1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Vua” ở quân cảng Cam Ranh

Sáng mờ sương, chiếc xe loại UAZ 469 huyền thoại chở chúng tôi xuyên qua những trảng cát lúp xúp bụi cây, những đầm phá nhỏ xen giữa các triền đồi thấp. Sau chừng 20 phút chạy từ sân bay Cam Ranh, đã thấy trước mặt một vùng trời nước.

Vịnh Cam Ranh tĩnh lặng như nàng tiên nằm ngủ yên lành giữa những triền núi thẳm xanh, dù phía xa kia Biển Đông không ngơi sóng gió.

 

Đặc trưng địa lý khu vực Đông Nam Á với thềm lục địa ngắn, dốc, biển ăn sâu vào đất liền thể hiện rất rõ nơi vùng đất này. Biển đang mênh mông, khi vào đến đây chợt gặp bán đảo Cam Ranh như cánh tay vươn dài, với núi Ao Hồ thuộc phần nam của dãy núi Đồng Bò sừng sững, cao gần 500m án ngữ, bao bọc lấy một vùng nước rộng bên trong. Dường như thấy rằng chừng ấy cũng chưa đủ chở che, thiên nhiên đã kiến tạo thêm một hòn đảo nằm ở đầu mút bán đảo Cam Ranh – đảo Bình Ba, án ngữ nơi cửa vịnh cùng tên. Ở phần cuối vịnh Bình Ba về hướng tây bắc, biển đột nhiên thu hẹp lại thành một eo nước nhỏ, hai bên là hai mũi đất cao – Mũi Điện và Mũi Hời. Xuyên qua eo Bé là vịnh Cam Ranh mênh mông, thẳm sâu nhưng tĩnh lặng.
 

 

“Vua” ở quân cảng Cam Ranh

Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ tuần hành trên biển

 

Thiên nhiên đã dành cho Cam Ranh một thế núi biển ngọa hổ tàng long. Thế nên, từ lâu vùng đất hiểm trở này đã được sử dụng vào mục đích quân sự. Sau khi khởi sự công cuộc thực dân tại Đông Dương vào nửa cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã chọn Cam Ranh để xây dựng quân cảng. Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật hồi đầu thế kỷ trước, khi quân Nga liên tiếp thất trận ở Thái Bình Dương, Nga hoàng Nicholas II đã lệnh cho Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy Hạm đội Baltic sang Thái Bình Dương tiếp viện. Đội tàu Baltic đã làm một chuyến hải trình từ Đại Tây Dương xuống cực nam châu Phi rồi vòng lên Ấn Độ Dương. Sau khi vào Biển Đông, vào năm 1905, Đô đốc Rozhestvensky đã chọn Cam Ranh làm nơi đồn trú trong chừng một tháng trời để chuẩn bị cho trận hải chiến tại eo biển Tushima.

 

“Vua” ở quân cảng Cam Ranh
Tập bắn mục tiêu trên không

 

Khi bóng dáng những chiến hạm của Nga vừa khuất giữa mịt mù sóng nước Biển Đông cũng là lúc người Pháp ráo riết biến Cam Ranh từ một quân cảng nho nhỏ thành căn cứ quân sự lớn, phục vụ cho các chiến dịch thực dân khắp Đông Nam Á. Kể từ giờ phút đó, Cam Ranh với địa thế đắc địa hiếm hoi bên bờ Biển Đông luôn giữ vai trò là quân cảng quan trọng của Pháp. Sau này, người Mỹ cũng đã xây dựng Cam Ranh thành căn cứ không quân, hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Lúc cao điểm, có tới hơn 30.000 quân Mỹ và đồng minh cùng các đội tàu khu trục, hộ tống, tàu đổ bộ và máy bay tuần tra, tiêm kích, cường kích đóng ở Cam Ranh.

 

Sau ngày đất nước thống nhất, Cam Ranh dần trở thành một căn cứ quân sự lớn của Liên Xô, làm thế đối trọng với quân Mỹ tại căn cứ Subic ở Philippines. Vào thời điểm năm 1986, có tới hơn 6.000 người Nga bao gồm quân nhân, kỹ sư, công nhân đóng tại Cam Ranh, kèm theo đó là một đội tàu hùng mạnh, với khu trục hạm, tiểu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm hạt nhân và tàu cao tốc. Tháng 5 năm 2002, quân nhân Nga cuối cùng rời Cam Ranh, chấm dứt thời kỳ hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại quân cảng này.

 

“Vua” ở quân cảng Cam Ranh
Sẵn sàng chiến đấu

 

 
Người Nga rời đi, nhưng Cam Ranh với thế núi chở che biển cả vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược đặc biệt của mình.

 

Đến Cam Ranh lần này, chúng tôi không có ý định tìm hiểu nhiều về lịch sử của quân cảng vốn được mệnh danh là “pháo đài bên bờ Thái Bình Dương”. Chúng tôi đến đây để “yết kiến” hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Tên của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc giờ đây được đặt tên cho hai chiến hạm tối tân nhất của một lực lượng Hải quân đang trên đường hiện đại hóa – hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9.

 

Khi chiếc UAZ 469 còn ở trên triền dốc xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng những chiếc tàu xám trên nền nước ửng hồng buổi bình minh. Có thể dễ dàng nhận ra hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ qua vóc dáng đồ sộ, cũng như lớp vỏ thép nhẵn nhụi vốn là đặc trưng của những tàu chiến tàng hình, nằm giữa những chiến hạm nhỏ hơn, thuộc các lớp Molniya, đậu theo đội hình gần đấy.

  

Tàu Gepard 3.9 được đóng tại Nhà máy Zelenodolsk ở nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Đây là loại tàu chiến hiện đại, có khả năng tàng hình và hỏa lực rất mạnh, với hệ thống vũ khí chống ngầm, chống hạm và phòng không ứng dụng các công nghệ mới nhất. Tàu được thiết kế để chịu các điều kiện đại dương khắc nghiệt nhất và có thể hoạt động liên tục trong nhiều ngày liền. Hiện nay, chỉ mới có Nga – nước sản xuất – và Việt Nam đưa vào biên chế hải quân loại tàu này.

 

Chiếc Gepard 3.9 đầu tiên chính thức được biên chế vào Lữ đoàn 162 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng tại Cam Ranh vào tháng 3/2011 và được đặt tên theo người anh hùng đã bình định 12 sứ quân để lên ngôi vua – Đinh Tiên Hoàng. Chiếc thứ hai được biên chế vào cùng đơn vị hồi tháng 8/2011, và mang tên vị vua dời đô Lý Thái Tổ. Như vai trò của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, hai chiến hạm Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đóng vai trò tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam, với ưu tiên hướng tới Hải quân và Không quân. Chủ trương này đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ vào ngày 3/8/2011: “Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử… đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước”.

 

“Vua” ở quân cảng Cam Ranh
Luyện tập bắt mục tiêu

 

Quân đội sẽ từng bước được hiện đại, riêng Hải quân và Không quân sẽ được hiện đại hóa nhanh chóng. Trong xu hướng đó, sắp tới đây, các chiến hạm Gepard tân tiến hơn, với các tính năng chiến đấu mạnh mẽ hơn, sẽ được bổ sung vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Song song đó là các nỗ lực tự chế tạo tàu chiến và tên lửa đã, đang và sắp được triển khai. Lúc tới thăm quân cảng Cam Ranh, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến không khí hối hả trên công trường xây dựng căn cứ cho tàu ngầm lớp Kilo. Sau vài năm nữa, một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại sẽ chính thức ra mắt tại đây, như chính tuyên bố của Đại tướng Phùng Quang Thanh vào ngày 3/8/2011: “Trước mắt, trong 5, 6 năm tới, ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại”.

 

Trong căn phòng nhỏ nằm giữa thân chiến hạm Lý Thái Tổ, Thượng úy Nguyễn Hải Dương dán mắt vào màn hình radar, bên tai anh, chốc chốc lại vang lên khẩu lệnh của Thuyền phó – Thiếu tá Nguyễn Đình Giảng từ phòng chỉ huy trên cao vọng về: “Mạn phải 30, góc tầm 45, mục tiêu bay vào…”. Trên màn hình xuất hiện tín hiệu chiếc máy bay mục tiêu lúc này đang đảo vòng trên bầu trời vịnh Cam Ranh. Chiếc máy bay lúc ẩn lúc hiện, như cố tìm cách thoát ra khỏi “vùng phủ sóng” của radar, nhưng bất kể thế nào, Dương và tổ chiến đấu của anh vẫn khóa chặt được “con mồi”. Nếu đây là thực tiễn chiến đấu, chàng sĩ quan trẻ chỉ cần nhấn nút phát hỏa là mục tiêu bị hạ.

 

Nguyễn Hải Dương vốn là học sinh chuyên toán ở Nghệ An. Thế rồi tình yêu biển đã thôi thúc anh gia nhập Hải quân. Sau khi ra trường, anh nhanh chóng trở thành một chuyên gia súng pháo, tên lửa cừ khôi trên các tàu tên lửa. Chuẩn bị cho tiến trình hiện đại hóa Hải quân nhanh chóng, Nguyễn Hải Dương cùng nhiều sĩ quan thuộc thế hệ trên dưới 30 tuổi như anh đã được chọn đào tạo bài bản để tiếp nhận loại tàu chiến hiện đại Gepard 3.9. Từ khi lên tàu mới, Dương như chú đại bàng biển mọc thêm cánh. Những kỹ năng chiến đấu của anh và đồng đội không ngừng được hoàn thiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, Dương và đồng đội đã làm chủ được con tàu.

 

“Vua” ở quân cảng Cam Ranh
Cập cảng Cam Ranh

 

Trong chừng hai tiếng đồng hồ, lực lượng trên hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng đã thực hành bài bắn hạ mục tiêu trên không. Mục tiêu là một chiếc tàu lượn bay rất cao, ẩn hiện giữa những quầng mây xám trên biển. Các vị trí chiến đấu từ chỉ huy tàu, sĩ quan tính hiệu, sĩ quan cao xạ, súng, pháo, radar và tên lửa đã phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, dồn tất cả hỏa lực vào mục tiêu. Thuyền phó Nguyễn Đình Giảng cho biết: “Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ thuộc thế hệ tàu chiến hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập trên biển rất cao. Chiến thuật được áp dụng với loại tàu này cũng có nhiều khác biệt so với truyền thống.

 

Thế nên, việc đào tạo cho các sĩ quan chỉ huy là rất quan trọng. Anh em chúng tôi ở đây đều là những sĩ quan từng kinh qua các lớp tàu tên lửa thế hệ trước, giờ được đào tạo rất kỹ càng ở trong và ngoài nước nên làm chủ phương tiện rất nhanh. Sau hai năm đào tạo, giờ đây từ sĩ quan chỉ huy tàu tới sĩ quan các bộ phận đều đã thành thạo các kỹ năng chiến đấu”. Còn Thượng tá Đỗ Quốc Tuấn – Thuyền trưởng tàu Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Không chỉ tiếp thu các thao tác kỹ thuật để điều khiển tàu từ các chuyên gia Nga, anh em còn dịch thuật tài liệu, nghiên cứu các bài tập chiến thuật mới để hoàn thiện kỹ năng chiến đấu. Trên cơ sở chiến thuật của nước ngoài, chúng tôi kết hợp với chiến thuật của Việt Nam, đặc biệt là từ kinh nghiệm chiến đấu của các thế hệ cha anh, để áp dụng vào loại tàu chiến hiện đại này”.

 

Rời quân cảng Cam Ranh vào buổi chiều muộn, khi buổi thao luyện vừa kết thúc, chúng tôi cảm nhận được nhiệt tình và quyết tâm của các anh qua từng cái bắt tay chắc nịch. Từ những chiếc “xuồng tên lửa”, giờ đây các anh đã bước lên những chiếc tàu chiến tối tân, đại diện cho một lực lượng Hải quân Việt Nam hiện đại.

 

Từ chốn cỏ lau, Đinh Bộ Lĩnh đã dấy binh dẹp loạn, lên ngôi hoàng đế, đem thái bình thịnh trị khắp cõi trời nam, đặt nền móng vững chắc cho một quốc gia độc lập. Lý Thái Tổ dời đô từ chốn chật hẹp ra chỗ mênh mông, cũng với quyết tâm tạo nên một chỗ đứng vững chắc, một vị thế đĩnh đạc cho nước nhà trong bối cảnh vừa thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc. Trên tinh thần đó, hai chiến hạm Gepard 3.9 ở quân cảng Cam Ranh, mang hiệu hai vị hoàng đế thuộc thời đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, là một minh chứng cho quyết tâm không gì lay chuyển được, là biểu trưng cho ý nguyện của toàn dân Việt Nam trong việc bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển mà cha ông ngàn xưa để lại.

 

Tên vịnh Cam Ranh có nghĩa là “bến nước ngọt”, nằm ở cực Nam của tỉnh Khánh Hòa phía Nam Việt Nam, là đỉnh tột cùng nhô ra nổi bật nhất của đường bờ biển hình vòng cung phía Đông Nam Việt Nam, là vị trí yết hầu chiến lược kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khoảng cách từ vị trí này đến tuyến hàng hải quốc tế ở hai đại dương nói trên chỉ bằng hải trình một tiếng đồng hồ, vì thế Cam Ranh có vị trí chiến lược hết sức đắc địa, từ trước đến nay vẫn luôn là vị trí giành giật tất yếu của các nhà quân sự.

 

Vịnh Cam Ranh bốn bề được bao bọc bởi một quần thể núi đá cao khoảng 400m, ăn sâu vào đất liền 17km, rộng 6km, diện tích thủy vực rộng hơn 100km2. Độ sâu trong vịnh bình quân từ 16 đến 25m, chỗ sâu nhất đến 32m, là một trong những cảng nước sâu tự nhiên có giá trị nhất thế giới. Trong vịnh có thể đỗ được hàng trăm tàu cỡ lớn hàng vạn tấn, kể cả tàu sân bay. Nội cảng được phân thành hai khu vực là cảng quân sự và cảng thương mại, trong đó cảng quân sự nằm ở thị trấn Cam Ranh bờ phía đông, sâu 14m, có 6 cầu tàu chính, xưởng đóng tàu có thể sửa chữa các tàu cỡ lớn và đóng tàu cỡ nhỏ, còn có kho chứa dầu, kho đạn dược và kho quân nhu đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống trinh sát điện tử và thông tin cũng tương đối hoàn thiện. Khu ngoại cảng hay còn gọi là đảo Bình Ba, sâu trung bình từ 10 đến 22m, tương đối thuận tiện, có đường sắt và đường bộ liền nhau.

 

Theo Châu Minh Linh

 Năng lượng mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm