Bình Định:
Rốt ráo sơ tán dân, tránh vùng ngập nguy hiểm
(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi ông dẫn đầu đoàn công tác Trung ương xuống kiểm tra trực tiếp công tác phòng chống mưa lũ tại Bình Định, ngày 16/12.
Không để dân đói, khát trong lũ
Ngày 16/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã trực tiếp thị sát vùng lũ phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) và vùng rốn lũ ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Chứng kiến cảnh bà con nhân dân Bình Định gồng mình hứng chịu 4 đợt lũ liên tiếp, Phó Thủ tướng ân cần động viên, an ủi và tặng quà cho bà con vùng ngập lũ.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu chính quyền tỉnh Bình Định ưu tiên trước mắt phải tổ chức sơ tán khẩn cấp những trường hợp người dân trong vùng bị ngập sâu, vùng nguy hiểm, vùng bị sạt lở không an toàn, nhất là các hộ ở ven sông, suối, vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đồng thời, huy động các lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích do mưa lũ.
“Tôi yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai ngay việc chuyển lương thực, nước uống đến cho người dân vùng lũ. Bộ Quốc phòng còn phải chỉ đạo các lực lượng tham gia sơ tán, cứu hộ người dân vùng lũ. Phải kiểm tra, rà soát, bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu vực dân cư còn đang bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm cho người dân, không để người dân nào bị đói, khát” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Gần 65.000 hộ dân bị ngập
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mực nước hồ Định Bình lúc 10h ngày 16/12 ở cao trình 93,48m lưu lượng đến 2.555m3/giây, qua tràn 2.555m3/giây. Mực nước trên các sông Kôn, sông Lại Giang, sông An Lão, sông Hà Thanh đều vượt mức báo động 3 và tiếp tục dâng cao.
Gần như 11 huyện, thị xã, thành phố ở Bình Định đều bị ngập nước với gần 65.000 hộ dân bị ngập lụt, nhiều địa phương bị cô lậpMưa lớn nhiều ngày qua, khiến gần như toàn bộ huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn và nhiều khu vực các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, TP Quy Nhơn… bị ngập trong lũ. Toàn tỉnh Bình Định có 64.696 hộ bị ngập, 4.497 hộ phải di dời. Nhiều khu dân cư ở các vùng ngập lũ đã bị mất điện.
Đến trưa 16/12, tỉnh Bình Định ghi nhận thêm 2 trường hợp mất tích và 1 trường hợp bị chết. Tối 15/12, bà Nguyễn Trịnh Liêm (36 tuổi, ở thôn Liêm Thuận, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đi qua tràn Mỹ Cang (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) bị nước cuốn trôi mất tích. Trường hợp còn lại chưa xác định được tên tuổi, bị lũ cuốn trôi mất tích tại thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân). Trường hợp bị chết là bà Đỗ Cao Ly (65 tuổi, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn).
Theo ghi nhận của PV Dân trí đến chiều 16/12, nước lũ tại tỉnh Bình Định tiếp tục dâng cao, hàng trăm xã trên toàn tỉnh bị lũ cô lập; tuyến QL 1A và QL 19 bị ngập sâu, chia cắt nhiều đoạn.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong vòng từ đầu tháng 12 đến nay, người dân tỉnh Bình Định phải chống chọi với 4 đợt lũ liên tiếp. Hiện toàn tỉnh đã có 25 người chết, 10 người bị thương và thiệt hại về tài sản ướt tỉnh 1.230 tỉ đồng. “Tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, phục vụ sản xuất và hỗ trợ dân sinh, với tổng kinh phí là 500 tỉ đồng. Vừa rồi tỉnh cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ về vật chất, tinh thần để giúp người dân vùng lũ tỉnh Bình Định giảm bớt những khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất” - ông Dũng nói.
Doãn Công