Tôi đi đào quặng thổ phỉ
(Dân trí) - Chỉ một đoạn suối, nhưng có tới vài chục lò khai thác quặng thổ phỉ, khiến dòng nước bị băm vằm nát bét. Cơn sốt đào quặng quý ở Mậu Duệ, Yên Minh (Hà Giang) đã dấy lên như thế từ vài tháng nay. Kèm theo giấc mộng đổi đời là vô vàn ẩn hoạ...
Những giấc mơ đổi đời
Dọc quốc lộ 4C, đoạn qua xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang là khu vực có mỏ quặng Antimon với trữ lượng rất lớn. Việc khai thác, song song với Công ty cổ phần cơ khí và khai thác khoáng sản, các "lò" thổ phỉ cũng mọc lên như nấm.
Tôi năn nỉ Thục, một người đã từng có thâm niên lăn lộn đào vàng khắp bến nọ bãi kia, cho tham gia làm thợ quặng thổ phỉ. "Thôi được, chú mày cứ đi theo bọn tao. Biết đâu lần này có chú đi cùng, lại chả gặp may", Thục miễn cưỡng. Theo lời kể của Thục thì mặc dù quặng Antimon chỉ có giá 15.000đ/kg nhưng lại có khá nhiều, khai thác quặng không phải đào hầm khoét đất khổ sở như đào vàng, lại ít bị cướp. "Gọi là làm thêm trong lúc nhàn hạ thôi chú ạ, chứ khó mà đổi đời lắm", Thục nói.
Antimon là chất á kim, nằm ở nhóm Va bảng phân loại tuần hoàn. Con người biết đến Antimon từ hơn 3000 năm trước với tinh thể màu trắng hơi xanh nhạt, có ánh kim.
Khoáng vật phổ biến của Antimon là Antimonit dùng trong công nghiệp đúc chữ. Antimon kết hợp với một số hợp chất tạo ra các ổ trục xe cơ giới. |
Nói là "khó đổi đời lắm", nhưng trong những câu chuyện kể của tay quặng thổ phỉ này thì quặng đã làm cho nhiều người nâng đời thực sự. Cách đây độ dăm năm, trong vùng Yên Minh có một tay tài chủ thuê dân trong vùng gùi đá về làm hàng rào. Vùng cao Hà Giang trập trùng núi đá, chuyện làm hàng rào đá không xa lạ. Nhưng đá gùi về nhiều lắm, hết ngày này tới ngày khác, lượt nọ tới lượt kia. Đá xếp thành hàng rào kín quanh nhà, xếp cả vào vườn trong. Những người gùi thuê thắc mắc, tại sao gã này mang nhiều đá về nhà thế. Về sau, họ mới ngã ngửa, hoá ra "đá" đấy chính là quặng Antimon, thì nhà tài chủ kia đã giàu có lắm rồi, của ăn không hết nhờ bán quặng.
Người dân ở đây biết khai thác quặng lác đác từ độ ấy, nhưng phải thời gian gần đây thì mới rộ lên. Đấy là sau khi một vài người "trúng quả", đào được những mỏ quặng tới vài trăm cân. Cơn sốt đào quặng thực sự bùng lên. "Chú thử tính xem, quặng Antimon trông giống hệt đá, một khối nặng vài chục kg là chuyện quá bình thường. Nếu thằng nào may, vớ được khối quặng nặng vài tạ thì trong một ngày cũng đã vớ được ngót chục triệu", Thục phân trần.
Thế là xảy ra tình trạng bà con trong vùng không ai chịu làm nương rẫy, tất cả đều đổ xô ra suối đào bới, tìm quặng. Quặng tìm được bao nhiêu, chủ hàng người Trung Quốc mua hết bấy nhiêu.
Đào quặng
Tác giả (ngoài cùng bên phải) dưới hố quặng. |
Lần này, nhóm của Thục đi có 5 người, gồm cả tôi. Chúng tôi xuất phát từ thị xã Hà Giang lúc tờ mờ sáng. Trời vùng cao, sáng sớm lạnh tê tái. Qua những con đường ngoằn ngoèo trập trùng đèo dốc, qua cổng trời Quản Bạ mịt mù trong sương, chúng tôi lên Yên Minh. Điểm dừng chân không đâu khác, chính là lòng suối Nặm Tăm, nơi đang có hàng trăm "tổ hợp" khai thác quặng trái phép đang hoạt động huyên náo suốt ngày đêm. Chúng tôi quẳng mấy chiếc xe máy cà tàng ngay rệ đường quốc lộ, phủ lên ít cành cây để nguỵ trang. "Là cho đỡ nắng thôi, chứ ai thèm lấy mấy cái xe cà tàng này", một người nói.
Đám người lục tục kéo nhau xuống suối. Mùa này nước cạn. Sáng sớm, tiếng các loại máy đã ầm ì vọng lại bên tai. "Máy là của bọn dưới kia mang lên, chứ dân quanh đây chỉ có cuốc xẻng, xà beng là cùng thôi", Ngô Quốc Cơ một người trong bọn cho hay.
Con suối hiện ra, lở lói những vết đào bới, những hố sâu hoắm. Đang mùa cạn, dòng nước đục ngầu đất, chảy ri rỉ theo những rãnh nhỏ. Một bên, quốc lộ 4C khá cao ở lưng chừng núi, bên kia là những nương ngô chỉ còn trơ lại mỗi thân cây khô úa. Những chiếc lều dã chiến mọc lên lố nhố. Phía trên chúng tôi, một toán đang hì hục sửa máy bơm. "Chúng nó chắc lại bơm suốt đêm qua đấy. Bọn này tham lắm, đã bị chúng tao dằn mặt mấy lần rồi mà không chừa", Thục nói rít qua kẽ răng, mắt vằn lên đỏ như mắt cá chầy.
Một đoạn suối chỉ khoảng trăm mét nhưng có tới vài chục toán người đang thi nhau khoan chọc, tát nước. Nhóm chúng tôi cũng bắt tay vào việc ngay. Cái hố chắc là đào dở dang từ hôm trước. Mấy tay lực điền vớ xà beng, thi nhau hì hục chọc. Đất đá cứ nứt toác dần, hố sâu xuống, nước ở đâu tràn vào. Thục hạ lệnh cho tôi lấy xẻng xúc đất ra khỏi hố rồi dùng xô tát nước: "Đấy, vất vả thế đấy chú mày ạ". Phải một lúc sau thì chúng tôi mới lôi được viên quặng đầu tiên, nặng khoảng vài kg. Đó là một viên đá đen kịt, khá nặng và hơi lấp lánh ánh kim. Tôi ước lượng chỗ quặng này nếu cân lên bán, cũng được ngót trăm nghìn.
Nỗi cơ cực của thợ quặng
Suốt buổi sáng, chúng tôi đào được vài viên như thế. Thục nói: "Không đến nỗi nào, tạm được". Thoáng cái đã đến trưa. Cả bọn mồ hôi nhễ nhại, bết ướt áo. Bữa trưa thật đạm bạc, chỉ có một xô mì tôm nấu bằng nước sạch đem theo từ sáng, với mấy xiên cá khô nướng nhọ nhem bằng cành khô, mặn lè lưỡi. Cái xô đựng mì tôm trông đen đúa cáu bẩn toàn đất, nhưng cả bọn vẫn ăn rất ngon lành. Tôi cũng nhắm mắt nuốt mấy miếng. Mấy tay thợ quặng ăn xong rất nhanh, chuyển sang hút thuốc lào. Cái điếu rít lên sòng sọc.
"Cái nghề kiếm quặng chỉ là bán sức lấy tiền. Biết là nguy hiểm lắm nhưng vẫn phải mưu sinh, chú mày ạ", Cơ vừa quệt nhọ cá trên mặt, vừa nói. Ở bãi quặng này, tình trạng tranh giành, đánh nhau giữa các nhóm "thổ phỉ" xảy ra hàng ngày, kiếm được cân quặng, có khi phải đổ máu. Cũng dễ hiểu, có mỗi đoạn suối vài trăm mét, nhưng hàng trăm hộ dân trong xã cùng xô vào khai thác, chưa kể các hộ dân dưới xuôi kéo nhau mang máy móc lên đây. Đã từng trải qua những cơn sốt rét rừng, những trận đói vàng mắt, nên Cơ có nước da mai mái, môi thâm xám trông rất tội. Làm quần quật, trái phép, nhưng những thợ quặng cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Giấc mơ đổi đời vẫn luôn ám ảnh họ, trong từng giấc ngủ, mỗi nhát cuốc...
Ẩn hoạ trong lòng suối
Dòng suối Nặm Tăm bị quần nát, lở loét những hố sâu.
Con suối Nặm Tăm giờ đã không còn ra hình dáng của suối nữa, nó bị đào xới băm vằm đến tan nát, lở loét. Những lều bạt dã chiến mọc lên rải rác khắp nơi. Nước vẫn rí rách chảy, mang theo đất cát hoà lẫn mồ hôi những người thợ quặng thổ phỉ. Nhiều đoạn, nước bị uốn dòng, xói vào vách núi. Trong lòng suối, những hố, những moong tầng nhiều chỗ cao đến 3-4m, giống như vừa hứng một trận pháo kích. Nhiều lò khai thác xuyên về quốc lộ 4C, ảnh hưởng nghiêm trọng tới con đường. Thục bảo tôi, đã có mấy vụ sập hầm, lở đất. Người bị đá đè, kẻ bị đất xô, nhưng may chưa có ai chết, chỉ bị thương. Đang mùa khô, suối cạn. Nhưng vào mùa nước thì sẽ chẳng còn biết con nước ở đây nông sâu thế nào, rất nguy hiểm. Chỉ một trận mưa nhỏ, đất đá hai bên chắc chắn sẽ xói xuống. Rồi lũ quét, lũ ống... những thảm kịch ấy đâu phải chưa từng xảy ra!
Chiều tà, trời sập tối. Mới đó còn nắng gắt mà thoáng cái trời đã nhá nhem. Chúng tôi uể oải thu dọn đồ nghề để về thị trấn Yên Minh ngủ trọ, sáng sớm hôm sau sẽ còn tiếp tục công việc. Đêm hôm trước, một người sốt rét run cầm cập, đã bỏ cuộc. Anh ta quá yếu, không thể tham gia đào quặng được nữa. Chiều tàn miền sơn cước, tôi ngao ngán nhìn đám thợ quặng bước đi lủi thủi trong ánh sáng nhập nhoạng. Ai trong số họ sẽ may mắn đổi đời, ai sẽ bị những cơn sốt rét rừng quật xuống? Rừng dần chuyển màu sang xanh thẫm, im lặng như tự ngàn xưa vẫn vậy.
Án Văn Long