Toàn cảnh bầu cử Pháp trước giờ “G”

(Dân trí) - Lâu lắm rồi người dân Pháp mới lại trải qua một kỳ bầu cử Tổng thống mang lại nhiều yếu tố bất ngờ và nhiều cảm xúc cho cử tri đến vậy. Đây cũng là lần đầu tiên, một đương kim Tổng thống Pháp phải chấp nhận chạy đua nước rút trong “thế yếu”.

 

Toàn cảnh bầu cử Pháp trước giờ “G”
Cử tri Pháp muốn thấy sự thay đổi ở đất nước mình.
 

Chủ nhật tuần này (6/5), tại đất nước hình lục lăng sẽ diễn ra trận quyết đấu nảy lửa giữa đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và ứng cử viên cánh tả của đảng Xã hội (PS) Francois Hollande nhằm dành quyền ngòi vào chiếc ghế nóng trong điện Élysé trong 5 năm tới.  Tuy nhiên, khác với các kỳ tranh cử trước, thay vì ông Hollande phải là người sắm vai “kẻ thách đấu”, thì lần này “vai diễn” đã được chuyển qua cho ông Sarkozy – vị tổng thống không được lòng dân nhất trong lịch sử nước Pháp.

 

Sau vòng một cuộc bầu cử diễn ra hôm 22/4 với phần thắng ngả về ông Hollande, ngoài việc bảo đảm giữ nguyên sự ủng hộ của các cử tri “ruột”, cả hai ứng cử viên đều đang ra sức tìm cách “lấy lòng” những cử tri từng ủng hộ các chính đảng nhỏ, như Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen, Mặt trận Cánh tả của ứng cử viên Jean-luc Mélenchon, hay Phong trào Dân chủ của ông Francois Bayrou.

 

Thông qua các bài diễn văn thực địa hoặc trên các phương tiện truyền thông, ông Hollande vẫn tiếp tục duy trì hướng vận động tả khuynh vốn đã giúp ông giành được vị trí dẫn đầu tại vòng một. Cụ thể, ông tiếp tục chứng tỏ mình là gương mặt đại diện cho phần lớn người dân Pháp và sẽ hành động vì một nước Pháp hài hòa, cân bằng ngân sách, tạo động lực cho tăng trưởng, tái định hướng Liên minh châu Âu (EU).

 

Trong khi đó, dù bước vào vòng hai không phải ở thế dẫn đầu như những đời Tổng thống trước, nhưng ông Sarkozy vẫn quyết định không thay đổi đường lối vận động tranh cử của mình, do bị co kéo giữa hai nhóm cử tri cực hữu và cánh hữu truyền thống. Vị tổng thống sắp mãn nhiệm của nước Pháp vẫn đi sâu vào chủ nghĩa yêu nước, kiểm soát biên giới với EU, hạ thấp vai trò của các nghiệp đoàn, ít quan tâm tới văn hóa, giáo dục...

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của phần đông cử tri, Tổng thống sắp mãn nhiệm của nước Pháp đã không chứng tỏ được ưu thế về kinh nghiệm, sự chắc chắn và tầm nhìn trong các tranh luận trực tiếp với đối thủ Hollande, dù ông này bị đánh giá là còn "non nớt" vì chưa từng có một ngày đảm nhiệm công việc mang tính quản lý nhà nước.

 

Đáng chú ý, điều này còn được thể hiện rất rõ trong cuộc tranh luận trực tiếp duy nhất trên truyền hình ở vòng II diễn hôm 3/5. Trước khi bước vào "sàn đấu", dư luận Pháp nhìn chung cho rằng lợi thế sẽ nghiêng hẳn về ông Sarkozy. Nhưng một lần nữa, cử tri Pháp lại nhầm khi liên tiếp được chứng kiến cảnh ông Hollande "5 lần, 7 lượt" dồn ép đối thủ. Ông tỏ ra rất binh tĩnh, tự tin, quyết liệt và là người biết tiến, biết lui, biết cương, biết nhu. Trong khi đó, ông Sarkozy dù vẫn thể hiện được bản lĩnh tranh cử của mình, song bấy nhiêu thôi chưa đủ để ông biện giải cho bản thành tích lãnh đạo yếu kém 5 năm vừa qua.

 

Theo các kết quả thăm dò dư luận đến sát ngày bầu cử, ông Hollande đang giành được sự ủng hộ của 54 - 55% cử tri, trong khi tỷ lệ này của ông Sarkozy chỉ là  45 - 46%.

 

Mặc dù có sự chênh lệch về tỷ lệ ủng hộ cho hai ứng cử viên trong cuộc đua song mã, nhưng do khoảng cách không mấy khác biệt, nên vai trò của đảng nhỏ trở nên đặc biệt quan trọng, có thể quyết định thành bại của từng ứng cử viên.

 

Mặt trận Quốc gia của ứng cử viên Le Pen

 

Giành vị trí thứ ba tại vòng một với 6,4 triệu cử tri ủng hộ (chiếm 18% phiếu bầu, cao nhất kể từ khi đảng Mặt trận Quốc gia được thành lập), bà Le Pen của Mặt trận Quốc gia đang giữ vai trò quan trọng đối với cả hai ứng cử viên Hollande và Sarkozy.

