1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phước Kiều hồi sinh cùng cồng chiêng Tây Nguyên

(Dân trí) - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Unessco công nhận là kiệt tác truyền khẩu và văn hoá phi vật thể của nhân loại. Vậy là nghề đúc đồng của Phước Kiều sống rồi!”. Câu nói tràn trề hy vọng đó đã kéo chúng tôi đến làng Phước Kiều - nơi cung cấp cồng chiêng cho đồng bào Tây Nguyên từ gần hai trăm năm nay.

Lửa nghề không tắt

 

Nằm trên tuyến quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, những gian hàng bày bán sản phẩm của làng đúc đồng Phước Kiều là một trong số ít những gì còn nhắc người ta nhớ đến một thời vàng son, hưng thịnh của làng nghề đúc đồng Phước Kiều.

 

50 - 60 năm trước, cứ vào những dịp hội hè, lễ tết, thợ đúc cồng chiêng Phước Kiều làm không ngơi tay. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Nguyên không quản ngại đường sá xa xôi, qua đèo lội suối xuôi về làng Phước Kiều, chờ đợi cả tháng trời để có được những bộ nhạc cụ ưng ý cho buôn làng mình.

 

Lò đúc đồng Phước Kiều ngày ấy đỏ lửa suốt ngày đêm. Vậy mà bây giờ, lửa lò nguội lạnh, những khuôn đúc lặng lẽ nằm chồng lên nhau ngày này qua tháng nọ. “Sự lụi tàn của làng nghề bởi nhiều nguyên do nhưng chủ yếu là do nạn “chảy máu” cồng chiêng Tây Nguyên mấy mươi năm trở lại đây. Khi đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi, cồng chiêng không còn là vật thiêng trong tín ngưỡng thông dụng” - anh Dương Ngọc Tiển, một thợ đúc cồng trẻ, giải thích.

 

Đồng bào Tây Nguyên giờ treo cồng chiêng lên góc nhà, chẳng mấy khi dùng đến. Khách đặt hàng vắng bóng, làng nghề Phước Kiều vì thế cũng dần mai một. Thợ đúc chuyển dần sang sản xuất hàng đồng, nhôm dân dụng để mưu sinh. Không sống được với nghề, lớp trẻ trong làng cũng thôi mặn mòi với khuôn đúc. Thế nhưng đâu đó, nơi sâu thẳm tâm hồn những người con của làng nghề, máu nghiệp tổ và cái gen di truyền của ông cha hình như vẫn chảy âm ỉ.

 

Không chỉ những nghệ nhân lão làng, ngay cả những người thợ trẻ như anh Dương Ngọc Tiển, Dương Quốc Thuần cũng đau đáu “làm thế nào để làng nghề sống lại?”. Với họ, lửa lò đã nguội lạnh nhưng lửa nghề dường như vẫn chưa bao giờ tắt. Anh Tiển tâm sự: “Nghề của cha ông truyền lại là gia tài quý báu bao đời nay của làng, phận là truyền nhân, mình phải giữ lấy nghề. Nhưng phải có đầu ra thì làng nghề mới được duy trì” .

 

Vậy là họ lên đường, đi khắp vùng Tây nguyên để tìm “mối”. Lớp trẻ đồng bào dân tộc Tây Nguyên cũng không còn mấy người thạo cách chơi loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Những bộ cồng chiêng lâu quá không dùng đến, giờ đã cũ kỹ. Khi người thợ trẻ của Phước Kiều đem cồng chiêng đến, buôn làng Tây Nguyên như sống lại. Họ vây quanh, nhảy múa, vỗ tay theo tiếng nhạc.

 

“Âm thanh hùng vĩ của núi rừng đã thấm trong máu của những người con Tây Nguyên cũng như lửa đam mê nghiệp tổ vẫn âm ỉ trong dòng máu của những cháu con làng Phước Kiều chúng tôi” - anh Dương Quốc Thuần tâm sự.

 

Truyền lửa đam mê

 

Chế tác cồng chiêng cũng tuỳ vào sự ngẫu hứng như sáng tác một tác phẩm nghệ thuật. Một chiếc cồng chiêng có thể hoàn thành trong vài giờ, đôi khi mất hai ba ngày, lâu hay mau tùy thuộc vào ngẫu hứng chỉnh âm.

 

Nhìn anh Thuần xuất thần biểu diễn cồng chiêng trong lúc thẩm âm, miệng nhẩm một điệu nhạc của đồng bào dân tộc, thấy nỗi đam mê lồ lộ thoát ra từ nhân dáng ấy. Khi được gọi là những nghệ nhân, họ đã chối từ “Không, chúng tôi là thợ làng và chỉ mong mỏi một điều là sống được với nghề nghiệp của ông cha”.

Cứ thế, hai anh Dương Ngọc Tiển và Dương Quốc Thuần đi khắp các vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên, từ bản của người Êđê sang bản Raglei, M’nông, đến bản Cơho... Đâu đâu họ cũng được chào đón nồng nhiệt. Những người thợ trẻ làng Phước Kiều lại ắp đầy niềm tin: “Phần “hồn” được chăm chút thì phần “xác” cũng sẽ được trọng dụng. Nghề đúc đồng của Phước Kiều sống rồi”.

 

Từ năm 2005 đến nay, Phước Kiều đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đồng bào Tây Nguyên, rồi của cả đồng bào thiểu số của các bạn Lào, Campuchia cũng đến Phước Kiều lấy hàng. Phước Kiều quả thật đã hồi sinh! Giờ họ lại trăn trở làm sao để có được một lực lượng lớn thợ đúc có tay nghề cao để khôi phục làng nghề.

 

Bây giờ ở làng Phước Kiều, thợ nghề tinh luyện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thợ có trình độ, kinh nghiệm thẩm âm lại càng hiếm. Anh Dương Quốc Thuần là một trong số hiếm hoi ấy. Anh cho hay: “Đúc cồng chiêng không khó mà khó ở giai đoạn căn chỉnh âm thanh. Điều này đòi hỏi ở người thợ Phước Kiều đôi tai tinh nhạy và kinh nghiệm cảm nhận âm thanh. Phải có sự từng trải mới chế tác được âm thanh của loại nhạc cụ độc đáo này ở từng vùng dân tộc: âm Êđê sôi động, tiếng chiêng Bana trầm lắng, điệu nhạc của người Cơho lại khoan thai và đầy ngẫu hứng...”.

 

Ngọn lửa đam mê nghề tổ, anh Thuần đã truyền cho con mình. Gen nghề đã thấm vào máu những người con của làng.

 

Khánh Hiền