Bùn phun trào ở Ninh Thuận không đáng lo ngại

(Dân trí) - “Đất bùn phun trào ở Ninh Thuận là hiện tượng bất ổn định về địa tầng nông dưới lòng đất do nằm trên đới đứt gãy. Tuy nhiên, đây là hiện tượng không đáng lo ngại và không liên quan gì tới động đất”.

TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu - trao đổi với Dân trí xung quanh hiện tượng bùn đất phun trào khác thường ở Ninh Thuận mới đây.

Hiện tượng bùn phun trào tại cánh đồng thôn Suối Đá, xã Lợi Hải (Thuận Bắc, Ninh Thuận) khiến nhiều người dân hoang mang và cho rằng đây là dấu hiệu bất thường, cảnh báo có thể xảy ra động đất. TS có thể lý giải rõ về vấn đề này?

Đây là hiện tượng khá bất thường tại Việt Nam nhưng chắc chắn không liên quan gì tới động đất. Cán bộ khoa học của chúng tôi đã có mặt tại hiện trường. Phân tích cho thấy đây là hiện tượng bất ổn định ở địa tầng nông dưới lòng đất. Hiện tượng này xảy ra trên đới đứt gẫy nhỏ của địa tầng. Trong khi tại đới đứt gãy này có hai loại thành phần địa chất khác, một loại có kết cấu thành phần là chất rắn, loại kia là đất nhão. Khi có va chạm, thành phần địa chất yếu hơn đã bị đẩy lên bề mặt theo các vết nứt trên mặt đất nên đã dẫn đến hiện tượng phun trào bùn. Những dấu hiệu này có thể liên quan tới hoạt động núi lửa nhẹ nhưng chưa đủ để kết luận chính xác hoặc liên hệ với các hiện tượng phun trào khác trên thế giới.

Bùn phun trào ở Ninh Thuận không đáng lo ngại - 1
Ông Phương giới thiệu hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần của Việt Nam đã được kết nối với hệ thống quốc tế. (Ảnh: TT)
 
Như vậy, người dân tại Ninh Thuận không cần lo sợ về hiện tượng bùn phun trào và vẫn có thể sinh sống bình thường ở gần khu vực cánh đồng thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, thưa ông?

Bản đồ các vùng phát sinh động đất mạnh và phân vùng chấn động cực đại của Viện Vật lý địa cầu xếp toàn bộ tỉnh Ninh Thuận trong vùng chấn động cực đại (nếu có) chỉ cấp 6 theo thang MSK (tức là đa số người cảm thấy động đất, nhà cửa bị rung nhẹ, lớp vữa bị rạn). Ở đây cũng không có chấn tâm động đất nào từng ghi nhận. Như vậy, Ninh Thuận là khu vực có nền địa chất khá ổn định. Hiện tượng bùn phun lên nhưng chỉ ở nhiệt độ bình thường chứng tỏ đây chỉ là hoạt động bề mặt, không phải ở địa tầng sâu.

Vì thế, người dân không nên hoang mang, lo ngại về động đất. Tuy nhiên, tại khu vực đã xảy ra hiện tượng bùn phun trào cần khoanh vùng lại, tránh các hoạt động dân sinh, đề phòng những diễn biến xấu có thể xảy ra. Cùng đó, các các nhà khoa học sẽ tiến hành phân tích và nghiên cứu sâu hơn nữa về hiện tượng này để đưa ra kết luận chuẩn xác nhất.

Thông tin về núi lửa phun trào tại Indonesia cùng hàng loạt biến cố động đất, sóng thần vừa xảy ra tại Nhật Bản cũng đang khiến nhiều người lo ngại. Trong khi đó, các tài liệu khoa học cũng đưa ra  cảnh báo Việt Nam có thể xảy ra động đất mạnh?

Indonesia, Philippin và Nhật Bản là những quốc gia nằm trên đới siêu đứt gãy dọc trên ranh giới các mảng kiến tạo của trái đất, đây là khu vực thường xuyên xảy ra chấn động do các bình địa va chạm. Vì thế những quốc gia này thường xuyên xảy ra các hoạt động động đất và núi lửa. May mắn là Việt Nam nằm trong địa khối ổn định nên rất ít khi xảy ra động đất và được đánh giá là khu vực tượng đối an toàn.

Tuy nhiên, động đất mạnh cũng có thể xảy ra ở vùng núi phía Bắc nước ta, bởi nơi đây là khu vực tập trung dày đặc các chấn tâm tạo ra các vết đứt gãy sâu. Xét trên bản đồ địa chất thì Hà Nội đang nằm trên vùng động đất cấp 8 (trên 6 độ richter). Nhưng chu kỳ xảy ra một trận động đất ở nước ta thường khá dài, có khi hàng trăm năm.

Theo các tài liệu khoa học, gần đây nhất Việt Nam đã ghi nhận có 2 trận động đất mạnh, đó là trận xảy ra tại Tây Nam Điện Biên Phủ mạnh 6,8 độ richter năm 1935 và trận động đất 6,7 độ richter ở Tuần Giáo năm 1983.

Xin cảm ơn TS!

P. Thanh (thực hiện)