 

Thông thường như trước đây, các cử tri trung thành với phe cực hữu của bà Le Pen sẽ phải quay sang ủng hộ ông Sarkozy ở vòng 2 (vì cùng thuộc cánh hữu). Tuy nhiên, thực tế lần này lại khác. Cả bà Le Pen và đảng của bà đều đã “quay lưng” lại với đương kim Tổng thống do quá chán ngán trước những thành tích nhiệm kỳ khiêm tốn và cương lĩnh tranh cử quá hữu của ông Sarkozy.

 

Bởi vậy, cũng không có gì khó hiểu khi tại cuộc mít tinh tập hợp lực lượng ngày 1/5 vừa qua, bà Le Pen đã "dội gáo nước lạnh" vào tổng thống sắp mãn nhiệm Sarkozy khi công khai tuyên bố sẽ bỏ phiếu trắng tại vòng hai, đồng thời kêu gọi các cử tri của mình bỏ phiếu “theo tình cảm và lương tâm”.

 

"Tôi sẽ bỏ phiếu trắng vào ngày Chủ nhật tới. Mỗi người trong số các bạn sẽ tự đưa ra quyết định của mình tùy theo quan niệm và suy nghĩ riêng", bà nói.

 

Mặt trận Cánh tả của ứng cử viên Jean-luc Mélenchon

 

Với thành tích về thứ tư tại vòng I và được 11% phiếu bầu, đương nhiên Chủ tịch Mélenchon của Mặt trận Cánh tả cũng giữ một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vai trò đó không mang lại tia hy vọng nào cho ông Sarkozy khi đại đa số cử tri của nhà lãnh đạo cánh tả này đã quyết định ủng hộ ông Ôlăngđơ.

 

“Sau gần 20 năm cầm quyền, cánh hữu đã gây nhiều vấn đề đáng thất vọng cho nước Pháp. Mặc dù là nước công nghiệp phát triển nhưng Pháp vẫn còn nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, nghèo đói. Bất bình đẳng trong xã hội cũng ngày càng tăng lên. Hiện nay, tỉ lệ thất nghiệp ở Pháp đã lên tới 10%, trong đó 20% là giới trẻ. Hollande là người đủ năng động để đưa nước Pháp thoát khỏi khủng hoảng, đoạn tuyệt với di sản của Chirac và chấm dứt chủ nghĩa Sarkozy", nhà sử học Alain Ruscio chia sẻ.

 

“Tôi rất tin tưởng vào sự thay đổi của cánh tả. Bầu cử là tự do lựa chọn và bỏ phiếu theo suy nghĩ của từng người. Về phần mình, tôi sẽ cùng với bạn bè làm tất cả để cánh tả có thể chiến thắng”, chị Carine Picard-Nilés, một nhân viên hành chính cho biết.

 

Phong trào Dân chủ của ứng cử viên Bayrou

 

Dù chỉ về thứ 5 ở vòng I với 3,2 triệu phiếu bầu, nhưng ông Bayrou của Phong trào Dân chủ cũng đang có những ảnh hưởng nhất định.

 

Vì vậy, cả hai ứng cử viên Hollande và Sarkozy đều đã gửi thư ngỏ tới ông Bayrou với nội dung sẵn sàng chấp nhận một số yêu cầu của phe trung dung. Tuy nhiên, ông Bairu không hề phát tín hiệu ủng hộ ứng cử viên nào. Điều này càng khẳng định thêm xu thế khó có thể lội ngược dòng của ông Sarkozy, vì ngay cả trong trường hợp xấu nhất, ông Hollande vẫn có quyền hy vọng nhận được số phiếu cao hơn tại vòng quyết đấu vào ngày mai.

 

Nhận định tình hình

 

Có thể thấy, kết quả tại vòng một đã phản ánh tương đối rõ nét tình cảm và nguyện vọng của toàn thể cử tri Pháp.

 

Việc tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao, nhiều cử tri cánh hữu quay sang ủng hộ bà Le Pen cho thấy đông đảo người dân Pháp đang mong muốn có một sự thay đổi trong đời sống chính trị đất nước.

 

Đối với ông Hollande, mặc dù cương lĩnh tranh cử của ông không được đánh giá cao nhưng ông vẫn được hưởng lợi từ bối cảnh khủng hoảng kinh tế và kết quả nhiệm kỳ yếu kém của Tổng thống Sarkozy.

 

Còn đối với ông Sarkozy, việc ông chỉ về nhì tại vòng một mang nhiều hàm ý. Những chủ đề chính trong cương lĩnh tranh cử của ông như chống nhập cư, bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa... đã không thể làm nhiều cử tri hữu khuynh quên đi thực tại khó khăn về kinh tế - xã hội, cũng như không đủ sức thuyết phục cử tri của phe cực hữu vốn đa số là người nghèo ở các vùng nông thôn.

 

Theo nhận định của giới phân tích, trong vòng II, nhiều khả năng đa số cử tri trung thành với cánh hữu sẽ quay sang bỏ phiếu cho ông Hollande, coi đây là sự trừng phạt nghiêm khắc dành cho vị tổng thống sắp mãn nhiệm.

 

Tất nhiên, trong chính trị luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ. Vì thế, vào thời điểm này không thể nói chắc ai sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, dù vị chủ nhân mới của điện Élysé có là ai, thì chính sách đối nội và đối ngoại của nước Pháp cũng sẽ có những điều chỉnh nhất định nhằm đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn nội tại và từng bước củng cố vị thế đối ngoại trong tương lai.

 

Vũ Anh