Đi tìm “thiên đường”, gặp… “địa ngục”
Không được học hành nhiều, không có công ăn việc làm, chán cảnh lấy chồng, đẻ con nheo nhóc, nghèo đói, nhiều cô đã bỏ chồng, con sang Trung Quốc để tìm “thiên đường”. Nhưng “thiên đường” đâu chẳng thấy, những gì các cô gặp phải chỉ toàn “địa ngục”.
Chị em phụ nữ bỏ chồng, bỏ con sang Trung Quốc là để tìm “thiên đường”, những mong đổi đời. Những phụ nữ gặp cảnh éo le, chồng nghiện rượu, hay đánh đập, bỏ nhà sang Trung Quốc thì đành một nhẽ, nhưng nhiều trường hợp cuộc sống đang đầm ấm, với con đàn cháu đống, cũng mù quáng bỏ nhà đi lấy chồng mới, thì quả khó tin nổi.
Đằng sau “phong trào” rầm rộ bỏ nhà, bỏ bản trốn sang Trung Quốc lấy chồng, là những số phận hẩm hiu xuất hiện ngày một nhiều. Những trường hợp thất bại trở về, thường xấu hổ, nên ít khi lên tiếng, kể lại. Chỉ một số trường hợp bị lừa bán, khi trốn được về, tìm cách tố cáo bọn buôn người, thì mới kể lại hành trình những ngày ở “địa nguc”.
Phát điên vì đi tìm “thiên đường”
Theo chị Lê Thúy Hà, Phó Phòng Tiếp nhận và Hỗ trợ nạn nhân, Trung tâm Bảo trợ xã hội Lào Cai, từ năm 2009 đến nay, Phòng đã đứng ra tiếp nhận gần 90 nạn nhân trở về từ Trung Quốc. Những nạn nhân được tiếp nhận về Trung tâm đều có trạng thái tâm lý đặc biệt, khác thường. Nhiều người mắc các rối loạn tâm lý, thậm chí tâm thần.
Số liệu thống kê cho thấy, trong số gần 90 nạn nhân trở về, chỉ có 14 phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc là được “làm vợ”. Số còn lại đều bị bán vào động mại dâm, làm nô lệ tình dục, bị bọn chủ chứa bóc lột kiệt quệ sức khỏe, tinh thần, phẩm chất.
Điển hình là trường hợp chị K. Chị này từng bỏ gia đình sang Trung Quốc lấy chồng. Sau trốn thoát, lưu lạc bên Trung Quốc, được chính quyền trả về qua cửa khẩu Lào Cai. Không biết chồng và gia đình đối xử thế nào, mà chị có dấu hiệu của bệnh tâm thần.
Ban ngày, chị cũng sinh hoạt như những phụ nữ khác, nhưng cứ đêm đến, chị lại la hét, quậy phá. Nhiều khi đang ngủ, bỗng giật mình gào khóc. Những lúc lên cơn nặng, không ai dám đến gần, vì chị tưởng là kẻ thù, tấn công quyết liệt.
Có lần, sau khi gào thét, đập phá chán, chị nhảy qua cửa sổ, đâm đầu xuống ao. Mọi người thuyết phục thế nào cũng không chịu lên, cứ dầm mình dưới làn nước lạnh cóng. Chị ta khóc lóc đòi được chết cho đỡ khổ!
Nhìn cảnh điên khùng vào ban đêm của H., chị em trong Trung tâm rơi nước mắt. Chắc phải có sự đàn áp về mặt tinh thần, thể chất ghê gớm lắm, chị H. mới rơi vào trạng thái giật mình, nổi điên vào ban đêm như vậy.
Qua tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu với hàng chục chị em đang sống nhờ sự nuôi dưỡng của Trung tâm Bảo trợ xã hội Lào Cai, tôi nhận thấy rằng, chẳng có “thiên đường” nào ở bên kia biên giới cả. Thứ mà chị em thuật lại là hình ảnh của một “địa ngục” đầy khổ đau, nhục nhã.
Không có “thiên đường”
Mơ là cô gái Nùng, quê ở xã Bản Sen, Mường Khương, Lào Cai. Nhà có 5 chị em, bố mẹ làm ruộng, nên mấy anh em lớn lên trong nhọc nhằn. Không được học hành nhiều, không có công ăn việc làm, chán cảnh lấy chồng, đẻ con nheo nhóc, nghèo đói như những cô gái trong bản, nên khi cô bạn rủ sang Trung Quốc kiếm việc làm với lương cao để hưởng an nhàn, giàu có, Mơ không đắn đo gì cả.
