TPHCM:

Vụ tranh chấp 1.000 tỷ đồng: Ngân hàng Sacombank có hoàn toàn vô tư?!

(Dân trí) - Vụ tranh chấp khối tài sản khổng lồ được cho là lên đến 1.000 tỷ đồng càng phức tạp hơn khi em trai của người quá cố khởi kiện ngân hàng Sacombank. Nhiều ý kiến tranh luận về vụ kiện này.

Ông T.V.Ph., em bà T.K.P (ngụ đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TPHCM) đã nộp đơn lên tòa án khởi kiện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vì cho rằng ngân hàng đơn phương thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt giữa ngân hàng với ông Ph. và chị T.H.H.L (con gái nuôi bà T.K.P). Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng thanh lý hợp đồng không đúng luật và kết quả vụ kiện có thể nghiêng về ông Ph. Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TPHCM thì cách giải quyết của Sacombank không sai.

Cô con nuôi đã “đi trước một bước”

Luật sư Trường cho biết, ngân hàng Sacombank là một tổ chức tín dụng, không phải là cơ quan hành chính nhà nước, cũng không phải cơ quan có thẩm quyền phân xử tài sản gửi giữ kia thuộc về ai. Quan hệ giữa ngân hàng, ông Ph. và chị L. là quan hệ gửi giữ tài sản có thu phí. Hợp đồng gửi giữ đã quy định khi muốn gia hạn thì phải có chữ ký của cả ông Ph. và chị L. Khi hai người này mỗi người một ý, không thống nhất được việc gia hạn hợp đồng khi hết hạn thì ngân hàng có quyền chấm dứt hợp đồng. Số tiền ông Ph. đã chuyển cho ngân hàng gọi là phí gửi giữ cho hẳn một năm tiếp theo, không phải là căn cứ “buộc” ngân hàng có trách nhiệm vì đó là hành vi đơn phương của ông Ph., chắc chắn ngân hàng sẽ trả lại cho ông. Bởi đó, ngân hàng đã gửi thông báo cho ông Ph. và chị L. sẽ chấm dứt hợp đồng và yêu cầu họ nhận lại tài sản là phù hợp bởi họ có quyền từ chối nhận giữ một tài sản khi bên gửi giữ tài sản không thống nhất được việc gia hạn hợp đồng gửi giữ hay không.
Một trong những nhà kho của bà T.K.P ở Tân Phú
Một trong những nhà kho của bà T.K.P ở Tân Phú

Việc ngân hàng đã trả lại tài sản nhận gửi giữ cho chị L. theo tinh thần thông báo của ngân hàng không làm thiệt hại quyền lợi của ông Ph. vì quan hệ tranh chấp giữa ông Ph. và chị L. về bản chất là tranh chấp di sản thừa kế: Chị L cho rằng mình thừa hưởng toàn bộ di sản từ mẹ là bà P. chết để lại; ông Ph. cho rằng mình có phần trong đó. Như vậy, nếu không tự giải quyết được ông Ph. có thể đưa vụ việc ra tòa án, khi đó số tài sản đã gửi giữ tại ngân hàng cũng chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tài sản ngàn tỷ đồng - là di sản thừa kế mà các bên đang tranh chấp.

Cho rằng vì ngân hàng đã trả lại tài sản cho chị L. nên chị L. có cơ hội tẩu tán số tài sản này làm thiệt hại quyền lợi cho ông Ph. là không hoàn toàn đúng vì trước đó Văn phòng thừa phát lại đã có lập vi bằng về khối tài sản và khi ký hợp đồng gửi giữ thì ông Ph. đã có đầy đủ chứng cứ về sự tồn tại của số tài sản này để cung cấp cho tòa án khi tranh chấp với chị L. tại tòa. Vì đây là di sản thừa kế nên về mặt lý, chị L. muốn sử dụng hợp pháp thì phải làm thủ tục “kê khai di sản thừa kế”, chị L. không phải là diện phải chịu các loại lệ phí, thuế khi nhận khối tài sản này nhưng vẫn phải hoàn thành đầy đủ thủ tục về thuế theo quy định.
 
Có lẽ chị L. đã rất khôn ngoan khi “đi bước trước” bằng việc một mình ký thanh lý hợp đồng với ngân hàng để “độc quyền chiếm giữ” khối tài sản, trong đó “hiện kim” là có thể sử dụng ngay được. Hành vi của chị L. làm cho khả năng “hòa giải gia đình” càng khó thành công, đẩy ông Ph. vào thế phải sớm kiện tụng để yêu cầu tòa án sớm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn việc tẩu tán tài sản và kê khai di sản thừa kế. Dù vậy, ông Ph. cũng phải cân nhắc cẩn trọng khi đưa ra yêu cầu khởi kiện vì tiền tạm ứng án phí tòa án khi tranh chấp khối tài sản này là không nhỏ.
Văn bản khai nhận tài sản của chị L., con gái nuôi bà P. (Ảnh: L.N)
Văn bản khai nhận tài sản của chị L., con gái nuôi bà P. (Ảnh: L.N)

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, việc ông Ph. mang đơn khởi kiện ngân hàng Sacombank đó là quyền của ông Ph., nhưng để sự việc được minh bạch và đơn kiện của ông Ph. có được chấp thuận hay không thì cần phải có cơ quan thẩm quyền suy xét.

Việc chị L. rút toàn bộ tài sản về hoàn toàn không sai nếu số tài sản ấy được dùng vào những việc liên quan đến bà P. Còn số tài sản ấy rút về mà chị L. sử dụng vào việc cá nhân thì cần phải xem xét lại.

Đối với ông Ph., nếu ông Ph. chứng minh được những tài sản do ông và anh em hùn vốn thì sau cuộc tranh chấp kết thúc ông Ph. sẻ được trả lại những khoản vốn do mình đóng góp.

Trong trường hợp ngân hàng thanh lý số tài sản cho chị L. mà chưa hết thời gian ký gửi thì ngân hàng sẽ phải bồi thường những thiệt hại cho ông Ph., nếu ông Ph. có những bằng chứng chứng minh được những thiệt hại của mình.

Ngân hàng có hoàn toàn vô tư?

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, việc ông Ph. kiện ngân hàng Sacombank ra Tòa án quận 3 với yêu cầu buộc ngân hàng tiếp tục thực hiện hợp đồng là rất khó thành công vì như đã phân tích ở trên: ngân hàng có quyền từ chối tiếp tục hợp đồng.

“Chỉ có một điều nhiều người tinh ý thắc mắc là: khách hàng là “thượng đế” nên cách ứng xử phổ biến là ngân hàng sẽ nhận giữ tài sản của “thượng đế” càng lâu càng tốt để hưởng phí, đàng này lợi dụng lúc các bên bất đồng ý kiến ngân hàng đã gửi thông báo rồi thanh lý hợp đồng và trả lãi tài sản cho một mình chị L. thì liệu ngân hàng có hoàn toàn “vô tư” ?!”, Luật sư Trường đặt nghi vấn.
 

 

 

Diễn biến chính của vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỷ đồng:

- Ngày 10/3/2011 bà T.K.P (66 tuổi, ngụ P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TPHCM) qua đời do đột quỵ để lại tài sản trong két sắt với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, gồm sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kim cương, hột xoàn…

- Ngày 22/3/2011, chị T.H.H.L, con nuôi hợp pháp của bà Ph. và là người thừa kế khối tài sản trên đã cùng ông T.V. Ph (em bà P) hợp đồng thuê két sắt ở Ngân hàng Sacombank gửi tài sản này với lý do phía anh em bà P. cho rằng, tài sản này có phần hùn hạp của anh em bà ở trong nước và nước ngoài.

- Ngày 10/4/2012, Ngân hàng ra thông báo, trong vòng 90 ngày sẽ thanh lý hợp đồng thuê két sắt cho chị L. và ông Ph.

- Ngày 23/5, phía ngân hàng tiếp tục ra thông báo gửi cho ông Ph. và chị L. về việc thanh lý hợp đồng và mời hai người ngày 30/5 có mặt để thanh lý.

- Ngày 28/5, do ngân hàng không cho tiếp tục gửi két sắt nữa nên ông Phương cho rằng, ngân hàng đã đơn phương thanh lý hợp đồng nên đã đã gửi đơn kiện Ngân hàng Sacombank tới TAND quận 3, đề nghị tòa án xem xét buộc Sacombank tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê ngăn tủ.

- Ngày 30/5, đại diện ngân hàng làm việc với ông Ph. và chị L về việc chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, chị L. xin gia hạn thêm 30 ngày gửi tài sản nữa để ông Ph. có thời gian chứng minh tài sản, nhưng ông Ph. từ chối gửi nên Ngân hàng giao tài sản cho chị L.

- Ngày 6/6, luật sư của chị L. cho biết, “cô gái 1.000 tỷ” vừa có “Bức tâm thư” thông báo cho các cậu (là em của bà P.) về việc chị L. đã thanh lý hợp đồng thuê tủ sắt với Ngân hàng Sacombank. (Theo Tiền Phong)

 

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm