Thanh Hóa:

Chàng trai cụt tay làm nghề cắt tóc

(Dân trí) - Chuyện về chàng thanh niên bị cụt một tay nhưng lại làm nghề cắt tóc khiến nhiều người vô cùng khâm phục. Đây còn là nghề nuôi sống anh trong 10 năm qua. Anh là Bùi Đình Dũng (SN 1976), thôn 5, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa.

Về xã Hoàng Hải hỏi thăm quán cắt tóc của anh Dũng cụt tay thì ai ai cũng biết. Quán nhỏ nằm gọn bên đường không dễ gì để nhận ra được nhưng cái danh anh Dũng cụt tay mà lại cắt được cắt tóc thì nhiều người đều biết đến và chỉ cho chúng tôi đến tận nhà.

Bị cụt một tay nhưng anh Bùi Đình Dũng vẫn hành nghề cắt tóc.
Bị cụt một tay nhưng anh Bùi Đình Dũng vẫn hành nghề cắt tóc.

Cắt tóc, cạo râu xong cho khách, anh Dũng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Anh cho biết, làm nghề cắt tóc được 10 năm nay. Đó là vào năm 2002 khi đang đi làm gạch thuê cho một cơ sở ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) không may anh bị máy gạch cuốn đứt cánh tay phải. Trở về quê hương chỉ còn một cánh tay, anh không biết rồi sẽ làm được công việc gì để sinh nhai, gia đình lại chỉ có hai mẹ con mà Dũng lại là lao động chính trong gia đình.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Dũng đã chọn nghề cắt tóc. Anh cho hay: “Trước khi bị tai nạn, những ngày đi làm thuê tôi có hay cắt tóc giúp cho anh em cùng làm thuê với nhau, thấy mọi người khen mình có tay nghề cắt tóc. Chính vì điều này, tôi quyết định sẽ mưu sinh bằng nghề cắt tóc với một cánh tay còn lại của mình”.

Tìm được nghề để mưu sinh đã khó, giờ sao để có thể làm công việc cắt tóc lại càng khó hơn khi mà chỉ còn có một cánh tay. Dũng suy nghĩ lên ý tưởng làm cánh tay giả cho mình để lắp vào cánh tay cụt thì khi đó mới có thể làm nghề được. Ý tưởng là vậy, nhưng khi đưa đến các thợ cơ khí hàn gò trong vùng thì không ai có thể thực hiện được. Anh Dũng đã phải lặn lội đạp xe gần 20km lên thị trấn Tào Xuyên để thuê người làm cho mình hai cánh tay giả.

 Từng động tác thuần thục như những người thợ bình thường.
 Từng động tác thuần thục như những người thợ bình thường.

“Lúc đó tôi may mắn gặp được vợ chồng anh Cường ở thị trấn Tào Xuyên nhiệt tình giúp đỡ, sau một ngày cố gắng thiết kế mới làm xong 2 cánh tay giả bằng sắt. Tôi mang về nhà trong niềm vui và hi vọng để bắt đầu công việc của mình ”, anh Dũng nhớ lại.

Quán cắt tóc của “Dũng cụt tay” mở ra khiến nhiều người vô cùng ngỡ ngàng. Người lành hai tay cắt tóc đã khó, giờ bị cụt một tay mà mở nghề cắt tóc thì ai dám vào cắt tóc. Những ngày đầu mở quán, Dũng chỉ lấy 2 - 3 nghìn đồng/lần, thấp hơn những quán khác, nhưng vẫn không có khách là mấy. Mỗi tháng chỉ được từ 70-100 nghìn đồng, không đủ tiền chi phí cho hai mẹ con sống qua ngày.

Anh Dũng kể lại: “Ban đầu tôi chỉ cắt cho những người anh em bạn bè, sau đó những người làng xóm. Ai thân quen thì mới dám cắt chứ không dám cắt cho khách lạ vì sợ họ không tin vào tay mình. Kỉ niệm nhất khi mới mở quán là có người thanh niên vào quán hỏi thợ cắt tóc là ai? Tôi trả lời là tôi, thì họ lấy lý do bận việc rồi không thấy quay lại cắt nữa. Điều đó không làm cho tôi buồn mà khách họ có lý của họ không dám cho người tật như tôi cắt tóc”.

 Đôi cánh tay giả anh suy nghĩ và nhờ người tạo ra để thực hiện công việc cắt tóc được.
 Đôi cánh tay giả anh suy nghĩ và nhờ người tạo ra để thực hiện công việc cắt tóc được.

Nhưng rồi, mọi người dần hiểu ra và thông cảm cho anh, quán ngày một đông khách hơn. Từ người trong làng, ngoài xã, nghe tin có quán cắt tóc của “Dũng cụt tay”, ai cũng muốn đến để được một lần thấy anh Dũng cắt tóc, sau đó thấy thợ cắt tóc bị cụt một tay mà cắt chẳng thua kém gì một thợ bình thường. Từng động tác diễn ra hết sức khéo léo nên ai cũng khâm phục về nghị lực của chàng thanh niên này và muốn ngồi lên ghế để được Dũng cắt tóc cho.

Anh Lê Trọng Thủy, một người hàng xóm và là khách quen của quán gần 10 năm nay chia sẻ: “Người làng chúng tôi đi xa thì không nói làm gì, cứ ở nhà mà đi cắt tóc là đều ghé quán chú Dũng. Gần 10 năm nay tôi chỉ cắt tóc mỗi quán này. Tuy bị cụt một tay nhưng chú Dũng cắt tóc rất đẹp và phù hợp với mọi kiểu đầu. Anh em đến đây cắt tóc cũng hiểu và thông cảm, với tinh thần ủng hộ cho quán “Dũng cụt tay” là tinh thần trên hết”.

Anh Dũng cho biết, ngày thường chỉ có 3 - 5 khách tới quán cắt tóc, đông nhất là thời điểm giáp tết. Mỗi ngày có đến vài chục khách tới cắt tóc, có hôm anh phải làm tới khuya mới được nghỉ.

Nghề cắt tóc đã nuôi sống anh Dũng trong gần 10 năm qua. Anh cho biết thêm: “Cắt tóc không chỉ giúp tôi mưu sinh mà đây còn là niềm vui mỗi ngày, khách đến cắt tóc mình được nói chuyện, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Mình thế này là còn may mắn hơn nhiều người chính vì điều này mà làm tôi cố gắng rất nhiều trong cuộc sống”.

 Tranh thủ lúc không có khách anh Dũng lau dọn lại đồ nghề.
 Tranh thủ lúc không có khách anh Dũng lau dọn lại đồ nghề.

Niềm vui mới đã đến với Dũng vào cuối năm 2011. Mặc cảm, tự ti vào bản thân đã không còn khi anh Dũng đã tìm được bạn đời là chị Lê Thị Quyên. Hiện tại hai vợ chồng cùng sinh sống trong căn nhà nhỏ, niềm vui nhân đôi khi mới đây chị Quyên đã sinh cho anh Dũng một cháu trai thật kháu khỉnh và rất ngoan.

Hàng ngày, ngoài công việc cắt tóc, anh Dũng còn giúp vợ nấu cơm, giặt quần áo. Bị cụt tay nhưng anh Dũng rất đảm đang lo tốt công việc hậu cần giúp vợ nuôi lợn, nuôi gà và việc đồng áng đều một tay anh làm hết. Chia tay anh Dũng làm chúng tôi nhớ mãi về nghị lực mà anh có được để vươn lên trong cuộc sống. Một tấm gương “tàn nhưng không phế” để nhiều người noi theo.

Thái Bá - Duy Tuyên