1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nông dân thu lợi lớn từ cánh đồng mẫu lớn

Sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" khởi đầu chỉ với gần 200 ha nhưng đã cho kết quả tốt, ruộng lúa không còn sâu bệnh, đầu ra cho sản phẩm an toàn, hiệu quả và nông dân thu nhiều lợi nhuận.

Sản xuất lúa qui mô nhỏ, năng xuất bấp bênh

Tại Thanh Hóa, bà con nông dân vẫn sản xuất lúa theo qui mô nhỏ. Các kỹ thuật ICM, IPM và SRI... chưa được áp dụng nhiều. Nông dân vẫn áp dụng các chế độ bón phân thiếu cân đối, đạm được sử dụng nhiều hơn mức cần thiết. Nông dân vẫn cấy dày, 40 - 50 khóm/m2 mỗi khóm 2-3 cây đối với lúa lai (40 - 60 kg/ha), 50 - 60 khóm/m2 mỗi khóm 4-5 cây đối với lúa thuần (100 - 120 kg giống/ha).

Sản suất lúa theo qui mô nhỏ lẻ, năng xuất bấp bênh.
Sản suất lúa theo qui mô nhỏ lẻ, năng xuất bấp bênh.

Năm 2005, SRI đã được đưa vào thử nghiệm trên 0.25 ha, năm 2008 trên 40 ha, năm 2012 trên 9.5 ha và 2013 trên 3 ha. Tuy nhiên, chỉ một phần của gói kỹ thuật này được áp dụng như 1 phần của ICM. Giống như ở các tỉnh khác, để áp dụng SRI cần các điều kiện mà hiện nay không thể đáp ứng (đồng ruộng, tưới tiêu, thời tiết...)

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (The World Bank – WB) trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Thanh Hóa đã được chuyển giao và đang áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào xây dựng, trình diễn hệ thống CSA sản xuất lúa và theo hướng cánh đồng mẫu và cây vụ đông tại 2 huyện Thiệu Hóa và Yên Định theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng nước, giảm phác thải và thích nghi BĐKH theo mô hình cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu (climate smart agriculture – CSA).

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nói trên, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thiết kế, xây dựng, trình diễn hệ thống CSA sản xuất lúa và theo hướng cánh đồng mẫu và cây vụ đông tại huyện Thiệu Hóa và Yên Định từ Dự án WB7 gồm: Đánh giá, lựa chọn giống lúa và cây trồng vụ đông thích hợp với điều kiện cụ thể ở địa phương (bao gồm cả việc phân tích mẫu đất, thử nghiệm so sánh, đánh giá một số giống lúa và giống cây trồng vụ đông khác nhau); Hoàn thiện qui trình kỹ thuật canh ICM và kỹ thuật canh tác bền vững khác cho lúa và cây trồng vụ đông trong điều kiện cụ thể tại địa phương bao gồm cả việc phân tích mẫu đất, thử nghiệm so sánh, đánh giá một số kỹ thuật, qui trình kỹ thuật tưới nước và phân bón ... khác nhau).

Hoàn thiện qui trình xử lý, bảo quản, sơ chế sau thu hoạch; Phát triển liên kết bốn nhà; xác định các đơn vị đối tác chính tham gia liên kết 4 nhà; Xây dựng và hoàn thiện qui trình xử lý xác cây trồng và sản phẩm phụ làm thức ăn chăn nuôi, che phủ đất hoặc làm phân bón hữu cơ.

Hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng đồng ruộng (xây dựng hệ thống bờ thửa, hệ thống tưới tiêu, đảm bảo yêu cầu sản xuất theo cánh đồng mẫu); Tăng cường năng lực, sản xuất và cung ứng cây/hạt giống chất lượng của các đối tượng cây trồng (lúa, cây vụ đông); Mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất; Nâng cấp/xây dựng hạ tầng, thiết bị phục vụ bảo quản và sơ chế sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Phát triển cây trồng vụ đông (khoai tây, lạc, rau màu) sau 2 vụ lúa; Tổ chức nông dân sản xuất lúa theo nhóm hộ và hỗ trợ nhóm thực hiện các hoạt động sản xuất theo hướng CĐM; Tổ chức tập huấn cho nông dân áp dựng FFS; Tổ chức các buổi tham quan đồng ruộng để thảo luận hướng tới nhân rộng các thực hành bền vững.

Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Cánh đồng mẫu lớn tại Thiệu Hóa - Thanh Hóa.
Cánh đồng mẫu lớn tại Thiệu Hóa - Thanh Hóa.

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm “Vì chất lượng cuộc sống” mang thương hiệu xứ Thanh, mô hình sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ được triển khai trong vụ Xuân 2016. Tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, chương trình liên kết giữa Công ty đường Lam Sơn với huyện Thiệu Hóa, triển khai tại thị trấn Vạn Hà với diện tích 140 ha, xã Thiệu Đô là 40ha, ngoài ra có gần 20ha là diện tích sản xuất nhỏ lẻ của các hộ gia đình.

Đây là mô hình các địa phương có thể áp dụng, tổ chức liên kết sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng mẫu lớn, theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo tinh thần Nghị quyết 16-NQ/TU của tỉnh Thanh Hóa và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.

Ông Trịnh Đức Hùng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Vụ Chiêm Xuân trồng giống lúa Thiên mưu tám, năng suất bình quân 2016 đạt 71 tạ/ha, được xuất khẩu ra nước ngoài với giá thành gần 40.000 đồng/1kg. Dự kiến vụ mùa sắp tới sẽ đạt năng suất hơn 60 tạ/ha. Mô hình sản xuất lúa được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường; sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ”.

Ngoài mô hình Cánh đồng mẫu lớn của doanh nghiệp hỗ trợ, mỗi xã có một vùng sản xuất liền vùng, đưa các giống lúa có năng suất và chất lượng cao gieo sạ đồng loạt cùng một giống, cùng một cánh đồng, giảm giá thành sản xuất từ 10 - 15 %, giảm thất thoát sau thu hoạch 7%, tăng lợi nhuận từ 10 - 15 % so với sản xuất truyền thống trước đây. Áp dụng cơ giới đồng bộ đã giảm giá thành sản xuất lúa 15 - 20% so với phương pháp trồng trọt truyền thống.

Chính những lợi nhuận và quyền lợi được đảm bảo đã thu hút nhiều nông dân tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Qua tính toán tại các điểm triển khai cho thấy, tại mô hình đã cho hiệu quả cao hơn so với ngoài mô hình từ 4 triệu đến 12 triệu đồng/ha (đối với cây lúa).

Ông Lê Văn Dung, tại Thị Trấn Vạn Hà chia sẻ về mô hình phát triên cánh đồng mẫu lớn.
Ông Lê Văn Dung, tại Thị Trấn Vạn Hà chia sẻ về mô hình phát triên cánh đồng mẫu lớn.

Ông Lê Văn Dung, ở thị trấn Vạn Hà, phấn khởi cho biết: “Tôi tham gia mô hình cánh đồng mẫu được 3 năm rồi, cho lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 20 %. Vụ mùa năm 2016, tôi sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với 3ha lúa giống Bắc Thơm, lúa lai F1, hiện trà lúa phát triển tốt, giai đoạn trổ. Tham gia mô hình này, theo hình thức nhỏ lẻ, hộ gia đình tự sản xuất, chúng tôi được tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng/1ha.

Đánh giá về mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Trịnh Đức Hùng cho biết: “Với kết quả này trong 6 tháng đầu năm 2016, huyện sẽ triển khai mở rộng ứng dụng tại các vùng có diện tích sản xuất lúa. Mặc khác, huyện Thiệu Hóa có diện tích cây vụ đông khá phát triển, như 116ha ngô ngọt, 10ha khoai tây, gần 100ha ớt…; từ đó, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ra các xã có diện lúa gieo khô nhiều; nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân”.

Ngoài hiệu quả kinh tế, thông qua thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, mối liên kết giữa 4 nhà đã tạo sự nhận thức và niềm tin của người nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Người nông dân cũng đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập.

Ông Mai Nhữ Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Nếu thực hiện được mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở xây dựng sự liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp, nhà khoa học. Để tuy là “hộ dù nhỏ nhưng nhờ cùng liên kết để có cả cánh đồng lúa lớn”, cùng canh tác một loại giống hoặc một nhóm giống có chung đặc tính, đồng nhất về mặt chất lượng gạo để có sản phẩm cạnh tranh, sẽ là hướng đi đúng, có ý nghĩa đối với nông dân khi hội nhập sâu hơn”.

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, mối liên kết giữa 4 nhà còn thiếu bền vững, chưa đồng bộ; vai trò của doanh nghiệp trong việc gắn nông dân với thị trường, cung cấp đầu vào, tiêu thụ đầu ra đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu.

Do vậy, nông dân tham gia mô hình chưa nhận được nhiều hỗ trợ đáng kể cả về vốn, phân bón, cây giống, khoa học kỹ thuật và thị trường từ Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Trong khi đó, việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn cũng gặp khó khăn về điều kiện tự nhiện như địa hình không bằng phẳng, khó dồn điền đổi thửa. Chưa hết, vụ đông xuân thường gặp thời tiết lạnh, nhiều sâu bệnh nên nông dân phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật; vụ hè Thu thì bị khô hạn, làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

IPM (Integrated Pests Management) - Hệ thống quản lý dịch hại trong đó căn cứ vào môi trường và các điều kiện sinh thái cụ thể và sự biến động quần thể các loài sinh vật gây hại mà sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp để khống chế quần thể sinh vật gây hại luôn ở mức dưới ngưỡng gây hại kinh tế”.

ICM (Integrated Crop Management) - Quản lý Cây trồng Tổng hợp. Nếu trước đây có các biện pháp Quản lý Dịch hại Tổng hợp (IPM) và Quản lý Dinh dưỡng Tổng hợp (INM) thì hình thức ICM chính là sự kết hợp hài hòa của các biện pháp này.

SRI (System Rice Intensification) - Hệ thống canh tác lúa cải tiến.

Lê Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm