1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Đôi tàu kỷ lục của ngư dân Thanh Hóa

(Dân trí) - Câu chuyện về những ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi không còn mới, bởi đó là ước mơ cả đời họ. Đóng tàu lớn vươn khơi xa bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...

Đóng tàu lớn vươn khơi

Bao năm nay, ngư dân Thanh Hóa luôn khao khát và ước mơ đóng được một con tàu lớn như của gia đình ông Phạm Gia Thanh, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn. Ông Thanh là người đầu tiên đóng đôi tau lớn nhất Thanh Hóa vươn khơi, mỗi tàu có công suất lên đến 1.000CV.

Đôi tàu kỷ lục của ngư dân Thanh Hóa
Anh Phạm Duy Đông bên con tàu lớn mới đóng của mình đang chuẩn bị hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để vươn khơi.

Là một ngư dân có đam mê nghề biển từ nhỏ và luôn khao khát đóng được tàu lớn để vươn khơi, sau nhiều năm ấp ủ ước mơ, đầu năm 2011 ông đã mạnh rạn vay vốn ngân hàng, vay anh em bạn bè để đầu tư đóng đôi tàu lớn. Chi phí cho mỗi con tàu lên đến 3 - 4 tỷ đồng. Sau một năm đi vào hoạt động, gia đình ông Thanh đã gần trả hết số nợ đóng tàu, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20 người và có thu nhập hàng tháng ổn định.

Kỷ lục về độ lớn của hai con tàu của ông Thanh đã bị phá vỡ khi mới đây, anh Phạm Gia Đông cũng ở Quảng Tiến đã hạ thủy 2 con tàu với công suất trên 1.000 CV. Mỗi con tàu có chiều dài 28m, rộng 6,5m, chiều cao toàn con tàu lên tới 7,5m với 7 khoang chứa hàng, trọng tải của mỗi tàu lên đến hàng trăm tấn hàng. Tàu có thể hoạt động ở thời tiết gió cấp 8 cấp 9 chủ động cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển.

Đôi tàu kỷ lục của ngư dân Thanh Hóa
Đôi tàu có công xuất trên 1.000 CV với các phương pháp đánh bắt cá hiện đại lớn nhất của ngư dân Thanh Hóa.

Những ngày này anh Đông đang tất bật với những công đoạn cuối cùng hoàn thiện cho đôi tàu của mình để sang đầu tháng tới có thể vươn khơi. Là một trong những ngư dân trẻ tuổi ở Quảng Tiến, sinh năm 1979 nhưng đã có gần 20 năm theo nghề biển, nhiều năm nay anh đã khao khát đóng được một con tàu lớn để vươn khơi.

“Trước kia, tôi cũng chỉ đi trên con tàu 350CV, ước mơ đóng được một con tàu lớn để vươn khơi xa tôi luôn ấp ủ. Ngoài số vốn bán tàu cũ đi tôi đã phải vay lãi thêm một số tiền lớn để để cố gắng đóng đôi tàu mới này mới có thể yên tâm bám biển”, anh Đông tâm sự.

Anh Đông chia sẻ thêm, đôi tàu này anh bắt đầu đóng từ tháng 3 đến nay hơn 8 tháng. Chỉ còn những công đoạn cuối như sơn, lắp các trang thiết bị thông tin liên lạc, máy dò cá, rada… nữa là hoàn thiện có thể ra khơi. Tổng số tiền chi phí cho hai con tàu này lên tới gần 10 tỷ đồng. Đây đều là số vốn anh Thanh tự vay mượn người thân, bạn bè.

Không chỉ có ngư dân Quảng Tiến mà rất nhiều các ngư dân biển khác ở Thanh Hóa như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia luôn mong ước đóng tàu lớn vươn khơi. Hiện tại Thanh Hóa có 8.500 tàu cá đang hoạt động đánh bắt các trên biển.

 Ba cha con ngư dân Phạm Gia Tự quyết bám biển.

 Ba cha con ngư dân Phạm Gia Tự quyết bám biển.

