1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sỹ “khùng” làm barie

43 tuổi. Sinh ra trong một gia đình thuộc loại nghèo nhất làng lại đông anh em. Có tiền sử về thần kinh. Hơn 10 năm tự nguyện làm gác chắn ở đường ray cung cầu An Hòa. Vừa ra viện bởi căn bệnh hiểm ác: nhiễm trùng máu cộng thêm dính ruột…

Đó là những thông tin ban đầu tôi được các bác xe ôm ở khu vực cầu An Hòa cho biết về anh Nguyễn Văn Sỹ – người mà bà con ở đây hay gọi là Sỹ “khùng” hay Sỹ “síp-lê” (sifflet – tiếng Pháp là cái còi).

 

10 năm làm nhân viên nhà tàu không lương

 

Khi chúng tôi đến, nhà anh Sỹ vắng hoe. Chị Hoa, một người hàng xóm thấy khách lạ, chạy sang: “Cả nhà đi hết rồi. Tìm Sỹ “khùng” hả? Nó đi từ tờ mờ sáng rồi, không có ở nhà mô. Muốn gặp phải 8-9 giờ tối kia”.

 

Tôi lại mò ra cung đường ray cầu An Hòa. Nhiều người dân xúm lại hỏi: “Tìm thằng Sỹ khùng hả? Hồi sáng có thấy nó ghé đây một lúc để canh đoàn tàu E chạy qua”. Một người lẩm bẩm: “Có lẽ vết thương còn đau nên anh chàng tìm bóng cây để ngả lưng rồi”.

 

Sỹ “khùng” đến với công việc gác chắn tàu khi trong thôn có một phụ nữ bị tàu lửa cán chết lúc băng qua đường ray để đi bán rau. Thế là ngay ngày hôm sau, người dân thôn An Hòa thấy Sỹ “khùng” tay cầm cờ, tay đeo băng đỏ, miệng ngậm còi thổi tuýt tuýt để giữ an toàn cho người dân mỗi khi tàu qua. Ngày này qua ngày khác, cứ đến giờ tàu chuẩn bị qua cung đường ray cầu An Hòa, người ta lại thấy Sỹ “khùng” đứng ở đó làm “barie sống”.

 

Ban đầu nhiều người đi qua thấy khó chịu: “đúng là đồ thần kinh” nhưng riết rồi việc Sỹ “khùng” làm barie cũng thành quen. Bây chừ cũng hơn 10 năm rồi, cuộc sống người dân trong thôn đã bớt phần lo sợ mỗi khi băng qua đường ray bởi đã có Sỹ “khùng”.

 

Người dân ở đây cũng không quên chuyện Sỹ “khùng” đã kịp thời cứu được mấy mạng người khỏi bánh sắt của con tàu khi băng qua đường ray không chịu quan sát. Mới đây nhất, vào giữa tháng 4-2005, một em học sinh đi học về đạp xe qua đường ray thì bất ngờ kẹt sên, xe và người đổ nhào giữa đường ray trong khi tàu chỉ còn cách chưa đầy 100m.

 

Không chần chừ, Sỹ “khùng” lao vào bế xe vứt qua một bên, ôm thằng nhỏ chạy khỏi “lưỡi hái thần chết” trong tích tắc. Mọi người chứng kiến cảnh này đã vỗ tay hoan hô rần rần hành động dũng cảm của anh chàng “khùng”. Gia đình thằng nhỏ cám ơn rối rít. Sỹ “khùng” vui ra mặt, cười ha hả.

 

Cung cầu An Hòa là giao điểm của thôn với đường QL1A. Cung đường này không có gác chắn, thậm chí không có đèn báo hiệu và tầm nhìn từ thôn ra QL1A bị che khuất ngay tại đường ngang này. Trong khi đó, mọi giao thương với bên ngoài của người dân An Hòa lại chỉ có con đường này là độc đạo. Vì vậy, đây là đoạn đường ngang có mức độ nguy hiểm thuộc loại bậc nhất ở Thừa Thiên-Huế. Từ khi có Sỹ “khùng” làm nhân viên nhà tàu không lương, con đường trở nên an toàn hơn.

 

Sỹ “khùng” làm barie   - 1
Còi và băng đỏ là những thứ mà anh Sỹ không bao giờ quên mang theo người 

“Thấy nguy hiểm, tau làm…”

 

Mất một ngày “phục kích”, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Sỹ “khùng” khi anh bước thấp bước cao về nhà trong bộ dạng mệt mỏi. Ngồi phịch xuống chiếc võng, rít điếu thuốc sắp tàn, Sỹ lầm bầm một mình: “Mấy thằng nhỏ đúng là chẳng biết sợ chết. Tau đứng giữ rồi mà nó cứ chạy ào ào”.

 

“Thế anh đứng gác ở gác chắn nào?” – tôi hỏi. “Tau đi lòng vòng thấy nơi nào có đường tàu chạy ngang qua thì đứng gác. Nhưng gác thường xuyên nhất vẫn là con đường phía trước”. Móc trong túi quần ra cái còi, cái băng đỏ, Sỹ “khùng” tuyên bố: “Tau có thể không mặc áo mà đi ra đường chứ không thể đi ra đường mà không mang theo thứ này”.

 

Anh Nguyễn Văn Lẹ (em trai của anh Sỹ), tiếp lời: “Bữa mô cũng thế, ảnh dậy từ 5 giờ sáng, gom “đồ nghề” bỏ vào túi rồi đi tới 10 giờ đêm mới về. Những ngày đầu, không biết ảnh đi đâu, gia đình lo lắm. Vài ngày sau thì mấy người trong xóm nói là thằng Sỹ “khùng” đứng gác ở đường ray.

 

Cả nhà sửng sốt, ra tận nơi năn nỉ đưa về nhưng ảnh nhất quyết không chịu và phán một câu: “Thấy nguy hiểm, tau làm. Đừng cản tau!”. Thế là, ngày nào cũng thế, bất kể nắng mưa, khuya hay sớm, cứ đến giờ tàu qua đường ngang này là anh có mặt. Nhiều lúc đang ăn cơm, nhớ đến giờ tàu qua anh cũng bỏ chén đũa, cầm còi, cờ rồi chạy ra gác”.

 

Hôm anh đi bệnh viện để chữa trị căn bệnh quái ác: nhiễm trùng máu cộng dính ruột, gác chắn cung cầu An Hòa không có ai giữ. Anh nằng nặc đòi về gác chắn. Từ hôm ra viện tới giờ, mới được nửa tháng, vết thương chưa lành hẳn nhưng ngày nào người dân ở đây cũng thấy anh đứng gác chắn cùng một nhân viên ngành đường sắt. Bảo anh về nghỉ ngơi, dưỡng sức vì đã có người khác lo việc rồi, nhưng anh vẫn một mực: “Hai người cùng gác thì an toàn hơn chứ có chi mô”.

 

Ai lo cho người “khùng”?

 

“Khó khăn quá !” - Đó là lời than vãn của anh Lẹ. Gia đình Sỹ có tới 9 anh em, chủ yếu làm nghề xích lô, xe thồ. Khi lớn lên, mỗi người đều xây cho mình một tổ ấm. Ngôi nhà cấp 4 của cha mẹ dựng nên, giờ chỉ có vợ, con anh Lẹ và anh Sỹ đang ở cũng sắp rệu rã vì mưa nắng. Mẹ anh Sỹ (bà Trần Thị Tám) năm nay đã 74 tuổi vẫn phải lặn lội lên tận Lao Bảo (Quảng Trị) để nấu cơm thuê đắp đổi qua ngày.

 

Hôm chúng tôi tìm đến nhà anh Sỹ thì bà Tám vừa trở lại Lao Bảo sau gần 1 tháng về mượn tiền để chạy chữa cho “đứa con tội nghiệp” là anh Sỹ. Số tiền lên đến gần chục triệu đồng. Bà Tám phải gõ cửa không biết bao nhiêu người thân mới vay mượn đủ .

 

Hôm bà Tám đi, bà ôm Sỹ vào lòng: “Con ở nhà giữ gìn sức khỏe, đừng có lang thang đây đó nữa. Nhất là không được đứng ở gác chắn nữa, lỡ có mệnh hệ chi thì làm răng mạ sống nổi. Ngày nào mạ còn sức thì cố làm để trả nợ người ta. Con yên tâm! Đừng đi bán vé số nữa”.

 

Sỹ khóc, hứa với mẹ sẽ làm theo, nhưng bà Tám đi được vài hôm đã thấy Sỹ cầm xấp vé số dạo quanh và đến giờ tàu qua thì tìm về gác chắn. Anh em can ngăn, Sỹ chỉ im lặng. Đêm đêm, anh ngồi sắp lại những đồng tiền lẻ anh kiếm được lúc ban ngày vào chiếc hộp gỗ, chờ mẹ về để “báo công”.

 

Anh bảo với tôi: “Tau làm 1 ngày khoảng 10 ngàn đồng. Một tháng được 300 ngàn đồng. Như vậy cũng phải mất 3 năm mới trả hết tiền mắc nợ người ta”.

 

Đang huyên thuyên, Sỹ “khùng” chợt nhớ ra điều gì, đứng bật dậy: “Thằng S (tàu S) sắp qua, tau phải ra gác đã”. Đứng nơi gác chắn tàu, nhìn người đàn ông vẫn bị người đời gọi là khùng ấy “tả xung hữu đột” giữ an toàn cho mọi người, tôi chợt nghĩ: không biết rồi đây có còn ai đứng gác chắn giữõ an toàn cho người dân An Hòa nữa không khi mà cuộc sống khắc nghiệt cùng bệnh tật cứ bám lấy anh?

 

Nhiều người quen vẫn gọi anh là Sỹ khùng, nhưng tôi nghĩ anh là người rất tỉnh, kể cả khi mấy chữ “tiền sử thần kinh” vẫn chưa hề phai trong trí nhớ của tôi.

 

Theo Nguyễn Hùng

Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm