Bộ Công Thương đứng đầu bảng về "chi phí gầm bàn"

(Dân trí) - Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018. Theo đó, Bộ Công Thương đang là nơi doanh nghiệp phản ánh có nhiều chi phí không chính thức nhất.

Báo cáo năm 2018 khảo sát dựa trên hơn 2.832 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cung cấp thông tin. Năm nay, theo công bố có 56% doanh nghiệp nói họ không chi trả chi phí ngoài quy định, có 18% thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định.

Bộ Công Thương đứng đầu bảng về chi phí gầm bàn - Ảnh 1.

Kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương đang nhiều nhất và chi phí ngoài quy định đang nhiều nhất trong các Bộ.

Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và dịch vụ có tỷ lệ phải chi trả tiền phi chính thức lớn nhất với 28%, còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lại có tỷ lệ chi trả thấp từ 17-21%.

Theo Báo cáo, trong tổng số hơn 2.800 doanh nghiệp được khảo sát, với câu hỏi chi trả chi phí phi chính thức khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục chuyên ngành, có đến 497 DN trả lời "có", chiếm tỷ lệ 18%. Như vậy, tỷ lệ này đã giảm 10% so với năm 2015 (28%).

Tỷ lệ doanh nghiệp bị vòi vĩnh tiền ngoài quy định nằm chủ yếu ở thủ tục thông quan hải quan, trong đó lớn nhất là kiểm tra thực tế hàng hóa (87,5%) và kiểm tra hồ sơ (83%).

Theo khảo sát năm 2018, các doanh nghiệp cho biết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành có chi phí ngoài quy định cao.

Bộ Công Thương với tỷ lệ 50,9% số doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ 34% doanh nghiệp cho biết phải chi phí ngoài quy định trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Bộ có ít nhất là Văn hóa, Thể thao và Du lịch với 16%, Bộ Thông tin và Truyền thông với 17,45% doanh nghiệp phải chi phí ngoài quy định khi chịu kiểm tra chuyên ngành.

"Có 15% doanh nghiệp khẳng định sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí chính thức ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ này dù giảm so với năm 2015 là 31%, song số doanh nghiệp gặp phải chủ yếu là làm thủ tục xuất nhập khẩu", Báo cáo của VCCI và Tổng cục Hải quan nêu.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện ngành hải quan chỉ chịu trách nhiệm 28% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, còn lại 72% số thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc về các bộ, ngành chuyên môn, trong đó lớn nhất là Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT.

"Đánh giá mức độ thuận lợi trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia, các bộ, ngành có xu hướng đưa cái dễ lên còn những cái khó, cái nhiều quyền thì giữ lại ở Bộ, ở thủ tục giấy tờ".

Ông Tuấn bình luận: Mức độ thuận lợi ở Cổng Thông tin một cửa quốc gia nhìn chung doanh nghiệp đánh giá tốt, thuận lợi. Tuy nhiên, họ đánh giá rất khó khăn là chất lượng hệ thống hay bị lỗi. Có đến 40% doanh nghiệp đánh giá hệ thống hay lỗi ở Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

"Mặc dù điện tử, vẫn có đến 25% phải hoàn thiện các hồ sơ giấy tờ làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng. Nhiều người nói, dù ứng dụng công nghệ thông tin vào các thủ tục, giải quyết hồ sơ, nhưng tôi phải mất gấp đôi thời gian vừa khai điện tử vừa phải làm hồ sơ giấy tờ", Trưởng Ban Pháp chế VCCI nói.

Nguyễn Tuyền

Bộ Công Thương đứng đầu bảng về chi phí gầm bàn - Ảnh 2.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm