"Bước đột phá mới của nghệ thuật kịch xiếc Việt Nam"

Hạnh phúc không phải là cái đạt được, sở hữu được. Hạnh phúc khi đã đạt được rồi không phải là tồn tại mãi, mỗi người trong chúng ta luôn phải phấn đấu từng ngày, từng giờ để có được hạnh phúc. Đó là tư tưởng xuyên suốt của vở kịch xiếc “Chuyện tình nàng Ngọc Nữ” diễn ra rất thành công vào ngày 25/4 vừa qua.

Đạo diễn là anh Đào Ngọc Hà - một thanh niên trẻ đam mê loại hình kịch xiếc, người khơi dậy làn sóng nghệ thuật mới ở Việt Nam.

Đào Ngọc Hà ( ở giữa áo trắng) cùng với một số diễn viên trong vở
Đào Ngọc Hà ( ở giữa áo trắng) cùng với một số diễn viên trong vở

Loại hình đặc biệt

Khác với các loại hình nghệ thuật khác, xiếc là nghệ thuật biểu diễn những động tác kỹ xảo “kỳ lạ”, những hành động “phi thường”, nhiều khi mang tính “nghịch thường”. Xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, biểu diễn những năng lực tiềm ẩn bên trong con người.

Tuy nhiên, trong tình hình sân khấu ở nước ta hiện nay, nghệ thuật xiếc vẫn chỉ dừng lại ở việc biểu diễn những tiết mục đơn lẻ, thiếu những câu truyện để dẫn dắt người xem, chính điều này đôi khi làm khán giả cảm thấy nhàm chán không hứng thú như khi đi xem phim, xem ca nhạc…

Hiển nhiên, kịch xiếc cũng khác với kịch nói. Nếu như kịch nói dùng ngôn ngữ đối thoại, kỹ thuật biểu diễn của diễn viên nhằm truyền tải nội dung câu chuyện kịch cho khán giả thì kịch xiếc chỉ dùng kỹ thuật biểu diễn xiếc để làm tất cả các vấn đề đó.

Để khán giả hiểu được câu chuyện kịch qua ngôn ngữ xiếc là một điều hết sức khó khăn vì ngôn ngữ xiếc từ trước đến nay hầu như là những tiết mục đơn lẻ, những trò khéo léo, những trò mạo hiểm. Với bản chất của ngôn ngữ xiếc là nhằm đề cao sự khéo léo, phi thường đôi khi đến nghịch thường của con người, do đó đòi hỏi người diễn viên xiếc là “những nghệ sĩ thực thụ”. Họ phải tập luyện vô cùng gian khổ trong một khoảng thời gian rất dài. Vì vậy, dùng ngôn ngữ xiếc để truyền tải một câu chuyện văn học cho khán giả hiểu được là điều rất khó, rất kỹ xảo.

Diễn viên Chí Anh - vai phản diện Hắc Tịnh
Diễn viên Chí Anh - vai phản diện Hắc Tịnh

Ngôn ngữ đặc biệt

Không phải kịch bản nào ngôn ngữ xiếc cũng có thể truyền tải được, nó bị bó hẹp ở khả năng hạn chế về tiết mục của mỗi người diễn viên. Mỗi một diễn viên xiếc khi ra nghề, họ chỉ có thể chọn cho mình được một đến hai tiết mục để biểu diễn trước công chúng. Nếu là diễn viên kịch, anh ta có thể đóng vai ông già, trẻ con, có thể nói tiếng Bắc, Trung, Nam; có thể hóa thân thành vua chúa hoặc lính tráng... Nhưng đối với diễn viên xiếc thì họ không thể vừa diễn những tiết mục mạo hiểm cần nhiều thể lực ở trên cao, sau đó diễn những tiết mục cần sự khéo léo nhanh nhẹn, mềm dẻo ở dưới đất được. Đó là phần hạn chế tồn tại ở ngôn ngữ xiếc.

Để ngôn ngữ xiếc truyền thống trở thành "Kịch Xiếc" thì người đạo diễn phải biết cách chọn lựa các kỹ thuật xiếc của từng tiết mục đơn lẻ, sau đó ráp nối vào sao cho phù hợp với kịch bản đã định sẵn. Tuy nhiên về vấn đề kịch bản, người đạo diễn cũng phải biên tập lại sao cho câu chuyện mà anh ta định kể cho khán giả phải phù hợp với những kỹ thuật xiếc kia.

Trong kịch nói, thường thì kịch bản văn học là cái có trước, sau đó người đạo diễn mới chọn diễn viên, phân vai cho diễn viên và dàn dựng. Tuy nhiên với kịch xiếc kịch bản văn học và ngôn ngữ hình thể của xiếc phải luôn luôn đi song song với nhau. Sao cho vở kịch vẫn có nội dung, ý nghĩa, vẫn chứa đựng những sự kiện có mâu thuẫn, xung đột mà ngôn ngữ xiếc vẫn diễn tả được.


Một cảnh trong vở kịch xiếc

Một cảnh trong vở kịch xiếc

Đạo diễn trẻ đam mê kịch xiếc

Với câu chuyện của một đạo diễn trẻ đam mê kịch xiếc, người khơi dậy làn sóng nghệ thuật mới ở Việt Nam chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về môn kịch đặc biệt này. Vở kịch xiếc của anh Đào Ngọc Hà vừa dàn dựng và công diễn là vở đầu tay và cũng là bài thi tốt nghiệp của anh. Anh làm việc trong Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội từ năm 2010 đến nay, là thế hệ đạo diễn đầu tiên của Nhà hát, anh học cùng thời với nghệ sỹ Xuân Bắc, Minh Hiếu, Lâm Tùng...(trước đây Nhà hát là Đoàn Xiếc Hà Nội, mới được nâng cấp lên Nhà hát từ năm 2015).

Anh Hà chia sẻ: " Tôi từng theo học diễn viên, đạo diễn và trải qua một gia đoạn rất dài để định hình hướng đi của mình. Và tôi bắt gặp kịch xiếc như một duyên cơ tự nhiên, từ đó trở đi tôi yêu và đam mê nó từ khi nào không hay”.

Anh cho biết thêm, khi nâng lên Nhà hát rồi thì các chương trình kịch mục của đơn vị mình sẽ đi theo hướng là xây dựng những vở kịch có nội dung, có cốt truyện mang ý nghĩa giáo dục mà vẫn đảm bảo về chất lượng của ngôn ngữ đăc thù là nghệ thuật xiếc. Đây là một hướng đi mới nhằm tự khẳng định mình và là điểm khác biệt với Liên Đoàn xiếc Việt Nam. Tuy bên Liên Đoàn Xiếc VN cũng đã có xây dựng những chương trình xiếc mang nội dung cốt truyện nhưng những chương trình đó mới chỉ dừng lại ở việc là diễn giải một câu chuyện, hoặc một cảnh sinh hoạt của đời sống chứ không mang đầy đủ các đặc điểm của kịch (những đặc điểm đó là có các sự kiện trong kịch, có mâu thuẫn xung đột giữa các nhân vật, có hành động xuyên của cả vở...

Một cảnh trong vở kịch xiếc
Một cảnh trong vở kịch xiếc

Bước đột phá của nghệ thuật kịch xiếc Việt Nam

Vở kịch xiếc “Chuyện tình nàng ngọc nữ” đã gặt hái được rất nhiều thành công, đó là một loại hình khá mới mẻ ở nước ta và anh Đào Ngọc Hà tự hào là đạo diễn trẻ nổ phát súng đầu đầu tiên của loại hình nghệ thuật này.

Diễn ra vào ngày 25/04 vừa qua, với sự tham gia của các nhân vật phản diện có nghệ sĩ Chí Anh vai Hắc Tịnh, nghệ sĩ Hồng Thắm vai yêu tinh nhện chúa, hai người ngoài kỹ thuật xiếc đẳng cấp thì kỹ thuật diễn và biểu hiện tâm lý rất tốt.

Vở kịch được Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội tài trợ nên nó được dùng làm chương trình báo cáo với Hội đồng thành phố của Nhà hát. Cả 2 hội đồng đều đánh giá cao về vở kịch này.

Hội đồng chấm thi là các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam, như NSND Hoàng Dũng - GĐ Nhà hát kịch Hà Nội, Đạo diễn Lê Mạnh Hùng, đạo diễn Phan Trọng Thành. Về phía hội đồng nghệ thuật thành phố có sự góp mặt của NSND Thanh Trầm, HNNSND Trần Quốc Chiêm, NSND Tâm Chính và Họa sĩ Nguyễn Văn Trực.

Kịch bản xiếc: “Chuyện tình nàng Ngọc Nữ” là một kịch bản rất khó và nặng đối với một sinh viên chọn làm vở diễn tốt nghiệp bình thường. Nhưng anh Đào Ngọc Hà đã mạnh dạn thử thách bản thân và tận dụng lợi thế được trải nghiệm làm việc trong Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội một môi trường tuyệt vời. Bên cạnh đó, sự ủng hộ tận tụy từ người thầy của mình là Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Đạo diễn Phan Trọng Thành đã hướng dẫn anh có được vở diễn thành công. Anh Hà luôn mong muốn đóng góp một phần nào đó đam mê sức trẻ của mình để tạo nên nét riêng biệt của một đơn vị biểu diễn nghệ thuật xiếc của Thủ đô Hà Nội.

Sự thành công của vở kịch còn là tiền đề rất lớn để anh cùng các đồng nghiệp của mình phát triển môn nghệ thuật thú vị này, anh Hà cũng là nhân vật rất đáng được ngưỡng mộ đại diện cho một phần đông các bạn trẻ hiện nay dám nghĩ dám làm để vươn tới thành công.

PV