Căng thẳng quan hệ Trung - Nhật: Đôi bên cùng thiệt

(Dân trí) - Ngày 29/9 sẽ đánh dấu tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nhật. Trong chặng đường ngót nửa thế kỷ ấy, quan hệ giữa hai nước không chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh địa chính trị, mà còn cả tình hình nội bộ mỗi nước trong từng thời kỳ....

 

 

Căng thẳng quan hệ Trung - Nhật: Đôi bên cùng thiệt
Làn sóng biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc trong thời quan qua đã khiến ngành sản xuất ô tô Nhật Bản thiệt hại 250 triệu USD.

 

... Nhưng dù mối quan hệ đó là nóng hay lạnh, thì kết quả là cả hai bên vẫn đều phải chịu thiệt.

 

Khi quan hệ nóng lên  

             

Từ năm 1971, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan lần đầu tiên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhưng khi đó, Tokyo không cho đây là thách thức lớn vì rằng Trung Quốc vẫn cần đến sự trợ giúp của Nhật Bản.

 

Đến năm 1992, Bắc Kinh đã rất hoan hỷ đón Nhật Hoàng đến thăm, một cử chỉ cho thấy Nhật Bản là cường quốc đầu tiên phá vỡ sự cô lập của Bắc Kinh, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Chuyến thăm diễn ra trong hoàn cảnh chính trị thế giới đang trải qua những biến động mạnh mẽ với việc Liên bang Xô-viết tan rã và Trung Quốc đã vươn lên thành cường quốc thứ 3 thế giới.

 

Nhưng đến thời điểm này, Mỹ và các đồng minh châu Á, trong đó có Nhật Bản, lại trở thành mối băn khoăn lớn nhất của Trung Quốc, đặc biệt sau khi Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và việc Mỹ công khai thực hiện chiến lược chuyển dịch sức mạnh quân sự từ Tây sang Đông.

 

Tất nhiên, để trả đũa Nhật, Trung Quốc không ngần ngại đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản và trên thực tế nước này cũng đã bắt đầu làm như vậy (theo thói quen của Trung Quốc mỗi khi có mâu thuẫn với các nước khác). Nhưng nếu suy xét kỹ, thì cuộc đọ sức với Nhật Bản trên phương diện thương mại là một tính toán đầy rủi ro, vì Tokyo hoàn toàn có thể đáp trả bằng cách xét lại các chính sách cũng như dự án đầu tư tại Trung Quốc, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại nước đông dân nhất địa cầu lên cao. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc lại đang có chỉ dấu chững lại, thậm chí có thể suy thoái.

 

Theo ước tính ban đầu, làn sóng bài Nhật của người Trung Quốc trong 10 ngày qua đã gây thiệt hại tài chính đáng kể cho nền kinh tế thứ ba thế giới. Nếu mâu thuẫn về chủ quyền chính thức tràn sang lĩnh vực thương mại, cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng phải chịu thiệt hại, đặc biệt khi các doanh nghiệp Nhật Bản đang hướng tới việc di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc để đối phó với tình trạng bị người Trung Quốc đập phá cơ sở kinh doanh và tảy chay hàng hóa Nhật Bản.

 

Đôi bên cùng chịu thiệt

 

Vào lúc các báo đài Trung Quốc khẳng định rằng nước này thừa sức trừng phạt Nhật Bản bằng cách “tấn công vào các hoạt động kinh tế” của "xứ sở hoa anh đào", thì báo Wall Street Journal của Mỹ lại cho rằng nếu hai cường quốc kinh tế thứ 2 và thứ 3 thế giới lao vào một cuộc chiến thương mại, thiệt hại sẽ rất đáng kể đối với cả đôi bên.

 

Theo thống kê, giá trị giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản đạt khoảng 360 tỷ USD. Trong số này, Trung Quốc xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Giá trị FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc đạt hơn 12 tỷ USD trong năm 2011.
 
Về lĩnh vực du lịch, mỗi  năm có 3 triệu du khách Nhật Bản ghé thăm Trung Quốc. 40% trong số này đến từ Trung Quốc.
 
Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại nước ngoài, có 25% làm việc tại Trung Quốc, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân địa phương.
Theo báo Mỹ, đơn giản là vì Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào đầu tư và công nghệ của Nhật Bản, nơi đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn thứ ba của Trung Quốc, sau EU và Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc sẽ khó có đủ can đảm để quay lưng lại với thị trường Nhật Bản. "Nếu Nhật Bản ngừng mua hàng 'made in China' thì hàng triệu người lao động Trung Quốc sẽ mất việc", tờ báo viết.

 

Cũng tương tự như vậy, trong trường hợp người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật, đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến công ăn việc làm, kim ngạch xuất khẩu và qua đó là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản. Đó là chưa kể một thực tế là một phần lớn hàng Nhật, từ xe hơi đến hàng điện tử, được bán ra ở Trung Quốc là hàng hóa được sản xuất tại chỗ và do bàn tay người lao động Trung Quốc tạo ra.

 

Một điều khác nữa là đến nay, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có được phần lớn là nhờ đầu tư quốc tế FDI. Trung Quốc vừa cần vốn của nước ngoài để phát triển kinh tế và tạo công việc làm cho người dân, vừa cần tiếp thu công nghệ.

 

Năm 2011, tổng giá trị FDI vào Trung Quốc tăng gần 10%, đạt mức kỷ lục 116 tỷ USD, chủ yếu đến từ khu vực châu Á (tăng 14%) do vốn của các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu sụt giảm. Trong số này, tổng FDI của Nhật vào Trung Quốc năm 2011 lên tới 6,3 tỷ USD, nâng tổng số đầu tư từ Nhật Bản vào Trung Quốc tính từ năm 1996 tới nay đạt hơn 80 tỷ USD.

 

Tất cả những yếu tố trên cho thấy, động thái đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản chỉ là một “đòn hù dọa” của Trung Quốc, nhất là khi hai siêu cường kinh tế châu Á này lại lệ thuộc rất nhiều vào nhau. Theo giới chuyên gia, kinh tế của hai nước cần tới nhau trong rất nhiều phương diện, từ đầu tư, thương mại, ngoại thương đến du lịch. Do đó, nếu mâu thuẫn chủ quyền lan sang kinh tế thì chắc chắn sẽ chẳng có bên nào được lợi, nhất là khi thị trường châu Âu và Mỹ đang co cụm và kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

 

Một thực tế hiển nhiên là quá trình toàn cầu hóa đang dẫn tới nền kinh tế "nhất thể hóa". Đa số các nước đều cần tới nhau vì có quá nhiều mối quan hệ chồng chéo, ràng buộc. Đối với hai nền kinh tế có quy mô thứ hai và thứ ba thế giới, quan hệ chồng chéo này càng khiến lãnh đạo hai nước phải cân nhắc.

 

           

Việt Giang