Kiểm tra phóng xạ hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản
(Dân trí) - Hôm qua (31/3) các trạm quan trắc phóng xạ tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện dấu hiệu bất thường của mây phóng xạ. Dù vậy, các cơ quan chuyên môn đã bắt đầu các biện pháp kiểm soát chất phóng xạ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản vào nội địa.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngày 31/3 tại Hải Phòng, đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng II đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 của 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật Bản của 4 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty CPTM Vikotra, Công ty TNHH Tuấn Việt, Công ty CPTM Trung Sơn Hưng Yên, Công ty CP Khai thác dịch vụ thủy sản Hạ Long.
Hiện nay đã có kết quả đo, nhưng để có kết luận cuối cùng về các lô hàng thủy sản cần có giá trị tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và kết quả đo mẫu cá đối chứng của Việt Nam.
Cùng ngày, tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo, hạt nhân phóng xạ I-131 và Cs-137 hầu như được tất cả các trạm quan trắc trên Bắc Bán cầu ghi nhận. Tại Châu Á, Mông Cổ và Phillipines vẫn ghi nhận được I-131. Trung Quốc công bố đã ghi nhận được I-131 nhưng không thấy gửi số liệu đến Trung Tâm dữ liệu Quốc tế của CTBTO.
Cùng với việc khắc phục hậu quả từ vụ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hiện Nhật Bản Nhật Bản cũng đang tiến hành xét nghiệm thực phẩm tại các địa phương. Theo kết quả phân tích 35 mẫu rau quả, thịt lợn, hải sản và sữa tươi lấy trong thời gian 25-29/3 tại 9 tỉnh (Chiba, Gunma, Ibaraki, Kanagawa, Nagano, Niigata, Saitama, Tochigi và Yamagata) đều không phát hiện được I-131, Cs-134 và Cs-137, hoặc có nồng độ dưới mức cho phép.
P. Thanh