm nhiều hay ít trong cả cuộc đời. Do đó, chúng ta nên hạn chế sự tiếp xúc với tia X bằng cách chỉ nên chụp X-quang khi rất cần thiết. Những cách khác để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm với bức xạ ion hóa là không sống gần nhà máy điện chạy bằng năng lượng hạt nhân hay các bãi rác chất thải hạt nhân. Cần biết chắc khu vực sinh sống không nằm trên vùng có nồng độ Radon ở mức nguy hiểm (Radon là chất khí có tính phóng xạ phát ra từ đất ở một số khu vực địa lý).
Bức xạ tia cực tím: Là bức xạ từ mặt trời đi tới trái đất. Bức xạ có hại nhất là loại có tần số cao, tức những tia cực tím B có khả năng làm tổn thương ADN. Những tia này là nguyên nhân của đến 90% các trường hợp ung thư da. Vì vậy, cần tránh phơi nắng quá nhiều và bôi kem chống nắng có chỉ số cao. Đặc biệt, cần chống phơi nhiễm nắng cho những vùng dễ phát triển ung thư da nhất như tai, má và mũi.
Hóa chất gây ung thư: Asbetos, benzen, formaldehyt và diesel ở nồng độ cao sẽ trở nên nguy hiểm. Các chất này thường có ở một số môi trường làm việc. Trong 50 năm qua, sự kiểm soát nghiêm ngặt những chất gây ung thư ở môi trường làm việc đã giúp giảm bớt được rất nhiều ca bệnh.
Khói thuốc lá: Tỷ lệ các ca tử vong do hút thuốc lá chiếm khoảng 30% số chết do ung thư ở Mỹ. Khói thuốc lá là yếu tố gây ung thư nghiêm trọng nhất, không chỉ ung thư phổi mà còn cả ung thư đường hô hấp trên, thực quản, bàng quang, tụy, dạ dày, gan, thận, đại tràng và trực tràng. Hít phải khói thuốc lá thụ động cũng là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổi ở người không nghiện thuốc. Tỷ lệ sống sót do ung thư phổi rất thấp vì bệnh không dễ phát hiện; thường khi nhận thấy thì đã quá muộn và ung thư đã di căn. Cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ bị ung thư phổi là bỏ hẳn hút thuốc lá và hạn chế hít phải khói thuốc thụ động.
Thực phẩm gây ung thư: Nên dùng hạn chế các thực phẩm ướp muối, ủ chua, ngâm dấm và hun khói như cá hun khói, dưa góp, thịt xử lý bằng nitrit. Thịt nướng cũng được xem là một tác nhân gây ung thư. Khắc phục bằng cách ăn nhiều những thực phẩm giàu vitamin C có tác dụng chống ôxy hóa. Thói quen uống quá nóng cũng dễ dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư thực quản.
Ăn uống không lành mạnh: Mỡ (bão hòa) của động vật (đặc biệt là mỡ của loại thịt đỏ) có liên quan đến nhiều thể ung thư khác nhau như ung thư đại tràng, trực tràng và tuyến tiền liệt. Chế độ ăn ít mỡ, nhiều thức ăn làm từ đậu tương, chất xơ, rau quả có thể phòng ngừa được ung thư vì chúng có tính chống ôxy hóa, ngăn cản được các yếu tố nguy cơ phát triển thành ung thư.
Những gốc tự do: Rất nguy hiểm vì có hoạt tính cao, gây tổn thương cho ADN và dẫn đến ung thư. Có nhiều nguồn tạo ra các gốc tự do, ví dụ mỡ đa phân tử không bão hòa có xu hướng bị ôxy hóa và tạo thành các gốc tự do. Cơ thể cần được bổ sung các chất chống ôxy hóa có tác dụng kìm hãm, ngăn cản sự tạo thành các gốc tự do. Vitamin C và A là những chất chống ôxy hóa tốt nhất, vì thế chúng ta nên bổ sung hoặc ăn những thực phẩm chứa nhiều 2 loại vitamin này, như hoa quả có màu vàng, đỏ và các loại rau.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống