Xúc động hình ảnh người lính già sưu tầm những kỷ vật thời chiến
(Dân trí) - Hàng chục năm qua, ông Phạm Văn Mão đã băng rừng, lội suối về những nơi ông và đồng đội từng chiến đấu để tìm lại những kỷ vật thời chiến, nhằm lưu giữ những kỷ niệm một thời oanh liệt và tri ân với đồng đội ông…
Chúng tôi tìm về thôn Minh Lai, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để nghe câu chuyện của người cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử nơi chiến trường. Giờ đây, ông đã bước qua tuổi 70, nhưng người lính cụ Hồ năm xưa vẫn còn giữ nguyên trong mình những ký ức về một thời máu lửa.
Trong căn nhà ngói đơn sơ nơi xóm núi, người đàn ông với dáng vẻ hao gầy, tóc đã điểm bạc và trên người còn khoác bộ trang phục quân đội. Tuy đã về hưu nhưng ông vẫn luôn giữ tác phong của người lính cụ Hồ năm xưa.
Năm 17 tuổi, cũng như bao chàng trai, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Phạm Văn Mão lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đội Trinh sát E30, Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Ông tham gia các chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong giai đoạn 1969 - 1971, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá tuyến đường Trường Sơn nhằm chia cắt huyết mạch giao thông Bắc - Nam. Trong trận bom đó, đồng đội ông là anh Lê Văn Nhường, quê ở tỉnh Bắc Giang bị trọng thương, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh Nhường đã trao lại chiếc lược - là kỷ vật anh luôn mang theo bên mình lại cho ông.
Vừa nói, ông vừa đưa chiếc lược ra ngắm ngía bằng những tình cảm tri ân, rồi giọng ông trầm xuống: “Chiếc lược này là kỷ vật mà đồng đội đã trao lại cho tôi trước lúc ra đi. Chính chiếc lược này là sợi dây tơ hồng gắn kết vợ chồng tôi đấy. Với tôi, mỗi kỷ vật đều gắn liền với từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là chiếc lược làm từ vỏ máy bay, giờ nó đã phai màu nhưng nó chứa nhiều câu chuyện xúc động về đồng đội của tôi”.
Năm 1975, ngày non sông thu về một mối, ông Mão trở về quê hương tiếp tục đóng góp sức mình vào phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Ông đảm nhiệm nhiều cương vị, như: Chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Thái Lai, Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Đến năm 1999, do sức khỏe yếu, ông Mão xin nghỉ công tác về phụ giúp gia đình.
Về nghỉ hưu, nhưng nhớ lại những đồng đội, nhớ lại chiến trường xưa, ông lại vác ba lô lên đường vào Nam ra Bắc đi tìm lại những kỷ vật thời chiến. Niềm đam mê đó đã theo ông suốt gần 20 năm qua. Đời sống kinh tế gia đình vốn khó khăn nên có lúc tưởng như niềm đam mê của ông phải dừng lại. Song với bản chất người lính cụ Hồ và được sự động viên, ủng hộ của người vợ hiền tần tảo, đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn.
Gần 20 năm qua, ông Mão đã vượt rừng, lội suối tới những nơi ông và đồng đội từng chiến đấu để tìm lại kỷ vật với mong muốn lớn nhất là lưu giữ kỷ niệm oanh liệt một thời và tri ân đối với những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc. Tính đến thời điểm này, ông Mão đã sưu tầm được gần 150 kỷ vật.
Trong căn nhà ngói đơn sơ nhưng chứa hàng trăm kỷ vật bình dị, giúp cho người xem hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của dân tộc. Trong các kỷ vật nơi chiến trường mà ông Mão đã sưu tầm được gồm: Chiếc võng, huân, huy chương, giấy khen, bằng khen, vỏ đạn, bình tông đựng nước, đôi dép cao su…
Tất cả những kỷ vật đó đều được ông Mão đặt vào nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình. Ông giữ gìn những kỷ vật thời chiến giống như gìn giữ những báu vật vô giá. Bởi theo ông, trong mỗi kỷ vật đều chứa đựng những gì thiêng liêng, cao quý nhất của một thời máu lửa mà quan trọng hơn hết, nó giúp ông tri ân với những đồng đội của mình đã ngã xuống nơi chiến trường.
Nhìn những kỷ vật thời chiến, những ký ức về một thời máu lửa cứ ùa về trong ông. “Mong ước lớn nhất của đời tôi đến lúc nào đó là đi tìm phần mộ của một người đồng đội. Anh là Nguyễn Đức Đàm, quê tỉnh Hưng Yên, hy sinh trên nước bạn Lào. Khi anh ngã xuống chính tôi đã tận tay khâm liệm và chôn cất”.
Bà Bùi Thị Y, vợ ông Mão chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, có những lần ông ấy đi không có tiền, tôi phải bán cả con lợn nái để đưa cho ông ấy làm lộ phí đi đường. Nhà tôi đã vất vả cả đời rồi, giờ ông ấy muốn làm cái gì đó với đồng đội, tôi là vợ luôn ủng hộ ông ấy. Có lần thiếu tiền, ông nhà tôi phải chấp nhận đi làm thuê kiếm tiền để thực hiện ước nguyện của mình”.
Ước nguyện lớn nhất cuộc đời của ông là có được một bảo tàng kỷ vật kháng chiến cho riêng mình và đồng đội. Khi mà ước mơ đó đang dần trở thành hiện thực thì nỗi lo tuổi già sức yếu là đến với ông. Lo lắng của người lính già không biết sau này ai sẽ là người tiếp tục thay ông gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng ấy.
Nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu, trong cơ thể ông Mão vẫn đang còn mảnh đạn, mỗi khi trái gió, trở trời, nó lại hành hạ ông. Nhưng theo lời ông kể thì chưa bao giờ ông nguôi ngoai ý định dừng cuộc tìm kiếm kỷ vật thiêng liêng của đồng đội để làm phong phú thêm “bảo tàng đăc biệt” của mình.
Hi vọng rằng, “bảo tàng đặc biệt” của người lính già Phạm Văn Mão sẽ ngày càng thu thập được nhiều hơn những kỷ vật thời chiến, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Duy Tuyên