1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phục tài của ông thợ sửa xe “quèn”

(Dân trí) - Ông chỉ là thợ sửa xe đạp “quèn” nhưng ai đã gặp một lần cũng cảm nhận được chất nghệ sỹ tuôn trào trong ông, bởi những tác phẩm của ông dù chẳng được các nhà thẩm định đánh giá nhưng lại có giá trị nghệ thuật độc đáo hiếm thấy.

Ông chính là Lê Đàn 57 tuổi, nhà số 60 - Chu Mạnh Trinh - TP Đông Hà (Quảng Trị).
 

Phục tài của ông thợ sửa xe “quèn” - 1

Ông Lê Đàn hiện sống cùng vợ và 3 con. (Ảnh: Ông Lê Đàn và một tác phẩm dùng thư pháp, ký họa lên tranh)

 

Sửa xe đạp làm nghệ thuật

 

Hàng chục năm rồi, dân ở Phường 1-Đông Hà đã quen với người đàn ông sửa xe đạp ở cái quán cóc gần dốc Ma, ven Quốc lộ 9. Hỏi Lê Đàn sửa xe đạp thì ai cũng quen tên nhưng chỉ có những người thân lắm mới biết ông đang sở hữu những tác phẩm “có một không hai”.

 

Rất ít người biết rằng, ông thợ sửa xe đạp ấy từng một thời là “cử nhân hụt” của Trường Đại học Văn Khoa Huế. Vì một trận ốm thập tử nhất sinh cộng với điều kiện kinh tế eo hẹp trong buổi chiến tranh loạn lạc nên việc học hành của Lê Đàn đành bỏ dở từ năm 1974. Ông trở về Đông Hà sửa xe đạp làm kế sinh nhai suốt mấy chục năm.

 

Năm 2000, khi con đã lớn khôn thì ông tính chuyện nghỉ ngơi, thôi không làm nghề sửa xe đạp nữa. Tháng ngày rảnh rỗi, Lê Đàn dành thời gian chú tâm vào “làm một cái gì đó” cho nghệ thuật bởi cái máu nghệ thuật trong người ông trỗi dậy, thúc giục ông mạnh mẽ.

 

Sẵn có chút am hiểu về nhạc từ lâu, ông bắt tay vào viết tập nhạc “14 sợi tơ tình”, lấy cảm hứng từ tập thơ của một người bạn ngày xưa cùng là học sinh trường Nguyễn Hoàng với ông. Tập thơ “Giăng sợi tơ tình” của bạn ông vốn có 23 bài thơ rất hay viết với sự cảm thông sâu sắc cho số phận những người phụ nữ. Chính sự đồng cảm đó đã tạo cảm hứng mạnh mẽ cho ông chuyển thể thành những bản nhạc hiếm thấy. Vốn am hiểu nhạc lý sâu sắc đã giúp Lê Đàn chuyển thể một cách tài tình 14 bài thơ của bạn mình thành tập nhạc mang tên “14 sợi tơ tình”.
 
Phục tài của ông thợ sửa xe “quèn” - 2

Ông Lê Đàn ngồi kể chuyện về tập nhạc 14 sợi tơ tình

 

Mỗi bản nhạc là tiếng lòng của một nhân vật nữ rất bình thường “của mẹ”, “của em” nhưng cũng không kém phần tài hoa “của Kiều”, “của Tây Thi”, “của Chiêu Quân”… Tất cả được Lê Đàn thổi hồn vào bằng tiếng nhạc đồng cảm, sẻ chia với những nữ nhân vật tài hoa xen lẫn chút bạc mệnh mà chính bản thân ông “có phần” trong đó.

 

Không chỉ độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc về nội dung, cái lạ và độc đáo của tập nhạc còn được thể hiện về hình thức. Mỗi nốt nhạc, dòng kẻ, đoạn nhạc được Lê Đàn gửi gắm tâm huyết của một người yêu nhạc và cả tiếng lòng của mình vào đó. Nhìn những bản nhạc sáng ngời được Lê Đàn viết bằng chữ thư pháp, người xem có cảm giác như trước mắt mình là những bức họa nhạc đẹp đến lạ.
Phục tài của ông thợ sửa xe “quèn” - 3

Lê Đàn bên một tác phẩm của mình

 

Đích thực nghệ sỹ

 

“Nghệ sỹ gì cái ông già sửa xe đạp như tôi. Thời gian rảnh rỗi nên tôi bày việc ra làm tìm chút vui thú tuổi già, gần lục tuần rồi còn trẻ trung gì nữa”. Đó là tâm sự chân thật của Lê Đàn khi có người gọi ông là nghệ sỹ.

 

Lê Đàn không chỉ thích nhạc, viết nhạc hay và chơi nhạc giỏi mà ông còn là người có tài ký họa chân dung bằng chữ độc đáo. Lối dùng chữ viết ký họa chân dung bằng chữ đã được Lê Đàn luyện đến mức tài tình. Gặp bất kì người nào, nhìn qua mặt là ông có thể dùng những chữ cái từ tên người đó để vẽ nên bức ký họa chân dung mà vẫn giữ được cái thần của khuôn mặt.

 

Lối ký họa này không chỉ được Lê Đàn thể hiện trên tranh giấy mà ông còn thể hiện cả trên đá cuội. Từ những viên đá bình thường, nét vẽ của Lê Đàn đã biến chúng trở nên thành sống động làm cho không ít người mê mẩn. 100 bức ký họa trên đá theo lối thư pháp là tên các bài hát hoặc một đoạn nhạc nào đó của Trịnh Công Sơn được ông biến thành 100 gương mặt khác nhau.

 

Còn một “thú” củ Lê Đàn nữa chính là làm thơ, viết báo tham gia nhàn đàm trên một số tờ tạp chí. “Điều làm tôi rất vui là bài của tôi được một số tờ tạp chí dù nhuận bút chẳng được mấy đồng. Vui là chính nên thi thoảng tôi lại gửi đi vài bài báo, bài thơ cho các báo như là một trò tiêu khiển vậy”, Lê Đàn tâm sự.

 

Lê Đàn là vậy, chẳng có tật nào nhưng lại lắm tài. Hàng xóm láng giềng vẫn thường được nghe vợ chồng ông nghêu ngao hát nhạc Trịnh trong tiếng đệm ghi-ta của Lê Đàn mỗi khi rãnh rỗi. Buổi chiều đông mưa lạnh, trong căn nhà đang xây dở của Lê Đàn, nhấp ngụm trà nóng và ngồi nghe ông vừa đệm đàn vừa khe khẽ hát Diễm xưa, Lời buồn Thánh, Một cõi đi về…, lòng người sẽ thấy nao nao phiêu hưởng như chính mình lạc bước lãng du giữa dòng đời.

   
 
Văn Được