Người săn câu trả lời từ lòng đất

(Dân trí) - Tiến sĩ Đặng Của, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoan - Khai thác dầu khí là một trong số những nhà địa chất hàng đầu của ngành Địa chất Việt Nam. Từ một thanh niên học hành dang dở, bằng nghị lực của mình, chàng trai Bình Định tập kết ra miền Bắc đã trang bị cho mình một khối lượng kiến thức phong phú, khiến chuyên gia địa chất nổi tiếng của Liên Xô giáo sư Filatov.B.C cũng phải trọng nể. Ông được mệnh danh là “người săn câu trả lời từ lòng đất”.

Báo hiệu một tiềm năng sáng tạo

 

Năm 1955, đang học dở dang tại trường Lê Khiết chi nhánh Bình Định, Đặng Của được đưa ra miền Bắc tập kết. Niềm vui “được sống trong lòng miền Bắc” không thể khỏa lấp nỗi nhớ nhà cháy bỏng trong trái tim chàng trai làng Nho Lâm, Phước Hưng, Tuy Phước, Bình Định. Đứa con “ngày Bắc đêm Nam” khi ấy không còn cách nào khác là lao vào học tập và lao động vừa để quên đi nỗi nhớ nhà vừa với một động cơ rất đơn giản rằng, nếu làm được càng nhiều việc thì đường về quê nhà càng gần.

 

Cuối năm đó, Đặng Của cùng với một số thanh niên miền Nam được động viên đi tìm tài nguyên cho đất nước. Lên Cao Bằng, nhờ “lý lịch trong sáng”, Đặng Của được chuyển sang bộ phận lấy mẫu, nghĩa là được sử dụng máy khoan đập. Ngày đó, tinh thần cảnh giác với hành động phá hoại của địch được đưa lên rất cao và để ngăn chặn sự phá hoại của “các phần tử xấu”, những người được phân công trực tiếp sử dụng máy móc phải có lý lịch trong sáng, thành phần cơ bản, thường là con em các gia đình cách mạng, không dính líu gì đến địa chủ, đế quốc... Việc vận hành máy khoan do chuyên gia Liên Xô Voronov trực tiếp hướng dẫn.

 

Cuối năm 1956, Đặng Của được điều sang Lào Cai làm tổ trưởng tổ khoan. Tại đây, ông nổi tiếng với mũi khoan xiên 45 độ mà khi ấy, chưa ở đâu áp dụng cách khoan này. Nhờ có sự sáng tạo đó, ông và các đồng nghiệp đã tìm ra một vỉa apatit bằng cách tiết kiệm rất nhiều kinh phí cho nhà nước. Đây là sáng kiến đầu tiên của Đặng Của, báo hiệu tiềm năng sáng tạo của một nhà kỹ thuật địa chất tương lai.

 

Năm 1959, Đặng Của dược cử về Hà Nội tham dự Đại hội Công Nông Binh, được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn Huân chương Lao động hạng Nhì và hỏi: “Có vất vả lắm không” thì Đặng Của bật khóc. Anh khóc không phải cho riêng mình mà cho cả những anh em, bè bạn cùng cảnh ngộ.

 

Anh công nhân viết sách... đại học

 

Đại hội kết thúc, Đặng Của không trở lại đơn vị mà được điều về Cẩm Phả để xây dựng đội khoan đầu tiên cho vùng mỏ. Ngày đó, do điều kiện kinh tế cũng như sự hiểu biết về kỹ thuật còn non kém nên khi khoan, không sử dụng dung dịch để bơm vào lỗ khoan mà chỉ dùng nước lã. Vì tỉ trọng nước thấp nên không đẩy được mùn khoan lên, do đó lỗ khoan thường hay bị kẹt. Sau nhiều đêm trăn trở tìm tòi cộng với việc tham khảo tài liệu, Đặng Của quyết định sử dụng đất sét ở mỏ Giếng Đáy (một loại đất sét chất lượng rất cao) làm dung dịch khoan. Từ đó, mùn được đẩy lên hết, mũi khoan rất ít khi bị kẹt.

 

Điều thú vị là nhờ những bài học đúc rút từ thực tế, Đặng Của đã viết tổng kết thành hai tập sách, mỗi tập dày cả trăm trang. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về đề tài khoan và thăm dò địa chất của một tác giả người Việt mới 22 tuổi mà chưa qua bất cứ một khóa đào tạo cơ bản nào.

 

Đặng Của kể rằng cuốn sách sau này còn được dùng như là một “cẩm nang” cho sinh viên, thợ khoan lành nghề và những năm gần đây, nó vẫn còn được dùng làm tài liệu ở trường đại học.

 

“Mưu đồ” của một nhà khoa học

 

Năm 1963, Đặng Của được cử đi du học tại Trường Đại học Dầu khí Matxcơva. Suốt 4 năm theo học, năm nào Đặng Của cũng là sinh viên xuất sắc. Năm 1967, Đặng Của đoạt Giải nhất tại cuộc bình chọn của Hội nghị khoa học dầu khí MAX với đề tài “Thời điểm dừng khoan hợp lý nhất”. Đây là giải thưởng duy nhất của một sinh viên nước ngoài về đề tài này đồng thời như một sự dự báo về tố chất của một tư duy khoa học tương lai.

 

Luận văn tốt nghiệp “Thiết kế giếng khoan tìm kiếm, thăm dò ở độ sâu 4.200m” của Đặng Của đã được giáo sư Filatov.B.C, một trong số các chuyên gia hàng đầu thế giới về khoan sâu và nổi tiếng về sự kỹ tính đã nhận xét: “Kết quả phân tích, nghiên cứu đã đề xuất ra các yếu tố kỹ thuật rất hợp lý, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi triển khai. Luận văn chứng tỏ sự chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc và nhất là tính sáng tạo của tác giả. Tôi đánh giá rất cao luận văn này”. Những đánh giá của Giáo sư Filatov như một động lực để Đặng Của dồn hết tâm huyết cho “mưu đồ” khoan một mũi khoan sâu đầu tiên ở Việt Nam.

 

Giếng khoan thông số số một

 

Về nước, Đặng Của được giao nhiệm vụ Phó Liên đoàn Địa chất 36 phụ trách kỹ thuật khoan. Việc khoan sâu rất phức tạp vì nó là tổng hợp của nhiều lĩnh vực như địa vật lý, trọng lực, địa chấn... đồng thời rất tốn kém, thường chiếm trên 90% toàn bộ kinh phí thăm dò nên việc đặt mũi khoan ở đâu có hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tính toán, các nhà địa chất đề xuất đặt mũi khoan tại khu vực hai làng Tăng - Khuốc - Đông Hưng - Thái Bình.

 

Ngày khởi công, đoàn phó Đặng Của vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ước vọng bao nhiêu năm được trực tiếp thi công một mũi khoan sâu của mình nay đã thành hiện thực. Lo vì  đây là mũi khoan đầu tiên trên thềm lục địa Việt Nam nên hầu như tất cả đều phải mò mẫm. Các thông số như nhiệt độ, áp suất vỉa... đều chỉ dựa trên nghiên cứu lý thuyết. Các yếu tố kỹ thuật như tốc độ vòng quay, tỉ trọng dung dịch, tải trọng... đều dựa trên những phán đoán, những linh cảm khoa học.

 

Công việc tiến hành suốt từ cuối năm 1970 đến đầu năm 1972 mới hoàn thành, trong điều kiện hết sức khó khăn về nhiều lĩnh vực, lại vừa làm vừa phải chạy máy bay Mỹ. Anh em công nhân làm việc hết sức cực nhọc và đặc biệt là thiếu thốn về vật chất. Thương anh em lao động vất vả lại đói triền miên nên cứ mỗi lần từ Hà Nội xuống Thái Bình, Đặng Của lại “thủ” của nhà khi thì chai nước mắm, khi thì mấy cân gạo xuống cho anh em công nhân.

 

Sau hơn một năm miệt mài lao động với biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy (có lần bom Mỹ nổ cách giàn khoan chưa đầy 500m), mũi khoan sâu đầu tiên ở thềm lục địa Việt Nam đã hoàn thành ở ngưỡng 3.303m. Tuy không đạt được hiệu quả mong muốn là phát hiện dầu khí nhưng “giếng khoan thông số số 1” được coi là thành tựu đặc biệt bởi nó đã trả lời một loạt các câu hỏi như tính chất đất đá của châu thổ sông Hồng; các thông số nhiệt độ, áp suất vỉa; cảnh báo những phức tạp của địa tầng và một điều vô cùng quan trọng là từ giếng khoan này đã tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân được tiếp cận với công nghệ khoan sâu để từ đó, đúc rút kinh nghiệm và trưởng thành.

 

Sự trùng hợp kỳ lạ

 

Có hai sự kiện ngẫu nhiên nhưng đầy ý nghĩa với ngành dầu khí Việt Nam. Ngày 18/3/1975 là ngày mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh thì cũng là ngày phát hiện ra dòng dầu khí đầu tiên ở Tiền Hải (Thái Bình). Dù ngọn lửa chỉ bùng lên mấy phút nhưng đã khẳng định điều mà từ lâu, cả nước mong đợi: Việt Nam có mỏ dầu khí.

 

Rồi đúng 9 năm sau ngày thống nhất, 20 giờ ngày 30/4/1984, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhaiin Mirchink phát hiện thấy tầng dầu ở ngoài khơi biển Vũng Tầu.

 

Với tư cách Vụ trưởng Vụ khoan - Khai thác và Thiết bị dầu khí đồng thời là người trực tiếp giám sát thi công giếng khoan ở mỏ Bạch Hổ, Đặng Của đã ghi lại cảm xúc của mình: “Giây phút này, chúng tôi, những người làm kỹ thuật không khỏi xúc động”.

 

Và phút ngủ quên “làm nên lịch sử”

 

Bạch Hổ là mỏ dầu khí lớn nhất của ta cho đến thời điểm này. Sau hơn 20 năm khai thác, mỏ đã đạt sản lượng trên 200 triệu tấn. Tuy trữ lượng hiện không còn ở thời kỳ đỉnh điểm và đang có xu hướng giảm dần nhưng theo dự tính, Bạch Hổ sẽ tiếp tục được khai thác đến năm 2020.

 

Thế nhưng việc phát hiện ra mỏ Bạch Hổ lại... hết sức tình cờ, ngoài cả nghiên cứu của các nhà địa chất. Để làm rõ điều này, xin được trình bày đôi nét hết sức sơ lược về địa chất và sự hình thành của dầu - khí qua những kiến thức mà người viết bài này thu nhận được từ một số nhà địa chất (vì thế mà không khỏi đôi khi ấu trĩ).

 

Về địa chất, bề mặt trái đất được chia thành ba lớp chính. Trên cùng nơi con người sinh sống là lớp trầm tích, lớp thứ hai là lớp vỉa và lớp thứ ba là lớp móng. Lớp móng cấu tạo đông đặc, rất rắn chắc.

 

Về sự hình thành dầu khí, ngoài các yếu tố áp suất, nhiệt độ, môi trường... thì ba yếu tố cơ bản không thể thiếu để hình thành một mỏ dầu khí đó là tầng sinh, tầng chứa và tầng chắn. Dầu - khí được sinh ra từ tầng sinh, sau đó di chuyển gặp vùng đất đá xốp, có nhiều khoang rỗng (tức là tầng chứa) rồi để giữ dầu tập trung ở lại một địa điểm và có áp suất, phải cần có một tầng đất sét dày chắn lại (tức là tầng chắn). Nếu thiếu một trong ba yếu tố trên, hoặc không có dầu, hoặc có nhưng tản mát và cuối cùng là dẫu có cũng không thể khai thác được do không có áp suất. Với những đặc trưng trên nên mỏ dầu - khí không thể có ở tầng móng và tất cả các giếng khoan trên khắp thế giới từ trước đến nay khi đã chạm vào lớp móng là cho dừng ngay.

 

Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Người trực ca khoan hôm đó không biết trời xui đất khiến thế nào mà... ngủ quyên. Khi anh ta tỉnh dậy, mũi khoan đã vượt vào lớp móng trên 100m. Lúc này, bỗng xảy ra hiện tượng mất dung dịch. Đây là tín hiệu vô cùng vui mừng đối với những nhà thăm dò dầu khí bới nó báo hiệu hiện tượng có mỏ.

 

Gần đây, một hội thảo quốc tế được tổ chức ở Vũng Tầu về hiện tượng có một không hai trên thế giới này nhưng được biết những câu hỏi như dầu  khí được hình thành ở đâu? Từ đâu di chuyển đến? Tại sao lại tồn tại ở tầng móng?... vẫn còn bỏ ngỏ. 

 

Một số công trình khoa học của tiến sĩ Đặng Của

 

1. Hoàn thiện chế độ khoan các giếng khoan thăm dò dầu khí (cùng với Trương Thiên) - 1983.

 

2. Sử dụng choòng khoan kim cương ở vùng trũng Hà Nội (cùng Bùi Văn Tình) - 1985.

 

3. Nghiên cứu giảm nhẹ cấu trúc giếng khoan khai thác các mỏ khí tại mỏ Tiền Hải C với việc sử dụng cần khoan thải loại để làm cột chống - Đồng tác giả - Đề tài cấp Nhà nước - 1986.

 

4. Nghiên cứu công nghệ chế độ khoan tối ưu cho những giếng khoan sâu tới 5.000m trong điều kiện dị thường áp suất và nhiệt độ cao - Trương Thiên và các đồng tác giả - Đề tài cấp Nhà nước - 1986.

 

5. Nghiên cứu tính chất cơ học và tính chất mài mòn của đất đá để ứng dụng vào công tác khoan ở vùng trũng Hà Nội - Cùng Trương Thiên - 1987.

 

6. Công nghệ thi công các giếng khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí ở bồn trũng phía Nam - Bồn trũng sông Hồng, Bồn trũng sông Cửu Long và bồn trũng Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam - đồng tác giả - 1993.

 

7. Tổng hợp, đánh giá công nghệ thi công các giếng khoan giai đoạn I  - Đề án mỏ Đại Hùng - Đồng tác giả - 1995.

 

Bùi Hoàng Thiên Vân