1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

1 triệu liều vắc xin HPV trong 10 năm qua đã làm được những gì?

Tại Hội thảo khoa học “Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực trong cộng đồng” dưới sự điều hành của Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM vừa diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia đầu ngành nhấn mạnh sự an toàn và tính hiệu quả của tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung (UTCTC).

Theo đó, mỗi năm, số ca tử vong do UTCTC tại Việt Nam đã giảm hơn 700 ca (theo số liệu thống kê của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) từ năm 2008 đến nay.

Hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước cùng 350 nhân viên y tế hai miền Nam Bắc thuộc 2 nhóm chuyên ngành chính là y tế dự phòng và sản phụ khoa - chăm sóc sức khỏe sinh sản
Hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước cùng 350 nhân viên y tế hai miền Nam Bắc thuộc 2 nhóm chuyên ngành chính là y tế dự phòng và sản phụ khoa - chăm sóc sức khỏe sinh sản

Hành trình 10 năm vắc xin HPV bảo vệ phụ nữ Việt khỏi UTCTC

UTCTC là căn bệnh đứng thứ 2 trong tổng số các trường hợp ung thư trên phụ nữ Việt ở lứa tuổi 15-44 (theo số liệu của HPV Information Centre năm 2016). Báo cáo mới nhất của trung tâm này vào 7/2017 cũng chỉ ra rằng, trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó có khoảng 7 ca tử vong.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng đến 99,7% nguyên nhân gây ra bệnh UTCTC là do vi rút HPV. Trong đó, 70% trường hợp UTCTC do típ 16 và 18 gây ra, 90% trường hợp mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) do típ 6 và 11 gây ra. Bệnh nhân UTCTC phải chịu nhiều hậu quả nặng nề như suy giảm sức khỏe, có nguy cơ vô sinh, suy kiệt về tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và hạnh phúc gia đình.

Theo PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, tiêm vắc xin HPV là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh UTCTC
Theo PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, tiêm vắc xin HPV là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh UTCTC

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM nhấn mạnh: “UTCTC chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV”.

Vắc xin HPV được Bộ Y tế cấp phép lưu hành vào năm 2008. “Trong suốt 10 năm qua đã có hơn 1 triệu liều được sử dụng tại Việt Nam. Thực tế trên khắp 64 tỉnh thành đã không ghi nhận bất kỳ ca nào có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc có liên quan đến hội chứng Guillain-Barret, hội chứng rối loạn đông máu, cũng như những hội chứng sản phụ khoa khác…”, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa cho biết thêm.

Hành động ngay để bảo vệ sức khỏe chính bản thân và thế hệ tương lai

Chia sẻ thêm về lợi ích và hiệu quả của vắc xin ngừa vi rút HPV, GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết: “Vắc xin tứ giá ngừa HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền UTCTC và UTCTC gây ra bởi hai chủng HPV 16,18 cũng như các mụn cóc sinh dục do các type 6,11; các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn… Vắc xin tứ giá ngừa HPV (HPV 6,11,16,18) đã được chứng minh có độ an toàn và hiệu quả cao qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong hơn 15 năm qua”.

GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển - Chủ trì Hội thảo khoa học đã diễn ra tại Khách sạn Melia Hà Nội
GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển - Chủ trì Hội thảo khoa học đã diễn ra tại Khách sạn Melia Hà Nội

Vắc xin tứ giá ngừa vi rút HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi từ 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, không quan tâm là đã có quan hệ tình dục hay chưa. Vắc xin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều. Theo đó, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Từ Dũ, BV Hùng Vương và các Bệnh viện phụ sản khác; Viện Pasteur, Viện vệ sinh dịch tể trung ương, Trung tâm y tế dự phòng và nhiều cơ sở tiêm chủng đều được cấp phép tiêm loại vắc xin này.

Bên cạnh tiêm vắc xin ngừa HPV, phụ nữ vẫn cần phải tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung. 90% ung thư cổ tử cung có thể chữa được nếu phát hiện sớm, bảo tồn tử cung, khả năng sinh nở và tính mạng cho người bệnh.

UTCTC không chừa một ai, do đó, đừng chần chừ mà hãy thực hiện tiêm ngừa vắc xin HPV và tầm soát UTCTC ngay khi còn có thể.