1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sành điệu “hàng thùng”

Rủ nhau đi sắm “hàng thùng”, còn gọi là hàng second-hand mấy năm gần đây đã trở thành “mốt” của giới thị thành. Nhưng bạn cũng cần biết, không phải ở đâu quan niệm “cũ người mới ta” cũng phổ biến và không phải lúc nào hàng thùng cũng được coi là “năm bờ oăn”.

Có dịp dạo qua những con phố Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Hoàng Tích Trí, Tôn Đức Thắng hay bước chân vào chợ Hàng Da… bạn sẽ thấy hàng thùng bày bán la liệt từ vỉa hè tới cửa hàng. Chỉ cần sau khi dựng chân chống xe là có thể sà ngay xuống hiệu hàng thùng.

 

Người thành thị thích xài hàng thùng

 

Chẳng cần tên, biển quảng cáo, nhưng gian hàng nào cũng đông khách. Giờ nghỉ trưa, chị em tranh thủ phút nghỉ hiếm hoi cũng “lượn” tới đây để tìm mua quần, áo, giày dép nhưng đông nhất có lẽ vẫn là đối tượng sinh viên.

 

Giữa cái nắng đầu mùa, tôi gặp D.C và nhóm bạn - SV Trường ĐHKTQD tại một cửa hàng. Cứ tưởng sinh viên không có tiền mới đến đây, tôi ngạc nhiên, hoá ra C tới đây để tìm mua hàng “xịn” – đó là chiếc quần bò hiệu D.G chính hiệu với giá 400.000.

 

C. cho hay, “sinh viên cũng tuỳ loại sinh viên. Có sinh viên loại "quý - xì - tộc" và cả sinh viên thường thường bậc trung chứ!” Mấy cậu bạn đi cùng xuýt xoa vì món hàng “độc” mà C mua được trong khi cả bọn lang thang cả buổi mà chưa đứa nào tìm được cái ưng ý. Hàng thùng ở đây chủ yếu của các nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông do bị lỗi trong quá trình sản xuất được các chủ hàng lựa chọn đưa về.

 

Chị Hằng ở phố Tôn Đức Thắng cho hay, kinh doanh hàng thùng chẳng khác nào đánh bạc. Mỗi khi nhập hàng về, may mắn thì có hàng tốt còn nếu đen đủi thì có khi cả kiện hàng vứt đi. Công việc đầu tiên của chủ hàng khi nhận hàng về đó là ngâm, giặt, tẩy và là. Sau đó họ chọn lọc những hàng tốt, hiệu “xịn” rồi đưa vào các shop sang trọng. Tất nhiên, giá của loại hàng này không hề rẻ, thường phải tiền trăm, thậm chí hàng triệu.

 

Còn những manơcanh ngoài cửa lúc nào cũng được  chủ “diện” cho những trang phục tốt, đẹp nhất. Hàng thùng ở Hoàng Tích Trí được xem là đa dạng nhất. Ở đây, người ta có thể tìm mua từ giày dép, khăn, mũ, dây lưng, quần áo lót đến những trang phục ngoài đẹp mắt với giá từ vài ngàn đến vài trăm ngàn đồng.

 

Chị Hoa ở phố Kim Liên là “đệ tử ruột” của hàng thùng. Hàng ngày, đi làm về là chị lại ghé qua những shop hàng thùng ở Phạm Ngọc Thạch để tìm hàng mới. Với chị, mặc hàng thùng vừa "độc", vừa đẹp lại không đắt.

 

Một bộ phận khách hàng thường xuyên lui tới Chợ Hàng Da đó là giới người mẫu. H.K.N, siêu mẫu của Hà Nội thường tìm được những chiếc quần jeans ở đây bởi người cô quá cỡ, rất khó mua hàng mới. Chả vậy mà chỉ cần một buổi bán được hàng cho mấy cô cậu người mẫu là bà Y. ở Chợ Hàng Da có thể lãi tới vài trăm, thậm chí hàng triệu để bù cho những ngày chẳng có khách nào sờ tới hàng.

 

Hàng thùng cũng dăm bảy loại

 

Mua hàng thùng tại các shop thì có vẻ như yên tâm phần nào nhưng nếu mua ở những chiếc xe “di động” được rao bán khắp phố hoặc tại những đống hàng được đổ trên vỉa hè ở công viên Lê-Nin thì bạn hãy cẩn thận. Giá của loại hàng này không đắt, chỉ vài ngàn cho tới vài chục ngàn nhưng chất lượng thì… chỉ có trời mới biết.

 

Có những thỏi son, chì kẻ mắt, nhũ đánh móng tay giá chỉ từ 3000 – 15.000,  "mác miếc" nhưng là hàng rởm hoặc quá hạn sử dụng. Chị em tập thể dục quanh công viên không mấy ai ngó ngàng tới bởi họ sành mua. Đồ trang điểm hoặc quần áo hàng thùng ở mấy đống hàng này đa số chỉ thấy mấy cô nàng "ong bướm lượn lờ" chọn nhặt.

 

Anh Q, người chuyên đổ hàng ở công viên mỗi buổi sáng thủng thẳng: "Bán hàng cho "bọn này" sợ lắm, bởi chúng nó trơ trẽn quen rồi, có khi ngồi lê mãi mới chọn mua được chiếc áo lót nhưng quay đi ngoảnh lại nó biến mất, không thèm giả tiền. Mình không phải là dân chuyên buôn bán, ở quê không có việc thì lên đây kiếm vài ngàn đồng, những lúc như thế đâu dám đuổi theo đòi lại vì lơ mơ là chúng nó chửi bới, lu loa ầm ĩ ngay”.

 

Dân ngoại thành sợ “chơi” hàng "Si - đa"

 

Ngược với mốt sài hàng thùng của một bộ phận thị dân, nhiều người ở các khu vực ngoại thành lại rất sợ hàng thùng mà họ thường gọi là hàng Si -đa. Chị Thanh ở Ninh Hiệp cũng có một dạo nhập hàng thùng về bán nhưng cuối cùng “lỗ chổng vó” bởi chẳng ma nào ngó tới dù cửa hàng của chị có mặt tiền ở trung tâm chợ Ninh Hiệp.

 

“Đơn giản là bởi vì người ta sợ lây bệnh. Biết đâu đấy, trong đống hàng thùng kia dù được tẩy trắng rất sạch sẽ, rất mới nhưng lại của thằng nghiện nào đó, hoặc của ai đó mắc bệnh giang mai, “ết”…! Thôi thì chẳng cần “độc”, chỉ cần đẹp mắt, dễ nhìn một chút thôi cũng được, mua hàng mới cho chắc ăn!”, chị Thanh cho hay.

 

Tâm lý người mua hàng là vậy, thành ra tại các chợ ở khu vực ngoại thành, rất hiếm những gian hàng thùng. Ninh Hiệp là chợ vải đầu mối nhưng cũng chỉ lác đác có vài gian hàng bán quần áo cũ. Vì không bán được nên chủ hàng thường chọn hàng lỗi ít, tẩy trắng, là, gấp  rồi treo hoặc đóng góp đẹp đẽ, trưng bày lẫn với hàng mới. 

 

Theo Thuỷ Nguyên

NetMode