1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông già siêu linh cho những hài nhi xấu số

(Dân trí) - Nửa đêm, vừa chợp mắt. Điện thoại đổ chuông. Từ đầu dây bên kia, giọng giọng gấp gáp: “Có phải bác Nhạc đó không? Nhờ bác giúp cho...”. Ông già Trần Thanh Nhạc hiểu rằng ông phải đến ngay Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, lại một sinh linh bé bỏng vừa từ giã cõi đời.

Một đêm như bao đêm…

 

Gác máy điện thoại, già Nhạc rón rén từng bước chân, lấy vội cái mũ vải trắng, bộ áo mưa, chiếc đèn pin. Ngoài ngõ, hai người đàn ông đã đợi sẵn. Già Nhạc nói nhỏ: “Các chú đi trước, để tui đến đó bằng xe đạp cũng được” rồi nhảy lên xe, đạp vội về phía bệnh viện.

 

Tại Khoa sản Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, lúc 6 giờ sáng, một sản phụ tên N.T.M. đã sinh ra một bé trai. Nhưng cháu bé không có may mắn được làm người, cháu đã chết lưu trong bụng mẹ.

 

Mười một giờ đêm, nghi lễ khâm liệm bé được bắt đầu. Già Nhạc tay đeo găng, cẩn thận tắm ngũ hoa thơm cho bé. Già đặt hài nhi bé lên mảnh vải trắng, cuốn các góc lại cho phẳng phiu, nhẹ nhàng đặt sinh linh bé bỏng vào chiếc tiểu sành. Giọng trầm lặng, từ tốn, già Nhạc thực hiện nghi lễ cầu nguyện cho linh hồn bé  bỏng…

 

Sau nghi lễ nhập khiêm, sinh linh xấu số được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, cách thị xã gần chục cây số. Giữa đêm khuya, hai người thân dẫn già Nhạc lội bộ, chân lấm đất về với nghĩa trang để tiến hành nghi lễ cuối cùng.

 

Đã sắp sang nhưng thời khắc đầu tiên của ngày mới. Bóng tối bao trùm cả nghĩa địa. Gió rít kéo mưa phùn khiến không khí càng thêm ảm đạm. Già Nhạc cẩn thận bày mâm ngũ quả, hương hoa, gạo muối bắt đầu cho nghi lễ cầu siêu. “Duy thổ công thổ địa, nơi chôn nhau cắt rốn. Duy tổ bà tiên cô, tổ cô thánh mẫu. Cháu  bé... xin được siêu sinh tỉnh độ, siêu thoát, về nơi gần nhất ẩn độ...” - Tiếng già Nhạc thảng hoặc xen lẫn trong tiếng khóc ai oán: “Lá vàng còn ở trên cây...”.

 

Chân dung người đưa tiễn linh hồn trẻ thơ

 

Sinh năm 1942 ở xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, già Nhạc đã có khoảng thời gian 12 năm cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường B5 (Bình - Trị - Thiên). Giải ngũ, năm 1982, người lính bộ đội chuyển về công tác tại khách sạn Giao Tế, thị xã Hà Tĩnh. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông chuyển về Ban quản lý nghĩa trang thị xã. Một cuộc sống thầm lặng đầy ý nghĩa giữa đời thường bắt đầu từ đó.

 

Bên cạnh chăm sóc cho nghĩa trang, người ta thấy ông âm thầm với một công việc đầy thiện nghĩa - siêu linh cho những sinh linh bé nhỏ xấu số. Khó có thể thống kê được già Nhạc đã giúp bao nhiêu gia đình thực hiện nghi lễ cầu siêu, tiễn đưa các thai nhi xấu số về cõi vĩnh hằng, chỉ biết, già đã hóa rất nhiều cuốn sổ trong đó ghi chép cụ thể “thời gian công tác” của mình. “Trung bình mỗi năm, tui phải hóa từ 2 đến 3 cuốn sổ như thế này” - già Nhạc nói, tay chỉ một cuốn sổ đã ghi chép được phân nửa.

 

Tôi lần giở cuốn sổ, chỉ tính từ tháng 9 năm 2005 tới nay, già Nhạc đã đưa không biết bao nhiêu sinh linh bé bỏng về thế giới bên kia. Già cho biết, sở dĩ phải ghi chép cẩn thận sau mỗi lần thực hiện nghi lễ là vì còn phải giúp các gia đình làm lễ cầu siêu và ký gửi ở các ngôi chùa, rồi đến ngày nhã khăn lại có mặt giúp họ thực hiện nghi lễ cuối cùng.

 

Già Nhạc tâm sự: “Có người nghĩ tui kiếm được lắm tiền từ việc này, miệng thế gian bạc bẽo lắm. Nói thật, tui làm như rứa là để cố gắng giúp những gia đình gặp hoàn cảnh éo le giảm bớt nỗi đau. Tôi không đòi hỏi gì nhưng cứ sau mỗi lần giúp, có người biếu chai rượu, gói bánh, có khi là một ít tiền, tùy theo họ nghĩ. Có nhiều trường hợp tui giúp không, miễn là họ cảm thấy nhẹ lòng”.

 

Kết thúc một ngày làm việc, già Nhạc trở về ngôi nhà còn nặng gánh lo toan ở số 63, đường Xuân Diệu, phường Bắc Hà, thị xã Hà Tĩnh. Người vợ kém già 6 tuổi bị một căn bệnh mãn tính, vẫn thường xuyên phải “thăm nom” bệnh viện. Đứa con trai duy nhất thì đã ra đi vì một căn bệnh quái ác...

 

Tiễn tôi về, già nói thêm: “Còn sức, chân còn bước được là tui còn sống với thế giới tâm linh”.

 

Thái Sơn - Văn Dũng