Hầu hết, ngư dân đều gặp vấn đề về vốn, chính sách cho ngư dân vay vốn của ngân hàng đang còn nhiều hạn chế. Nhiều ngư dân cho biết, để vay được vốn của ngân hàng phải có tài sản thế chấp, ngư dân đều có hoàn cảnh khó khăn. Chi phí cho nghề biển lại rất cao nên không có tài sản thế chấp ngân hàng. Chính vì thế nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để đóng tàu lớn vô cùng khó khăn.

Quyết tâm bám biển

Với một số lượng tàu lớn vươn khơi, ngư dân Thanh Hóa ngày càng chủ động trong việc bám biển thường xuyên hơn. Đầu năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện có các xã ven biển nơi có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ thành lập các “Tổ ngư dân đoàn kết” cùng giúp đỡ nhau trên biển trên biển. Hiện Thanh Hóa có hơn 1.000 “Tổ ngư dân đoàn kết”. Mục đích của việc thành lập các tổ ngư dân đoàn kết này giúp cho các ngư dân liên kết với nhau trên biển về mọi mặt như thông tin báo bão, cứu hộ cứu nạn và vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngư dân Tự vui mừng kể về những kỉ niệm buồn vui của nghề biển.
Ngư dân Tự vui mừng kể về những kỉ niệm buồn vui của nghề biển.

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, những tổ đoàn kết của ngư dân đã hoạt động hiểu quả. Nhiều ngư dân hăng hái tham gia và các tổ đoàn kết, không chỉ giúp đỡ nhau trên biển để đánh bắt mang lại hiệu quả kinh tế cao mà khi về đất liền những ngư dân trong tổ đoàn kết này còn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Một ngư dân không thể đủ vốn để đóng tàu lớn, nhưng có sự góp sức của nhiều ngư dân lại có thể giúp nhau đóng những con tàu lớn vươn khơi.

Ngư dân Nguyễn Văn Dư có hơn 20 năm đi biển chia sẻ: “Khi Nhà nước chưa có chủ trương thành lập “Tổ ngư dân đoàn kết” thì chúng tôi mạnh ai nấy làm. Nhưng từ khi các tổ đoàn kết thành lập, ngư dân chúng tôi đã giúp đỡ nhau về mọi mặt để vươn khơi bám biển. Lợi ích cá nhân mỗi tàu khác nhau đã được gắn liền với lợi ích chung với anh em trong tổ để cùng nhau hoạt động. Góp vốn làm ăn đóng tàu to hơn để vươn khơi”.

Ba cha con ngư dân Phạm Gia Tự đang dọn dẹp lại con tàu mang biển hiệu TH 90258 của mình neo đậu tại cảng Hới sau khi mới ra khơi về. Niềm vui thể hiện rõ lên khuôn mặt người ngư dân này khi tàu cặp bến với khoang đầy cá. Ông vui mừng chia sẻ: “Chuyến này tôi đi gần một tuần được hơn 5 tấn cá. Chi phí xong cũng lãi gần 100 triệu đồng”.

 Niềm vui sau mỗi chuyến vươn khơi xa bám biển của ngư dân Thanh Hóa.
 Niềm vui sau mỗi chuyến vươn khơi xa bám biển của ngư dân Thanh Hóa.

Theo ông Tự thì hiện trên con tàu 110 CV của gia đình ông có ông và hai con trai cùng cha vươn khơi bám biển. Ông đã có gần 40 năm bám biển, ban đầu phương tiện đánh bắt thô sơ chủ yếu là bè mảng sau nhiều năm bám biển tích cóp được số tiền ông đóng tàu lớn dần. Khi được khỏi về việc đóng tàu lớn hơn nữa ông không khỏi nói lên khát khao của mình: “Đóng tàu lớn vươn khơi không chỉ là khát khao của mình tôi mà hầu như ngư dân nào làm nghề biển cũng đều mơ ước. Muốn đóng tàu lớn nhưng mong nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn thuận lợi hơn cho ngư dân”.

Trang bị nghề biển của ngư dân Thanh Hóa ngày càng hiện đại vơi nhiều thiết bị được lắp đặt để ngư dân an toàn bám biển dài ngày như: máy ICOM, bộ đàm, máy định vị, hệ thống rada, máy dò cá… Ngoài kiến thức nghề còn có lòng quyết tâm vươn khơi, vươn xa bám biển, cùng ngư dân cả nước góp phần chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Thái Bá - Duy Tuyên