Tuyển nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 30: Vinh quang chứa đầy... nước mắt
(Dân trí) - Đằng sau tấm huy chương vàng SEA Games là gì? Những khoản thưởng lớn chỉ có tác dụng nhất thời. Về lâu dài, họ cần những sự chia sẻ giúp đỡ để tiếp tục phát triển sự nghiệp. Bằng không, họ sẽ lại trải chuỗi ngày dài với đầy nước mắt, để nung nấu ý chí về đỉnh cao mới.
1. Thật đau lòng khi ở thời khắc đội tuyển nữ Việt Nam ở trên đỉnh cao chiến thắng, với những chiếc huy hoàng lấp lánh, chúng ta lại phải nhớ về những câu chuyện xưa cũ, mang màu sắc buồn thảm hơn rất nhiều.
Cách đây vài tháng, giới truyền thông Việt Nam rộ lên câu chuyện những cầu thủ nữ Thái Nguyên phải... làm công nhân để nuôi dưỡng tình yêu chơi bóng. Theo chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm TDTT Thái Nguyên, nguồn thu nhập mà các cầu thủ nữ Thái Nguyên nhận được chỉ tới từ kinh phí ít ỏi của tỉnh. Mỗi ngày, họ chỉ nhận được 160.000 đồng (trung bình lương chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng). Chi phí ấy chưa đủ sinh hoạt, chứ đừng nói tới chuyện họ mua quần áo, làm đẹp hay lo cho gia đình.
Và bởi lẽ đó, sau những giờ tập luyện căng thẳng, họ buộc phải lao vào cuộc sống mưu sinh để kiếm sống và tiếp tục... duy trì đam mê. “Không thể tránh được nhiều trường hợp phải xin đi làm thêm ở ngoài” - HLV trưởng đội nữ Thái Nguyên chia sẻ.
Tất nhiên, không chỉ Thái Nguyên, mà nhiều đội bóng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bóng đá nữ vốn không nhận được sự quan tâm nhiều (và thậm chí bị “ghẻ lạnh”) trong nhiều năm qua. Thực trạng ấy đã tồn tại và nó đang thực sự trở thành mối đe dọa cho sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam.
Tới mức, tờ báo thể thao lớn ở châu Á là Live Sport Asia đã phải thốt lên: “Thu nhập của các cầu thủ nữ Việt Nam chỉ khoảng 90 USD. Do đó, việc giành tấm huy chương vàng SEA Games là cơ hội duy nhất để họ có thể nhận được nhiều tiền hơn. Khi vô địch, mỗi người có thể nhận được 3000-4000 USD”.
2. Một nét buồn ấy càng tô điểm cho những chiến công của đội nữ Việt Nam tại Philippines. Nó càng khiến chiến công của họ trở nên lung linh hơn. Những chiến binh sao vàng đã chiến đấu bằng trái tim sắt đá, những đôi chân kiên cường và cả bằng những giọt nước mắt được giấu đi.
Không ít người đã rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh trung vệ Chương Thị Kiều băng dán khắp chân với những vết thương “chằng chịt” ở chân. Sau trận đấu, trung vệ của đội tuyển nữ Việt Nam chia sẻ rằng cô không thể ngủ được vì... quá đau. Trong khi đó, người đồng đội của Chương Thị Kiều là Hồng Nhung đã phải nhập viện vì... kiệt sức.
Người ta cũng thấy được những khuôn mặt “thở không ra hơi” của Huỳnh Như, Dương Thị Vân, Tuyết Dung và nhiều đồng đội khác. Nhưng ánh mắt họ luôn ánh lên niềm tin chiến thắng. Và quả thực, nó có sức mạnh thần kỳ.
Những khoản thưởng lớn sau giải đấu ít nhiều có thể “xoa dịu” được nỗi đau của họ phải chịu đựng trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, về lâu dài, những khoản thưởng ấy rồi cũng hết. Trong khi đó, những đỉnh cao mới vẫn đang chờ đợi bước chân chinh phục của các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam.
Có cảm tưởng như, “núi tiền thưởng” kia chỉ là hiệu ứng nhất thời. Đặt giả sử, bóng đá nữ Việt Nam không thể thành công ở SEA Games như kỳ vọng, những cô gái của chúng ta sẽ nhận được những gì? Những lời chỉ trích? Những sự ghẻ lạnh? Và rồi, cuộc sống của các cô sẽ lại là những ngày tháng chật vật mưu sinh.
Chẳng có thành công nào không phải trả giá và cũng chẳng có thành công nào tự nhiên đến. Người viết đang tự hỏi rằng phải chăng có ai đó nghĩ tới chặng hành trình dài của những cô gái vàng cho tới khi tới đỉnh vinh quang. Bao nhiêu chông gai, họ đã nếm trải qua đủ.
Những cô gái ở tuyển nữ Thái Lan may mắn hơn nữ Việt Nam khi có nữ tỷ phú Nualphan Lamsam đứng ra tài trợ toàn bộ chi phí tập luyện, thi đấu và đồng thời lo việc làm cho họ. Và đó cũng là điểm tựa lớn, để bóng đá nữ Thái Lan hai lần giành tấm vé tham dự World Cup - đỉnh cao mà những cầu thủ nữ Việt Nam chưa thể vươn tới.
Phải chăng, các cầu thủ nữ Việt Nam cần sự hỗ trợ như vậy? Họ cần điểm tựa để có thể tập trung toàn lực vào bóng đá, thay vì làm thêm sau giờ để mưu sinh. Và khi những lời tung hô qua đi, đó sẽ là nốt trầm đáng sợ với những tuyển thủ nữ.
3. Nguy hiểm hơn, về lâu dài, với khoản thu nhập hàng tháng ít ỏi như vậy, những cô gái sau này lớn lên liệu có nuôi dưỡng ước mơ làm cầu thủ bóng đá? Đó sẽ là dấu hỏi rất lớn cần được trả lời.
Và rồi bóng đá nữ Việt Nam sẽ đi về đâu khi mà nhân sự tốt không đủ? Hơn lúc nào hết, những cô gái vàng đang ước ao có mạnh thường quân giống như bà Nualphan Lamsam ở Thái Lan.
Thay vì sự ca ngợi, thương xót nhất thời, những cô gái tuyển nữ Việt Nam đang cần nhiều thế. Tấm huy chương vàng SEA Games không chỉ đơn giản là vinh quang, đó còn là “tiếng chuông” kêu gọi sự giúp đỡ của bóng đá nữ Việt Nam.
H.Long