1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dân Zimbabwe quay cuồng vì nền kinh tế sắp sụp đổ

(Dân trí) - Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và ngoại hối, lạm phát gia tăng và đình công hàng loạt đã đẩy Zimbabwe đến bờ vực sụp đổ kinh tế trong khi Tổng thống Emmerson Mnangagwa vẫn cho rằng nước này mở cửa kinh doanh.

 

Dân Zimbabwe quay cuồng vì nền kinh tế sắp sụp đổ - Ảnh 1.

Người Zimbabwe biểu tình chặn tuyến đường chính dẫn đến thủ đô Harare của Zimbabwe vào ngày hôm qua. (Nguồn: Jekesai Njikizana / AFP qua Getty Images)

Tại Zimbabwe hiện nay, nhiều cửa hàng và nhà máy đã đóng cửa vì thiếu khách hàng. Ở một cửa hàng thiết bị trong thủ đô Harare, một nhân viên bán hàng tiết lộ rằng, một chiếc máy giặt hiệu Whirlpool Corp có giá khoảng 5.000 USD nếu trả bằng tiền điện tử nhưng sẽ có giá chỉ 1.500 USD nếu trả bằng tiền mặt. Trong khi tại một kho đồ điện gần đó, hóa đơn 600 USD sẽ được giảm xuống còn 145 USD nếu thanh toán bằng đồng USD tiền mặt.

Bên ngoài các trạm đổ xăng, từng dãy xe ô tô cứ ngày một dài thêm với hy vọng họ sẽ mua được xăng khi nguồn cung cấp đến. Người dân Zimbabwe tự nguyện chờ đợi hàng giờ đồng hồ hoặc thậm chí nhiều ngày tại một trạm xăng.

Vào cuối tuần qua, chính phủ đã tăng giá xăng chính thức lên 3,33 USD/lít, mức giá đắt nhất thế giới khi so sánh với giá niêm yết của GlobalPetrolPrices.com. Đại hội Công đoàn Zimbabwe, đại diện cho hầu hết các công đoàn lao động ở quốc gia Nam Phi này, đã phản ứng với việc tăng giá xăng khi kêu gọi một cuộc đình công quốc gia bắt đầu vào hôm qua (14/1).

Lần cuối cùng mọi thứ trở nên tồi tệ đến thế tại Zimbabwe là vào năm 2008, khi đất nước đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát khiến giá cả tăng gấp đôi mỗi ngày, khiến các cửa hàng trống trơn và buộc mọi người phải mua hàng tạp hóa từ các nước láng giềng hoặc trên thị trường chợ đen. Ngay vào năm sau, chính phủ đã bãi bỏ đồng tiền tệ Zimbabwe để sử dụng các loại tiền tệ khác, chủ yếu là USD.

Hiện nay, tỷ lệ lạm phát chính thức của Zimbabwe ở mức 31%, thấp hơn mức của năm 2008 nhưng vẫn đủ cao để khiến người tiêu dùng phải tìm đến thị trường chợ đen hoặc nhập khẩu thực phẩm và các đồ dùng cơ bản khác.

Hàng hóa được trả bằng tiền điện tử cao gấp 4,5 lần so với trả bằng tiền mặt. Các nhà bán lẻ đã sử dụng chính sách định giá kép và giảm giá tiền mặt, bất chấp các mối đe dọa của chính phủ.

Bên cạnh đó, các siêu thị đã ngừng bán một số hàng hóa và hết hàng từ bánh mì đến cà phê. Zimvine, một nhóm trên Facebook, đang được sử dụng để chia sẻ thông tin về nơi tìm thực phẩm, nhiên liệu, các hàng hóa khác và cách liên hệ với các luật sư chuyên về nhập cư tại Zimbabwe.

Người đứng đầu cơ quan công nghiệp chính của Zimbabwe đã cảnh báo rằng nhiều công ty đang hoạt động sẽ tiếp tục đóng cửa trong tháng này do thiếu tiền tệ.

Ngoài ra, các bác sĩ tại đây đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 6 tuần để yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc và tiền lương của họ phải được trả bằng tiền mặt. Trong khi đó, giáo viên và các nhân viên nhà nước khác cũng cảnh báo rằng họ sẽ bỏ việc trừ khi chính phủ trả lương cho họ bằng tiền mặt.

Hồng Vân

Theo Bloomberg

Dân Zimbabwe quay cuồng vì nền kinh tế sắp sụp đổ - Ảnh 2.