1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi buồn “xóm trọ ung thư”

(Dân trí) - Lẩn khuất trong những khu dân cư quanh viện K (Quán Sứ, Hà Nội) là những xóm trọ dành cho các bệnh nhân của bệnh viện này. Những công dân của xóm trọ, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, nhưng họ đều giống nhau ở cái nghèo, cái khổ, và đều đang bị hành hạ bởi căn bệnh ung thư quái ác.

Những xóm nhỏ đông dân…

 

Xóm trọ này đã có từ rất lâu rồi, nó “ưu tiên” dành cho những số phận bất hạnh, trót gắn cuộc đời mình với căn bệnh ung thư. Những xóm trọ này nằm trong các ngõ tối om và bẩn thỉu. Nơi nào cũng chật chội, đông đúc và tạm bợ bởi kẻ ra người vào, kẻ đến người đi liên tục.

 

Chúng tôi đến thăm xóm trọ của cô N., nó có vẻ “sầm uất” hơn những xóm khác. Ở đây có khá nhiều dịch vụ, từ cơm bình dân, giải khát, áo quần, điện thoại công cộng đến các hiệu thuốc tây nằm la liệt. Ngoài ra, tại đây còn có đội quân “cò mồi” chuyên giới thiệu các “dịch vụ khám, xét nghiệm nhanh, điều trị uy tín, chất lượng do các giáo sư, bác sĩ đầu ngành ung thư đảm nhận”.

 

Vừa bước chân đến đầu ngõ, đã nghe mùi nồng nặc của thuốc tây, mùi hăng hắc của cống rãnh, mùi hôi hám của nhà vệ sinh trộn lẫn mùi bệnh nhân lâu ngày không tắm giặt. Ghé vào phòng trọ đầu tiên, thấy bệnh nhân nằm ngồi ngổn ngang, uể oải, mệt mỏi, không còn sức sống.

 

Căn phòng rộng chưa đến chục mét vuông của cô N. chỉ kê đủ 2 chiếc giường và một chiếc ghế dài, nhưng phải chứa đến 8 bệnh nhân và người nhà. Bước chân lên chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp, trên gác xép cũng có đến mười mấy người đang nằm san sát cạnh nhau. Mấy chiếc quạt lớn, bé hoạt động hết công suất cũng không thể xua tan cái oi bức ngột ngạt, đặc quánh mùi bệnh tật. Xóm trọ chỉ có 4 phòng cho bệnh nhân thuê, phòng nào cũng chật chội và bí bách như thế.

 

Vào bất cứ thời điểm nào, xóm trọ cũng trên dưới 40 người. Ngần ấy con người dùng chung một vòi nước, một nhà vệ sinh. Nhưng để có một cuộc sống tạm như thế, mỗi ngày họ phải trả từ 10-15.000 đồng.

 

... và những thân phận buồn

 

Tôi đến đúng vào lúc một công dân tạm thời của xóm trọ vừa từ giã cõi đời. Không khí xóm trọ nằng nặng, u uất trong tiếng khóc chồng của bà Thu. Đây là lần thứ 5 bà đưa chồng lên viện K điều trị và lần này, chồng bà đã gục ngã. Cách đây 2 năm, bà Thu đã phải chịu mất đứa con gái vào tay thần Chết cũng vì bệnh ung thư.

 

“May mắn” hơn chồng con bà Thu, ông Ðoàn Văn Ðàn (Hà Tĩnh) vẫn đang còn hi vọng sống. Ông ra đây điều trị hai lần, hết hơn 10 triệu đồng. Cả nhà cả cửa chỉ có hai triệu, bà con cô bác cho vay thêm hai triệu, còn đâu mượn ngân hàng. Nhìn bệnh án của ông, người con trai lại thở dài não nề. Anh đang tính xem sẽ kiếm đâu ra tiền cho những lần điều trị tiếp theo của ông.

 

Bà Lan (quê Nam Ðàn, Nghệ An) than thở: Cảnh nghèo tha phương đi chữa bệnh, vậy mà “chó cắn áo rách”. Bà đưa chồng lên khám bệnh, vừa chân ướt chân ráo đến cổng viện thì bị “cò” giả danh người nhà bác sĩ, hứa sẽ lo cho chồng bà trọn gói, rồi lừa mất của bà 4 triệu bạc. “Tui có biết chi mô, tưởng hắn là người nhà bác sĩ thật nên tui tin. Ai ngờ hắn cầm tiền rồi biến mất”. Không có tiền, không người thân quen, chồng chưa kịp khám bệnh, may có mấy người trong xóm trọ thương tình, gom góp được gần 100 nghìn để bà đưa chồng về quê rồi tính tiếp.

 

Trời nhập nhoạng tối, một cụ già nằm bệt trên tấm ván ghép tạm, ho liên hồi. Bên cạnh cụ, chị Mai, con gái cụ, vẻ mặt bơ phờ vì mất ngủ lâu ngày, đang xoa tay bóp chân cho cụ. Cụ quê ở Chí Linh, Hải Dương, là người cao tuổi nhất phòng, năm nay tròn 78 tuổi. Chị Mai cho biết, đây là lần thứ 8 cụ ra viện K điều trị. Năm đầu mắc bệnh, cụ phải ra “thăm” viện tới 5 lần. Sau vài năm bị “cái” ung thư hành hạ, từ một cụ già to khỏe, nặng 60 kg, giờ cụ chỉ còn 38 kg.

 

Phía ngoài xóm trọ tồi tàn, tối tăm là đường Hai Bà Trưng sáng rực ánh đèn, nhộn nhịp người qua lại. Tiếng tấp nập rộn ràng của đời sống át tiếng khóc thương ai oán nơi góc khuất xóm trọ. Không biết, ngày mai xóm trọ ấy lại có thêm bao nhiêu bệnh nhân mới, bao nhiêu người tạm biệt xóm trọ trở về quê, và bao nhiêu người phải ra đi mãi mãi...

 

Phạm Thanh - Hoàng Trâm