Xứ Thanh không chỉ là mảnh đất “nơi ta ở…”
(Dân trí) - Ba năm qua, có biết bao kỷ niệm vui buồn, tôi cũng đã quen với những vùng quê, với biết bao con người xứ Thanh, biết bao hoàn cảnh… để hiểu rằng mảnh đất này không chỉ là “nơi ta ở”, mà đã trở thành một phần cuộc sống của người cầm bút.
Trách nhiệm người cầm bút với người cầm phấn
Tháng 4 năm 2009, tôi nhận nhiệm vụ về làm PV thường trú tại Thanh Hóa. Ba năm, chưa đủ để trải nghiệm hết về nghề làm báo và cũng chưa thể hiểu hết về phong tục, tập quán văn hóa xứ Thanh. Nhưng may mắn, với nghề báo, tôi được trải nghiệm thực tế sinh động của cuộc sống.
Tôi đã đến nhiều vùng quê, ở đó cái nghèo, cái đói và sự thất học vẫn còn hiện hữu. Ở đó, tôi thấy bóng dáng lam lũ của những người dân xứ Nghệ quê tôi. Tháng 9 năm 2011, tôi nhận được thông tin từ anh bạn về việc giáo viên (GV) mầm non ở Như Thanh đình công. Lâu nay, tôi thường nghe là công nhân đình công chứ chưa nghe GV đình công bao giờ.
Tôi tìm về xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh - nơi mà các GV đang nghỉ việc tập thể đúng vào ngày khai giảng cũng chỉ vì cuộc sống quá khó khăn. Theo chân cô Trần Thị Thư, Phó hiệu trưởng nhà trường, tôi đi tìm hiểu hoàn cảnh của các GV trong trường. Chúng tôi trở lại trường khi trời đã về chiều, gặp tôi cô Chung - HT nhà trường nói “Nhà báo là người đầu tiên đi tìm hiểu đời sống GV nhà trường đấy”.
Họ đang trông chờ ở tôi một điều gì đó, lời tâm sự ruột gan của những người cầm phấn khiến người cầm bút như tôi thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. Sau chuyến đi thực tế đó, tôi đã viết, dù chỉ một bài báo chưa chuyển tải hết nỗi khó khăn, vất vả của những GV mầm non nơi vùng quê nghèo.
Và thật bất ngờ, sau khi bài báo đăng được một thời gian ngắn, tôi nhận được những dòng tin nhắn cảm ơn của các GV nhà trường. Cty CPTM tổng hợp Getraco, ở Bà Rịa Vũng Tàu đã ủng hộ 26 triệu đồng cho các GV ngoài biên chế trường Mậu Lâm. Vẫn biết sau bài báo đó chưa thể làm thay đổi cả số phận của hàng vạn GV mầm non ngoài biên chế, nhưng với tôi đó là một niềm vui lớn.
Chuyến ngược miền Tây xứ Thanh đầu tiên
Đó là vào đầu tháng 4 năm 2010, tôi về Nghệ An có việc. Khoảng 23 giờ đêm, vừa đặt chân vào đến nơi, tôi nhận được thông tin của tòa soạn từ phản ánh của một độc giả về nạn đói gay gắt ở huyện Mường Lát. Trách nhiệm người làm báo không thể làm ngơ trước thông tin trên. Đúng 7 giờ sáng hôm sau, tôi tức tốc lên đường ngược ra Thanh Hóa. Trời tháng tư, nắng bắt đầu gay gắt, 12 giờ trưa tôi đã yên vị trên chiếc xe máy cà tàng trực chỉ Mường Lát hướng tới. Vượt qua 250km, tôi mới đặt chân được đến Mường Lát khi màn đêm đã bao phủ núi rừng. Một thầy giáo cắm bản tốt bụng đã cho tôi ngủ nhờ qua đêm. Sáng dậy, thầy chỉ tay về ngọn đồi xa tít tắp, bảo “Cổng Trời ở phía đó”.
Tôi chạy xe hướng về xã Trung Lý, đặt chân đến “Cổng Trời”, tôi thực sự “sốc” khi tất thảy người dân đều khẳng định: Ở đây dân bản nghèo nhưng không đến nỗi sắp chết vì đói cái ăn! Để kiểm chứng thông tin, tôi men theo con đường mòn chạy qua những cánh rừng, những con dốc đứng bên thượng nguồn sông Mã vào tận bản Cò Cài, Cánh Cộng, Cá Ráng - những nơi cách trung tâm xã đến hơn 40 cây số. Đói, khát và mệt thậm chí cả bực mình vì thông tin thất thiệt nhưng ngẫm kỹ lại thấy vui.
Chuyến ngược miền Tây xứ Thanh đầu tiên của tôi coi như đã thất bại nhưng ngược lại không thấy buồn bởi ít ra tôi cũng đã có một trải nghiệm thú vị về những chuyến đi trong đời làm báo của mình. Nghĩ lại tôi cũng thấy mình hơi liều, nếu lúc đó, chiếc “long xin mui trần” mà dở chứng thì chỉ có nước lao nó xuống sông Mã rồi đi bộ mà về.
Tôi vẫn thích những chuyến đi xa, những chuyến ngược miền núi lên với đồng bào vùng sâu, vùng xa bởi cuộc đời là những hành trình nối tiếp nhau không dứt.
Duy Tuyên