ADB dự báo về Việt Nam 2011: lạm phát tăng, tăng trưởng giảm

(Dân trí) - Theo ADB, lạm phát được dự đoán duy trì ở mức cao chủ yếu do giá lương thực tăng mạnh, trước khi giảm xuống 11% trong năm tới; trong khi triển vọng tăng trưởng bị hạ xuống còn 5,8%.

Tại Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2011 công bố sáng nay (14/9), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chính thức hạ dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2011 xuống 5,8% và sẽ tăng nhanh trở lại ở mức 6,5% trong năm 2012.
 
ADB dự báo về Việt Nam 2011: lạm phát tăng, tăng trưởng giảm - 1
Giá thực phẩm tăng cao được cho là "thủ phạm" gây ra lạm phát cao

 

Trong khi đó, lạm phát được dự đoán sẽ giảm dần xuống 18,7% và vẫn duy trì ở mức cao chủ yếu do giá lương thực tăng mạnh, trước khi giảm xuống còn 11% trong năm tới.

 

Trước đó, vào hồi tháng 4, ADB dự đoán tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức 6,1% và có thể lên 6,7% vào năm 2012. Lạm phát vẫn sẽ cao trong cả năm nay, trung bình là 13,3% và có thể lên tới 16% nếu tính theo năm vào quý III.

 

Trao đổi thắc mắc của báo chí về sự thay đổi trong con số dự báo, chuyên gia kinh tế Việt Nam của ADB, ông Dominic Mellor cho biết, dự báo trước đó không đánh giá đầy đủ những tác động của tỷ giá, lạm phát lương thực lên chỉ số lạm phát chung.

 

Lý giải về nguyên nhân khiến chỉ số CPI tăng cao như vậy, phía ADB cho hay, nguyên nhân xuất phát từ giá lương thực tăng vọt và ảnh hưởng từ tác động của tăng trưởng tín dụng nhanh trong năm 2010, cũng như các lần điều chỉnh tỷ giá. Ngoài ra, các thay đổi trong giá điện, giá nhiên liệu đã làm tăng chi phí lên tiêu dùng.

 

Chưa nên nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ

 

Theo đánh giá của các chuyên gia ADB, hiện vẫn còn quá sớm để Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức trên 20%. Ngân hàng này khuyến cáo, việc nới lỏng chính sách quá sớm có thể làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào đồng Việt Nam và gây ra sức ép sụt giảm dự trữ ngoại tệ.

 

Nghị quyết 11 theo nhận định từ ADB là một gói chính sách toàn diện. Động thái này của Chính phủ từ đầu năm đã tạo ra được những kết quả bước đầu trong việc góp phần ổn định tỷ giá ngoại hối, nâng cao dự trữ ngoại tệ và giảm tốc độ tăng CPI theo tháng trong tháng 6-tháng 8/2011.

 

Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô song ADB cũng thẳng thắn cho rằng, do thị trường phải tiếp nhận những tín hiệu khác nhau về các chính sách tiền tệ và tài chính nên điều này đã khiến hiệu quả của gói chính sách bị sụt giảm.

 

Theo đó, “Giới đầu tư và người dân sẽ có niềm tin hơn vào quản lý kinh tế nếu các chính sách và việc xây dựng chính sách rõ ràng, thống nhất và minh bạch hơn”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura nói.

 

Ông Kimura cho rằng, nếu tiếp tục duy trì và thực hiện nhất quán Nghị quyết 11, lạm phát sẽ giảm và góp phần hạ nhiệt lãi suất. Từ đó kích thích niềm tin của các nhà đầu tư và thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

 

Người đứng đầu ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, “Giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu. Bao gồm việc giảm dần ách tắc trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công và áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của nhà nước”.

 

Cũng tại bản Báo cáo cập nhật lần này, ABD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á xuống 7,5% trong năm 2011 và 2012. Trong dự báo công bố vào tháng 4/2011, ADB cho rằng kinh tế châu Á có thể tăng trưởng 7,8% và 7,7% trong hai năm này.

 

Hồng Bích