Hà Nội:
Quyết tâm “bất thường” của Thi hành án trong vụ 194 phố Huế
(Dân trí) - Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng phải ra quyết định đình chỉ thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM. Tuy nhiên, việc tuân theo pháp luật đã không được cơ quan này thực hiện.
Căn cứ vào Quyết định thỏa thuận giữ các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM, Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã tiến hành các thủ tục THA đối với tài sản bảo lãnh là ngôi nhà 194 phố Huế. Ngày 24/8/2009 Chi Cục thi hành án quận Hai Bà Trưng đã gấp rút cùng Công ty cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá ngôi nhà này với giá 31.528.000.000 đồng mặc dù không có sự chấp thuận của những người có quyền và lợi ích liên quan.
Ngày 04/9/2009, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị số 29/QĐ - KNGĐT - V12 với yêu cầu: “Tạm đình chỉ thi hành quyết định sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST - KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội, chờ kết quả giám đốc thẩm.”
Ngày 21/12/2010, Tòa kinh tế - Tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định Giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM - GĐT tuyên hủy Quyết định 143/2007/QĐST-KDTM và yêu cầu TAND thành phố Hà Nội xét xử Sơ thẩm lại vụ án này.
Điều 50 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định: Đối với bản án đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ thì “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án"
Điều 136 Luật Thi hành án dân sự 2008 cũng quy định: "Trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới"
Nhưng thay vì đình chỉ việc thi hành án và chờ kết quả xét xử của TAND TP. Hà Nội, Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng lại cố tình thực hiện đến cùng bản án số 143 đã bị tuyên hủy. Ngày 09/05/2011, Chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng có Thông báo số 04/TB-THA yêu cầu những người đang cư trú và làm việc tại nhà số 194 Phố Huế phải chuyển dọn toàn bộ tài sản để trả nhà đất cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Việc làm này được Chi cục Thi hành án giải thích bằng quy định tại Khoản 5 Điều 2 Thông tư 14 ngày 26/7/2010: “Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, thông tư liên tịch số 14 có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2010, thì không thể được áp dụng để quay ngược trở lại điều chỉnh một vụ án kinh doanh thương mại được giải quyết bằng Quyết định 143 ngày 20/07/2007 và có quyết định thi hành án từ ngày 06/01/2009, bởi vì pháp luật Việt Nam không có quy định luật hồi tố.
Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật Thi hành án năm 2008, thì chỉ những bản án, quyết định sau đây của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
“a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM không thuộc những trường hợp trên nên không bắt buộc phải thi hành ngay mà phải chờ cho đến khi có trả lời kháng cáo, kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Phớt lờ ý kiến của Tòa án, Viện Kiểm sát tối cao
Ngày 23/6/2011, tòa án Kinh tế - TAND TP. Hà Nội đã có thông báo số 517 thông báo việc thụ lý vụ án để xét xử lại từ đầu.
Tiếp theo, ngày 27/6/2011, Viện KSND tối cao đã gửi công văn số 1916/VKSTC - V12 trả lời Cơ quan THA về việc áp dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14 như sau: “Theo Công văn số 237/CV - THADS ngày 04/4/2010 thì Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đang áp dụng khoản 5, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 về thủ tục thi hành án dân sự, nhưng hiệu lực thi hành của thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2010” (Điều 11)
Nhưng ngày 28/6/2011, Chị cục thi hành án quận Hai Bà Trưng vẫn ra văn bản "Quyết định cưỡng chế giao nhà" số 07/QĐ - THA và ngày 29/6/2011, ra văn bản "Thông báo cưỡng chế thi hành án" số 93/TB - CCTHA buộc gia đình ông Hoàng Ngọc Minh phải giao nhà!
Mới đây nhất, ngày 11/7/2011, TAND TP. Hà Nội ban hành công văn số 131/TA-KT nhận định: “tài sản 194 phố Huế là tài sản đảm bảo cho việc vay vốn” và “theo quy định của pháp luật thì trong quá trình giải quyết vụ án, các tài sản bảo đảm (thế chấp, bảo lãnh, cầm cố…) không ai có quyền tự ý chuyển dịch”. Do vậy việc cơ quan thi hành án đã áp dụng biên pháp cưỡng chế thi hành bản án 143 là có hành vi cố ý làm trái các quy định của pháp luật”.
Mặc dù có nhiều văn bản của các cơ quan cấp trên chỉ đạo về việc thi hành án căn nhà 194 phố Huế, nhưng ngày 7/7/2011Cơ quan Thi hành án quận Hai Bà Trưng vẫn kiên quyết thực hiện thi hành án đến cùng.
Và nếu như, toàn bộ quá trình xét xử, thi hành án đối với ngôi nhà 194 phố Huế là trái pháp luật, các bên buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, thì ngoài việc bồi thường cho gia đình ông Hoàng Ngọc Minh, ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường cho ông Đặng Văn Thoán - người mua đấu giá thành công căn nhà 194 Phố Huế?
Dư luận đang hết sức bất bình về vụ việc trên, đề nghị các Cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc làm rõ trắng đen, lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự công bằng của pháp luật.
Vũ Văn Tiến