“Các hoạt động Đại lễ chưa thoả mãn nhu cầu của người dân”
(Dân trí) - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, Đại lễ được tổ chức vì nhân dân, song các hoạt động trong Đại lễ tuy nhiều nhưng vẫn chưa thoả mãn nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kết quả đạt được còn có những khó khăn, hạn chế. Cụ thể, trong thời gian diễn ra Đại lễ, các tỉnh miền Trung bị lụt bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, tác động đến tinh thần, tư tưởng của nhân dân và không khí lễ hội. Thành phố Hà Nội đã điều chỉnh một số nội dung chương trình lễ hội và tổ chức đoàn thăm hỏi, ủng hộ đồng bào miền Trung với số tiền trên 12 tỷ đồng.
Trong quá trình chuẩn bị pháo hoa phục vụ Đêm hội văn hoá nghệ thuật do sơ xuất đã để xảy ra sự cố kỹ thuật về an toàn lao động, gây thiệt hại về người và tài sản. Tiếp đó là sự cố ùn tắc giao thông trong Đêm hội văn hoá nghệ thuật tối 10/10. Do lượng người và mật độ phương tiện giao thông về dự Đêm hội quá đông nên việc tổ chức đưa đón các đại biểu khách mời bị ảnh hưởng.
Tại buổi tổng kết, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: “Chúng ta tổ chức Đại lễ vì nhân dân. Nếu những chương trình chúng ta làm, nhân dân không đến xem thì chúng ta làm cho ai?”.
Về sự cố nổ 2 container pháo hoa ở Mỹ Đình, ông Nghị nói rằng đây là một sự cố đáng tiếc, không ai mong muốn. Sự cố này đã tác động tới tâm lý của người dân nhưng đã được nhanh chóng khắc phục.
Liên quan tới việc bắn pháo hoa đêm Đại lễ, Bí thư Phạm Quang Nghị cho biết, thành phố đã phải trăn trở, họp tới 3 lần mới có quyết định cuối cùng là chỉ bắn tại một điểm duy nhất tại Sân vận động Mỹ Đình.
“Việc không bắn pháo hoa tại nhiều điểm như kịch bản ban đầu đã tạo được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của dư luận” - ông Nghị cho hay.
Sau khi Đại lễ kết thúc, dư luận đặt nhiều câu hỏi về vấn đề kinh phí phục vụ Đại lễ. Đến buổi lễ tổng kết này, không có một con số nào chính thức được đưa ra.
Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, thành phố đã thực hiện tiết kiệm, bỏ quả một số việc đã dự kiến làm như xây cổng chào, bắn pháo hoa, tham gia Câu lạc bộ các thành phố 1.000 năm tuổi…
Một ví dụ cụ thể được ông Nghị đưa ra là việc tặng quà cho các đại biểu trong nước và quốc tế. Quà tặng chỉ trị giá vài trăm nghìn đồng, bao gồm 1 đĩa đồng với phù điêu Khuê Văn Các, 1 băng nhạc về Hà Nội và 1 cái huy hiệu nghìn năm. “Như vậy, liệu thành phố có hoang không?” - ông Nghị đặt câu hỏi.
Tiến Nguyên