1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

10 năm, ngăn ngừa 7,4 triệu ca tử vong do thuốc lá

(Dân trí) - Sau 10 năm Công ước khung kiểm soát thuốc lá của WHO ra đời, 7,4 triệu trường hợp hút thuốc lá ở 41 quốc gia đã thoát cửa tử .

10 năm, ngăn ngừa 7,4 triệu ca tử vong do thuốc lá

Công ước Khung là hiệp ước Quốc tế đầu tiên đàm phán dưới sự bảo trợ của WHO và là một trong những Công ước đã được phê duyệt nhanh nhất của Liên hợp quốc cho đến nay, với 180 quốc gia phê chuẩn, bao phủ 90% dân số thế giới.

Trong thập kỷ qua, Công ước khung kiểm soát thuốc lá đã thúc đẩy các bên tham gia đạt được nhiều tiến bộ to lớn trong việc kiểm soát thuốc lá, bao gồm: 80% các nước đã tăng cường pháp luật về việc kiểm soát thuốc lá sau khi gia nhập Công ước; giá của một bao thuốc lá đã tăng trung bình 150% ở các quốc gia thành viên; có sự gia tăng đáng kể việc sử dụng các biểu tượng cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, như việc sử dụng cảnh báo có diện tích lớn chiếm 75%-85% vỏ bao thuốc ở nhiều quốc gia và các sáng kiến vỏ bao thuốc lá đơn giản; nhiều quốc gia đã cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng trong nhà và ngoài trời; từ đó, giúp đảm bảo rằng hút thuốc không còn được coi là được chấp nhận về mặt xã hội; một số Quốc gia đã thiết lập mục tiêu rõ ràng để trở thành quốc gia “không khói thuốc” (với tỷ lệ hút thuốc lá dưới 5%), bao gồm: Phần Lan, Ireland, New Zealand, và các quốc đảo Thái Bình Dương.

Một nghiên cứu gần đây ở 41 quốc gia có thông qua ít nhất một biện pháp giảm nhu cầu có tác động mạnh cho thấy số lượng người hút thuốc lá giảm xuống 14.8 triệu người, ngăn chặn tổng cộng 7.4 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Theo WHO, việc thực hiện đầy đủ các điều khoản của Công ước khung kiểm soát thuốc lá sẽ giúp đạt được mục tiêu giảm 25% số ca tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2025, trong đó có giảm 30% tỷ lệ hút thuốc lá ở những người trên 15 tuổi.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cũng cảnh báo cuộc chiến chống thuốc lá còn nhiều thách thức. Đó là “kiểm soát thuốc lá thiếu mạnh mẽ”; không thực thi các biện pháp hiệu quả nhất và thách thức trong việc chống lại sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.

Phát biểu nhân kỷ niệm 10 năm ngày Công ước này bắt đầu có hiệu lực (27/2/2015), Tiến sỹ Margaret Chan, Tổng giám đốc của WHO cho biết: “Công ước khung của WHO là công cụ phòng chống mạnh mẽ nhất hiện có cho sức khỏe cộng đồng…Chúng tôi biết rằng nó đang hoạt động. Nó giúp tránh sự phụ thuộc vào một sản phẩm chết người. Nó giúp cứu lấy các sự sống. Việc thực hiện các quy định của nó cũng làm giảm ngay tức khắc và lâu dài các bệnh tật và các trường hợp tử vong sớm. Sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của ngành công nghiệp thuốc lá là một bằng chứng nữa cho thấy hiệu quả của Công ước này”.

Còn Trưởng Ban Thư ký của công ước, Tiến sĩ Vera Luiza da Costa e Silva nhấn mạnh: “Chúng ta phải đấu tranh để cứu 6 triệu người tử vong mỗi năm vì thuốc lá”.

Một vấn để khác vẫn còn là thách thức lớn trong trong chương trình nghị sự của Công ước Khung FCTC là kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp, chiếm tới tỷ lệ 1 trong mỗi 10 điếu thuốc lá và rất nhiều các sản phẩm thuốc lá được tiêu thụ trên toàn cầu. Ngành kinh doanh này được điều khiển bởi rất nhiều đối tượng, từ mạng lưới tội phạm cho tới ngành công nghiệp thuốc lá.

Để đối phó với những thách thức này, bản Nghị định thư để loại bỏ kinh doanh thuốc lá bất hợp pháp đã được thông qua vào tháng 11 năm 2012, mặc dù đòi hỏi sự tham gia của 34 quốc gia nữa để có thể trở thành luật pháp quốc tế. Nghị định thư này là một hiệp ước quốc tế mới mở cho tất cả các quốc gia thành viên FCTC của WHO, và nhằm mục đích để giải quyết nạn buôn lậu và các loại thuốc lá bất hợp pháp khác. Vấn đề này đã được chọn làm chủ đề cho chiến dịch Ngày thế giới không thuốc lá của WHO năm 2015.

Nhân Hà