1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những bức thư xuyên qua "lửa đạn" và mối tình trọn vẹn của người chiến sĩ cách mạng

(Dân trí) - Trải qua những năm tháng kháng chiến, ông Lê Duy Câu (Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) được điều ra Hà Nội để làm nhiệm vụ bảo vệ thủ đô. Và cũng chính ở nơi đây ông đã tìm được người bạn đời của mình. Những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường khốc liệt, họ phải xa cách trong nỗi nhớ nhung da diết. Lúc ấy, những cánh thư đã trở thành “sợi dây” kết nối tình yêu của ông bà với nhau.

Ký ức một thời

Dù chiến tranh đã đi qua, nhưng những ký ức một thời nơi chiến trường khói lửa vẫn luôn thường trực trong tâm trí vị cựu chiến binh già - Lê Duy Câu. Năm nay ông Câu đã chuẩn bị bước sang tuổi 84 rồi nhưng nhìn ông vẫn còn tỉnh táo lắm, khuôn mặt dù nhăn nheo nhưng ở ông vẫn toát lên vẻ phúc hậu. Nhâm nhi chén trà nóng trong ngày đông lạnh giá, ông kể cho chúng tôi nghe ký ức một thời oanh tạc nơi chiến trường của mình.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất anh hùng thuộc xã Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam, 15 tuổi chàng thanh niên Lê Duy Câu đã xung phong đi bộ đội. Trải qua 3 tháng huấn luyện, Lê Duy Câu được giao nhiệm vụ làm lính trinh sát và điều động vào Đại đội Độc Lập Quảng Nam (Sau đổi thành tiểu đoàn 39) khi ấy có nhiệm vụ đánh chặn viện Pháp (tức đánh quân tiếp viện của Pháp) tại mặt trận Quảng Nam – Đà Nẵng.

Lá thư từ vợ mà ông Lê Duy Câu nhận được khi ở chiến trường
Lá thư từ vợ mà ông Lê Duy Câu nhận được khi ở chiến trường

Nhớ lại những ngày chiến đấu nơi đây, ông Câu tự hào nói: “Khi chiến đấu ở mặt trận nay đã nhiều lần tôi đối diện với kẻ thù, nhưng tôi vẫn nhớ nhất là lần đánh đối diện với một tên lính người Pháp. Lần đó, nếu tôi không kịp thời bắn nó thì nó sẽ bắn mình. Trong giây phút “thập tử nhất sinh” ấy, tôi đã lấy hết can đảm và sự mưu trí để hạ tên lính Pháp, cũng may cú siết cò nhanh chóng và chuẩn xác tôi đã tiêu diệt được tên lính Pháp”.

Rồi ông Câu còn kể cho tôi nghe những ngày tháng gian khổ trên mảnh đất Tây Nguyên gần 10 năm. Giữa chiến trường rừng núi, mọi thứ đều thiếu thốn, ông cùng với đồng đội ở trong rừng thậm chí còn không có quần áo dài mà mặc, mỗi người chỉ có một chiếc quần dài và chỉ khi đi ra ngoài thì mới được mặc.

Đặc biệt, cho đến bây giờ ông Câu vẫn không thể nào quên được chuyện một chiến sĩ bị hổ ăn thịt. Dường như mỗi khi nhớ lại ông vẫn còn hết sức bàng hoàng, ông cho biết: “Khi ấy tôi cùng 2 đồng chí nữa đang làm nhiệm vụ và trú ẩn trong rừng. Biết là trong rừng có nhiều thú dữ nên ba người chúng tôi cũng chặt cành cây làm sàn để ngủ. Nhưng đêm ấy tôi nằm ngoài còn đồng chí Trần Văn Tơ nằm giữa, vậy mà đến đêm khi 3 người đang ngủ thì hổ đến và tha mất người ở giữa. Khi chúng tôi tỉnh dậy mới giật mình đi tìm đồng đội thì thấy một phần thi thể của đồng chí Tơ ở bìa rừng”.

Thiệp cưới đã trở thành kỷ vật của vợ chồng cựu chiến binh Lê Duy Câu
Thiệp cưới đã trở thành kỷ vật của vợ chồng cựu chiến binh Lê Duy Câu

Những năm chiến đấu ở Tây Nguyên, ông Câu đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, bản thân ông nhiều lần được tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năm 1949 ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và chỉ còn mấy ngày nữa là ông Lê Duy Câu đón nhận danh hiệu 65 năm tuổi Đảng. Ông mừng rỡ khoe: “Bao nhiêu năm lên rừng xuống bể tưởng rằng đã hy sinh trong chiến trường, vậy mà vẫn sống đến ngày hôm nay, lại còn chuẩn bị được đón nhận danh hiệu mà Đảng trao tặng mừng lắm cô chú ạ”.

Mối tình với thiếu nữ Hà Thành

Đến năm 1954, ông Lê Duy Câu được điều vào trung đoàn 94, đây là trung đoàn kế thừa đội du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi). Đơn vị ông có nhiệm vụ tập kết bảo vệ thủ đô Hà Nội. Đưa ánh mắt sang người vợ yêu thương, ông cho chúng tôi biết, cũng nhờ làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô mà ông đã có cơ hội gặp được một nửa của mình và gắn bó hết cuộc đời với mảnh đất thủ đô anh hùng.

Kể về lần đầu tiên gặp được người mình yêu ông Câu nhớ lại: “Năm 1961, tôi được đơn vị cho đi học Sĩ quan Lục quân ở Sơn Tây, được sự giới thiệu của một người bạn mà tôi đã gặp bà Cao Thị Huyên ở Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội. Lần đầu được gặp cô thiếu nữ gốc Hà Nội, trái tim tôi như bị “sét đánh”. Vậy là, cứ vào dịp cuối tuần tôi lại đạp xe 30 cây số từ Sơn Tây đến Hoài Đức để thăm bà ấy. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi quyết định ngỏ lời nhưng đã bị bà từ chối. Khi bị từ chối, tôi rất buồn nhưng vẫn hy vọng một ngày nào đó bà ấy sẽ mở lòng nên vẫn tiếp tục theo đuổi”.

Vợ chồng cựu chiến binh Lê Duy Câu
Vợ chồng cựu chiến binh Lê Duy Câu

“Thật ra lúc đầu tôi cũng không đồng ý lấy ông ấy đâu vì khi ấy tôi mới 19 tuổi còn ông đã ngoài 30. Nhưng về sau tôi biết được quê ông ở tận Quảng Nam, ở đây chỉ có một thân một mình, những ngày cuối tuần người ta có nhà về còn ông cứ ra gốc đa ngồi một mình. Nghe mọi người kể lại về ông như vậy tôi thấy thương vô cùng. Hơn nữa sau một thời gian tiếp xúc tôi cũng thấy ẩn trong sự kiên nghị, đôi khi nóng tính lại là con người hiền lành, chịu thương chịu khó và sống hết sức tinh cảm nên đã đồng ý lấy ông ấy sau 1 năm gặp mặt”, bà Huyên nhớ lại.

Một đám cưới hết sức đơn giản nhưng thật ấm cúng được diễn ra vào năm 1962, ông Câu nói: “Ngày đấy nghèo lắm, khi cưới mọi người gom góp cho được 500 đồng, rồi người cho cái áo, người cho cái quần và ít gạo liên hoan”. “Vợ chồng đã nghèo còn nhiều cái trớ trêu, đơn vị cho mượn túp lều để khi cưới ở tạm, vậy mà trước khi cưới túp lều ấy đã bị chập điện cháy rụi”, ông Công ngậm ngùi. Vậy là khi cưới xong bố vợ ông phải cho vợ chồng ông một túp lều ở gần nhà, chung quanh dột nát, thậm chí chiếc giường cưới của ông bà còn bị gãy một chân.

Cưới vợ xong ông Câu lại tiếp tục phải đi làm nhiệm vụ cứ một vài năm ông mới được về một lần, ông phải vào Nam để tham gia giải phóng miền Nam, rồi lại tham gia chiến tranh biên giới. Mãi đến khi hòa bình lập lại ông Câu mới được về với gia đình và sau đó công tác tại Tổng Cục Hậu Cần rồi được giao làm chủ nhiệm kho 206 (Sau đổi tên thành kho 207 – 212), đến 1989 thì ông về hưu.

Tâm sự với chúng tôi vê những ngày vợ chồng chia cách, ông Câu chia sẻ: “Vợ chồng mới cưới mà đã phải xa nhau chúng tôi cũng buồn lắm. Khi ấy phương tiện liên lạc không thuận tiện như bây giờ vì vậy chúng tôi chỉ có thể thông tin với nhau qua những bức thư. “Ngày ấy hầu như tháng nào tôi cũng viết thư về cho vợ, vợ tôi cũng vậy, nhưng trong chiến tranh thì việc chuyển thư từ ở những nơi xa xôi hết sức khó khăn và thất lạc. Nên cứ mấy tháng vợ chồng tôi mới nhận được thư từ của nhau. Cũng có những cặp vợ chồng vì không nhận được thư của nhau mà vợ ở nhà đi bước nữa vì tưởng chồng đã hy sinh, điều này cũng không trách được vì chiến tranh mà”.

“Thật ra khi ở xa, phương tiện không có nên cái quan trọng nhất là vợ chồng phải có niềm tin ở nhau, chờ đợi nhau. Vợ tôi đã làm được điều này và tôi luôn thầm cảm ơn bà ấy vô cùng”. Ông Câu nhìn vợ trìu mến nói: “Tôi vẫn còn nhớ một bức thư hết sức tình cảm mà vợ đã viết cho tôi khi ở chiến trường rằng: “Anh yêu và thương của em! Hôm nay đang ngồi giã bột để nấu cháo cho cháu Quang thì nhận được thư của anh. Anh ơi! Sao từ lúc nhận được thư của anh đến nay không một lúc nào em không nghĩ đến anh và em lại ứa hai hàng nước mắt… Em chỉ ước gì trông thấy anh ngay bây giờ…Lúc đọc được lá thư này tôi lại bật khóc vì thương vợ”.

Thanh Trần

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm