1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Tiêu điều làng tôm Hộ Độ

(Dân trí) - Làng Hộ Độ ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thời gian gần đây tiêu điều, tan nát vì mô hình nuôi tôm thâm canh - một mô hình kinh tế vốn được tung hô lên tận mây xanh. Vì con tôm, Hộ Độ bỗng trở thành “làng nợ” lớn nhất vùng với những hộ dân trắng tay, hoang mang, điên đảo…

Đổ tiền vào tôm 

Không phải ngẫu nhiên mà tỉnh Hà Tĩnh lại chọn Hộ Độ để xây dựng mô hình nuôi tôm sú của tỉnh. Nếu khai thác tốt có thể khai phá hơn 100 ha đầm lầy, rừng ngập mặn để phục vụ nuôi tôm. Sát nách là một nhánh sông Cày chảy qua đủ để cung cấp nước. Cách không xa, chỉ khoảng vài chục km là nhà máy chế biến đông lạnh Đò Điệm. Hơn nữa, từ đầu thập niên 90 đã có một số hộ dân chuyển từ làm muối sang nuôi tôm bán thâm canh, và theo tính toán, con tôm cho thu nhập cao hơn nhiều những chuyến muối rong.

 

Rất nhanh, được sự giúp đỡ của ngành Thủy sản, tỉnh Hà Tĩnh đã mang về Hộ Độ 2 dự án đầu tư cải tạo, khai phá, xây dựng hệ thống bờ đê, cống tiêu nước với tổng nguồn đầu tư hơn một tỷ đồng.

 

Ông Chủ tịch UBND xã Lê Doãn Hùng giọng đặc quánh xứ Nghệ tiếp chúng tôi bằng một câu nói ngắn gọn: “Chủ trương là đúng”. Làm muối mãi mà có thấy giàu đâu. Đưa con tôm về nuôi là chủ trương đúng. Thế nên UBND xã Hộ Độ còn thế chấp lương cán bộ xã để vay ngân hàng khoảng 300 triệu đồng, có thêm vốn cho dân vay.

 

Người dân Hộ Độ có dịp “làm ăn lớn”. Hàng chục hộ dân tại Hà Voọc - khu vực sở hữu nhiều diện tích đầm lầy nhất - lúc nào cũng nói chuyện con tôm. Nhiều gia đình như chị Nguyễn Thị Hoài không ngần ngại “ném” sổ lương hưu thương binh hạng hai của chồng vào ngân hàng, bán nốt mảnh vườn cố hữu bấy lâu để cải tạo gần 8.000 m2 đất. “Có kể chi mô chú. Có bao nhiêu tiền của cất góp được đập vào con tôm hết” - chị Hoài nuối tiếc.

 

Tính trung bình, mỗi gia đình ở Hà Voọc vì con tôm mà vay nợ đến gần 50 triệu. Cộng thêm “ốc đảo” Nam Hà, Bình Hà, hàng tỷ đồng được người dân Hộ Độ ném xuống những vùng đất vốn bỏ không. Gần 100 ha nuôi tôm thâm canh ra đời.

 

Sóng gió ao tôm

 

Chủ tịch UBND xã Lê Doãn Hùng nói, trong số 8 tỷ tiền nợ của toàn xã, phần lớn là người dân nợ tiền nuôi tôm. Dân nghèo, dân nợ như chúa chổm, xã cũng đau đầu. Ngay cả gần 300 triệu xã đứng ra thế chấp cho dân vay đến nay mới thu được 40 triệu, số còn lại thì phải chờ.

 

6 năm mơ về con tôm nhưng thu nhập bình quân đầu người của Hộ Độ không nhích nổi hơn 4,2 triệu đồng/người/năm, con số của năm 2000.

Kinh nghiệm được đúc kết, nuôi tôm là nghề đánh bạc với trời nên đúng ra phải là “cuộc chơi” của dân nhà giàu. Nhưng ở Hộ Độ thì ngược lại: Người nghèo lại là người đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi con nuôi. Bởi thế, chỉ mới mấy năm gắn bó với con tôm, chính họ đang phải trả giá.

 

“6 năm, 6 vụ tôm chính và nhiều vụ nuôi trái vụ, nụ cười thì ít, nước mắt cay đắng thì nhiều. Toàn bộ xã viên trở thành con nợ. Nhà ít thì 30 triệu, nhà nhiều lên đến 60 triệu đồng” - ông Trương Quang Lộc - Chủ nhiệm HTX Hà Voọc mắt cay xè, nói.

 

6 năm gắn bó với con tôm, chỉ duy nhất năm 2002, xã viên Hà Voọc được mùa, còn lại, năm nào tôm cũng chết đỏ mặt ao, mà cứ đến gần vụ thu hoạch tôm mới chết.

 

Tại Hà Voọc, nỗi đau con tôm nghe đến nao lòng. 6 năm, 8.000 m2 ao nuôi tôm biến gia đình chị Hoài thành con nợ lớn. Chưa có tôm, anh Trương Quang Thắng - chồng chị Hoài - một thương binh hạng 2/4 ung dung mỗi tháng lĩnh 700.000 đồng. Hậu con tôm, anh Thắng phải rời bỏ quê hương vào tận núi rừng Gia Lai lao động kiếm tiền trả nợ.

 

Cách nhà chị Hoài vài bước chân, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Khai cũng bi đát không kém. Từ chỗ có 20 triệu cho người khác vay lấy lãi, giờ họ đang nai lưng gánh khoản nợ hơn 60 triệu đồng. Nợ nần khiến vợ chồng Khai chán nản, lục đục rồi mỗi người một nơi kiếm sống, bỏ mặc cho hai đứa con cho hai bên ông bà nội ngoại nuôi.

 

Cùng chịu chung cảnh ngộ “chết theo tôm”, hai ông chủ nhiệm và phó chủ nhiệm HTX Hà Voọc hiện cũng đang nợ đầm đìa. Ông phó chủ nhiệm Lê Thế Liên ngoài nuôi tôm còn mở mang thêm dịch vụ cung cấp thức ăn con tôm cho xã viên. Giờ mọi thứ đều thê thảm: ao hồ bỏ mặc, giàn sục khí mua chục triệu cũng bán nốt để trả nợ, có lúc ông Liên phải đi “lánh nạn”, trốn người đến đòi nợ.

 

V.Dũng - M.San - H.Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm