10 chứng bệnh cần chườm nóng
(Dân trí) - Cơ thể bị đau nhức, không ít người có thói quen dùng khăn nóng chườm lên chỗ đau. Theo Đông Y, “ấm tất thông, thông tất bất thống” ( Ấm chắc chắn sẽ thông, thông chắc chắn sẽ không đau).
Ông Lưu Đức Tuyền, Chủ nhiệm khoa Y học Phương Đông, bệnh viện dành cho người già ở Bắc Kinh, cho biết: Chườm nóng đích thực có thể giảm nhẹ sự đau đớn và có tác dụng bảo vệ sức khỏe
Khi chườm khăn nóng, nên chọn khăn sạch sẽ, được ngâm trong nước có nhiệt độ từ 40 -50oC, lấy ra vắt khô sau đó chườm lên chỗ đau, khi tiếp xúc với da thì không có cảm giác bị đau rát. Tốt nhất nên sử dụng khăn bông mềm, thông thường khoảng 5 phút thay khăn một lần, mỗi lần chườm thời gian khoảng 15-20 phút, mỗi ngày chườm 3-4 lần.
Chườm khăn nóng có 10 tác dụng bảo vệ sức khỏe như sau:
1. Giảm bớt mệt mỏi cho mắt: Dùng khăn chườm nóng có thể xúc tiến tuần hoàn máu xung quanh vùng mắt, giảm nhức mỏi cho mắt, đồng thời có thể giảm nhẹ các chứng khô mắt, còn có tác dụng sáng mắt khỏe não.
2. Phòng chống ù tai, điếc tai: Phủ khăn chườm lên phía trên tai hoặc nhẹ nhàng xoa bóp, như thế có thể cải thiện tuần hoàn máu vùng tai, phòng chống chứng tai điếc do thiếu máu gây ra.
3. Cải thiện hoa mắt, chóng mặt: Đặt khăn chườm vào sau gáy, mỗi lần khoảng mấy phút, như thế có thể kích thích huyệt vị của não sau, có thể cải thiện một phần các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, còn có thể nâng cao khả năng phản ứng và tư duy.
4. Trị chứng cứng đơ ở cổ: Người bị chứng đơ cổ nhẹ có thể dùng khăn chườm đắp vào chỗ cứng đơ đồng thời phối hợp với việc vận động vùng cổ. Đầu từ từ cong về phía trước, nhẹ nhàng chuyển động theo hướng trước sau và trái phải.
5. Phòng trị bệnh cột sống: Các chứng bệnh cột sống trong giai đoạn đầu như cứng cổ, nhức mỏi hoặc sau khi bị nhiễm lạnh cảm thấy hơi đau nhức có thể dùng khăn chườm nóng để cải thiện các triệu chứng trên, thúc đẩy máu lưu thông, giảm nhẹ chứng co rút cơ bắp, phòng chống bệnh cột sống.
6. Giảm đau lưng mãn tính: Khi đau lưng dùng khăn chườm nóng có thể giảm nhẹ triệu chứng đau nếu tình hình quá nghiêm trọng bạn nên đến ngay bệnh viện kiểm tra.
7. Giảm đau nhức vùng mông: Cơ bắp vùng mông cứng lại một nửa nguyên nhân là do đau nhức vì không hoạt động, ngồi lâu hoặc đau căng da. Lúc này bạn có thể nắm sấp dùng khăn chườm vào chỗ đau, có thể giảm nhẹ được đau nhức.
8. Chữa đau bụng kinh hoặc đau bụng do bị lạnh: Phụ nữ bị đau bụng kinh hoặc đau bụng do bị lanh có thể dùng khăn nóng chườm lên bụng, như thế sẽ có tác dụng hóa giải máu tụ, thông khí giảm đau.
9. Chấn thương do ngã: Khi vận động bị chấn thương không nên lập tức chườm khăn nóng. Sau khi bị thương 2-3 hôm, nếu không chảy máu hoặc không sưng tấy, lúc này có thể chườm khăn nóng để giảm nhẹ đau nhức.
10. Sưng chai cứng do tiêm: Nhẹ nhàng đặt khăn chườm vào vùng sưng và chai cưng do tiêm nhiều gây ra, mỗi lần 30 phút, vừa chườm vừa xoa bóp nhẹ giúp máu lưu thông ở vùng bị chai cứng và đẩy nhanh sự hấp thụ của thuốc.
Bác sỹ Lưu Đức Tuyền khuyến cáo, khi vết thương bị rộp, tấy mủ hoặc lở loét thì không thích hợp chườm khăn nóng. Khi bị gẫy xương vẫn còn chảy máu, sưng phồng càng không nên dùng khăn nóng chườm lên chỗ bị thương, nên chờ cho tới lúc cầm máu, hết sưng sau 48 tiếng thì mới chườm khăn nóng. Đau bụng cấp tính chưa xác định rõ nguyên nhân và người bị bệnh đau mắt đỏ cũng không thích hợp chườm khăn nóng.
Dương Hằng
Theo xinhuanet