1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Nghề “tân trang nhan sắc” trên trời

(Dân trí) - Tôi phải ngửa mặt đến... rơi mũ mới nhìn thấy bốn “người nhện” bé bằng... nắm đấm đang lơ lửng giữa không trung. Đó là bốn công nhân đang sơn tường bên ngoài khu nhà cao 28 tầng trên phố Láng Hạ. Tò mò, tôi đề nghị được thử một chuyến “hạ sơn” bằng cái cách mà các “người nhện” đang thực hiện…

Cứ tưởng đơn giản, nào ngờ khi đã nai nịt gọn gàng, ngó xuống từ tầng thứ 28 tôi bỗng thấy lạnh sống lưng, mồ hôi tay, mồ hôi chân, mồ hôi trán không biết từ đâu cứ túa ra.

Nghề của những cái “đầu thép”

Hải, một “người nhện” quê Thanh Hoá, năm nay mới 23 tuổi nhưng đã có 5 năm làm nghề này thoăn thoắt thắt dây an toàn vào ngang lưng, đầu dây còn lại buộc vào chiếc dây chão to như cổ tay được thả từ trên tầng thượng xuống rồi ghé mông ngồi vào chiếc “ghế nóng” cũng được buộc một cách điệu nghệ vào chiếc chão đang lủng lẳng bên ngoài cửa sổ tầng thứ 28.

“Ghế nóng” được hàn, ghép bởi những thanh sắt vuông vừa đủ chỗ cho một “người nhện” ngồi, xung quanh treo lủng lẳng hai, ba thùng sơn và mấy chiếc chổi lăn sơn. “Hẹn gặp lại dưới đất”, Hải chào tôi rồi kéo nhẹ chiếc cần gạt, nút buộc ở dây chão nới ra, “ghế nóng”, tụt xuống khoảng nửa mét và Hải bắt đầu công việc sơn tường của mình.

Tôi thò đầu ra ngoài xem Hải làm việc. Ở độ cao này, sức gió mạnh khủng khiếp, chiếc dây chão thả dọc theo tường cứ đung  đưa, chao động đến cả mét. Thỉnh thoảng, gió mạnh khiến chiếc “ghế nóng” quay tròn một hai vòng. Lúc đó, tôi thấy Hải chới với đôi chân trông như một phi hành gia vũ trụ trong môi trường không trọng lượng.

Vậy mà đôi tay Hải vẫn thoăn thoắt đưa đi đưa lại, những mảng tường thô ráp bỗng chốc trở nên sống động. Những ngọn gió thổi vù vù bên tai, quất vào mặt, tôi rùng mình vì lạnh và cả vì cái cảm giác chông chênh ở cái độ cao ghê gớm này.

Hơn một giờ đồng hồ sau, tôi gặp lại Hải ở... dưới đất, thế là cậu ta đã hoàn thành một vệt sơn tường với độ cao cả trăm mét. Kể về nghề của mình, Hải tâm sự: Trước đây em làm phụ nề, chuyên đi “điếu đóm” cho các thợ chính. Một lần tổ sơn thiếu người, em được điều sang làm thử, và từ đó em ở lại hẳn tổ sơn. Công việc vất vả nhưng thú vị. Cái thú ở đây theo như lời Hải là được cảm nhận cái cảm giác phóng túng, khoáng đạt giữa không trung lộng gió.

Nghề “tân trang nhan sắc” trên trời - 1
  

Tuy nhiên nguy cơ “tử vì nghiệp”
lúc nào cũng rình rập

Cái nghề “người nhện” này thoạt nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế chẳng đơn giản chút nào. Để được tuyển vào làm việc ở đây, yêu cầu đầu tiên phải có sức khoẻ và bộ thần kinh thép: “Ở dưới nhìn lên thì thấy bình thường, nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh để ngồi vào cái “ghế nóng” này chứ chưa nói gì đến làm việc”.

Dũng, một “người nhện” cùng tổ với Hải cho biết: Có lần một thanh niên to con, trông rất hầm hố đến xin học nghề. Cả đội cứ tưởng sẽ có một đồng nghiệp ra hồn nào ngờ chỉ đứng trên tầng 28 nhìn xuống một lúc, anh ta đã chuồn thẳng không một lời từ biệt. Tôi hiểu lời tâm sự của Dũng bởi chính tôi vừa từ chối cái “quyền” được làm người nhện, dù chỉ là “thử” trong vài phút.

Không được một lần sơ sẩy

Có lẽ ít nghề nào mà công việc thực tế là lao động chân tay 100% nhưng khi tuyển dụng lại đòi hỏi đến cái... đầu. Anh Hà, quản lý một tổ sơn tường thuộc Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội khẳng định: Làm nghề này khi tuyển dụng phải kiểm tra thần kinh, không chỉ có sức khỏe tốt mà phải có thần kinh thật vững mới làm việc được”.

Kẻ thù lớn nhất của các “người nhện” là chính mình. Ở môi trường làm việc khắc nghiệt như vậy, chỉ một thoáng sợ hãi, một chút rụt rè là không thể làm việc được, một lần không vượt qua được chính mình thì chỉ còn cách bỏ nghề hoặc... bỏ mạng. Đây là cái nghề không được sơ sẩy, dù chỉ một lần.

Quả là nếu thần kinh không vững thì khó có thể làm việc được ở cái nơi mà trong đầu luôn có cảm giác mình chỉ như chiếc... lá vàng, mà lá vàng thì có thể rụng bất cứ lúc nào. Đứng trên cao nhìn xuống, chiếc xe container to đùng là vậy mà chỉ như chiếc xe đồ chơi đang di chuyển trên đường mới thấy mình nhỏ nhoi.

Công việc thì khó khăn, nguy hiểm nhưng “đồ nghề” của những “người nhện” này lại cực kỳ đơn giản. Chỉ vào đống dây chão to tướng đang chuẩn bị thả xuống dưới, anh Hà giải thích với tôi: “Nghề này chủ yếu là con người, chứ dụng cụ thực sự chẳng có gì, chiếc ghế sắt chuyên dụng tự chế, sợi dây chão đặt mua tại các cửa hàng bảo hộ lao động có chứng nhận, thế là xong”.

Có lẽ chỉ có cái qui trình để bắt đầu công việc là có vẻ hơi phức tạp. Anh cho biết: “Trước khi “người nhện” leo dây, phải có người quản lý để theo dõi, kiểm tra kỹ dây chão, thắt lưng an toàn, đặc biệt là nơi định vị đầu dây chão trên nóc tầng thượng. Khâu đảm bảo an toàn cho người nhện là rất quan trọng, vì nó còn ảnh hưởng  đến tâm lý người thợ”.

Anh Phan Văn Long, cán bộ kỹ thuật chuyên về lắp máy, Tổng Công ty lắp máy LILAMA, một chuyên gia trong lĩnh vực “trèo cao, leo sâu” để lắp máy khẳng định: “Với chúng tôi, công nhân phải làm việc từ độ cao 20m trở lên đều phải có giấy chứng nhận sức khoẻ vì đây là môi trường làm việc khá đặc biệt, chỉ sơ sẩy một chút là gặp hoạ ngay”.

Yêu cầu về sức khỏe, thần kinh đối với người nhện cao như vậy nên độ tuổi chủ yếu của những công nhân làm nghề này chỉ khoảng từ 20-40 tuổi.

Chia tay những người nhện, tôi muốn chụp vài kiểu ảnh về những người có bộ thần kinh thép, vậy mà thuyết phục cỡ nào cũng không nhận được sự đồng ý, “Đừng đưa em lên báo, bạn gái em mà biết sẽ bắt em bỏ nghề mất”. Hoá ra những “người nhện” có bộ thần kinh thép này có thể chinh phục độ cao, vượt qua chính mình nhưng lại không vượt qua được nỗi sợ hãi cố hữu của đàn ông... sợ vợ.

Đức Hoà