Cô bạn đưa Mơ qua cửa khẩu Nà Lốc giao cho một người đàn bà luống tuổi. Bà ta đẩy Mơ lên xe khách, đi nửa ngày thì đến một thị trấn, nhà cửa sầm uất. Tại đây, Mơ được người đàn bà lạ mua sắm quần áo, son phấn cho.
Hàng ngày, có vài lượt đàn ông đến xem mặt. Họ nói gì, Mơ cũng chẳng hiểu. Chỉ thấy người thì gật, người thì lắc.
Vài hôm sau, một người đàn ông tên Voòng A Hén xuất hiện dắt Mơ đi. Mơ nói tiếng Việt, anh ta nói tiếng Trung Quốc, nên chả hiểu gì nhau. Thôi thì anh ta dắt đi đâu, đành theo vậy. Anh ta đưa lên xe khách, đi suốt một ngày mới dừng.
Đó là một ngôi nhà tuềnh toàng ở ngoại ô. Trong nhà cũng có đủ các loại dụng cụ như cuốc, xẻng, cày, bừa, dao phát… Trông qua cũng biết gia đình này là nông dân, cũng nghèo như ở Việt Nam.
Anh ta đẩy Mơ vào nhà tắm. Tắm xong, kéo Mơ ra bàn ăn. Mọi người trong gia đình anh ta xì xồ bàn tán, cười cười nói nói, chúc tụng rượu bia, Mơ chả hiểu gì. Trong thâm tâm Mơ vẫn nghĩ, người này sẽ xin việc cho Mơ, hoặc là ông chủ của Mơ.
Ăn uống xong, anh ta đẩy Mơ vào buồng giở trò thú tính. Lúc này, Mơ mới nhận ra rằng, em đã bị cô bạn bán sang Trung Quốc như một món hàng, như một nô lệ. Đến nước này, Mơ đành nhắm mắt xuôi tay, mặc cho số phận mình.
Hàng ngày, Mơ lên nương làm việc quần quật như con trâu, con ngựa, đêm về lại lo cơm nước, việc nhà. Đã vậy, ăn uống lại chẳng ra sao, lúc nào cũng cảm thấy đói. Ở Việt Nam em làm một, thì sang đây em làm mười.
Nhục nhã hơn, một lần, chồng đi vắng, lão bố chồng, vốn thường xuyên nhìn Mơ với con mắt hau háu, đã xông vào buồng, đè nghiến con dâu ra hiếp. Nỗi tủi hờn, nhục nhã dâng đầy lên mắt, trào ra ướt cả vạt áo, chưa kịp tan biến, thì lão bố chồng đã lại đè cô con dâu ra lần nữa. Và cứ thế, hết chồng, lại đến bố chồng giở trò đồi bại với Mơ.
Lúc này, Mơ lại hiểu thêm một điều nữa, rằng họ bỏ tiền ra mua em về, làm con ở, làm nô lệ và làm búp bê tình dục, chứ chẳng phải làm người vợ. Đau đớn, uất ức, Mơ trèo lên mái nhà tự vẫn.
Đang tính nhảy xuống cho xong đời, thì lão chồng tóm lại được, túm tóc lôi xuống, đánh cho một trận tơi bời, xây xẩm mặt mày. Mơ có cảm tưởng như hắn đánh cho hả giận, cho bõ với số tiền bỏ ra mua em về.
Đã mấy lần Mơ bỏ trốn, song không thoát được. Kết cục lần nào cũng giống nhau: Bị đấm đá túi bụi vào bụng vào mặt. Sống cũng chết, mà trốn còn có hi vọng sống. Nghĩ thế, Mơ quyết tâm bỏ trốn.
Một đêm, chờ cả nhà tên Hén ngủ, Mơ lén ra sau nhà, trèo tường bỏ trốn. Cả đêm, Mơ cứ nhằm đường lớn chạy. Chạy đến sáng thì mệt lả, Mơ nằm vật ra đường. Đúng lúc đó, cảnh sát xuất hiện, đưa Mơ về đồn. Thông qua phiên dịch, biết được hoàn cảnh, công an Trung Quốc đã làm thủ tục trao trả cô về Việt Nam qua cửa khẩu Cốc Lếu.
“Đứng bên này Cốc Lếu, nhìn sang bên kia biên giới, thấy nhà cao cửa rộng, đèn hoa phấp phới, ai cũng nghĩ đó là “thiên đường”, nhưng thực ra, đó là “địa ngục” anh ạ!” - Mơ nói với tôi như vậy lúc chia tay.