1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Nghề chế biến đất ... ăn!

Người làng tôi hay đùa, người ấy người nọ mà cứ dại dột như thế thì có ngày "đi ngủ với giun", đi "ăn đất" - nghĩa là chết toi! Khi mà xã hội có ngày càng nhiều những người tham nhũng, lừa lọc nhau qua những khoảnh đất - đôi khi báo chí gọi đó là bè lũ... "ăn đất".

Nhưng, ngày 7/5/2005 vừa qua, tại thị trấn Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, tôi đã chứng kiến cả một nghề chế biến đất đồi đất ruộng để ăn vào miệng theo đúng nghĩa đen của những từ này.

 

Điều quan trọng là, bà con ăn chân thành, ăn một cách thèm thuồng và hoan hỉ chứ không phải ăn theo kiểu thách nhau "đố mày dám ăn"...

 

"Ăn đất thì có gì mà lạ hả các cháu?"

 

Nghề chế biến đất ... ăn! - 1
  

đất ăn được cắt ra như cái

kẹo cho vừa miệng

Nguồn tin của tiến sĩ Nguyễn Văn Việt - nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, rằng dự kiến trong năm 2005 này, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ ngồi lại trong một hội thảo quy mô về tục ăn đất và nghề chế biến đất ăn ở Việt Nam, đã làm chúng tôi hơi giật mình.

 

Tôi gặng hỏi tới 3 lần, bởi cứ ngỡ ông nói đùa cho vui. Hoá ra ông đã sưu tầm được những miếng đất mà nhiều cộng đồng người dùng để ăn ngon lành như ăn kẹo, như ăn sôcôla, như ăn cơm tẻ thật. Có tài liệu trích từ trong "Lĩnh Nam chích quái" và một số nhà khoa học Việt Nam từng công bố chính thức về vấn đề này hẳn hoi.

 

Người Pháp trước đây cũng đã từng đem những mẫu đất mà nhiều vùng quê ở Việt Nam bà con vẫn dùng để ăn ấy về "chính quốc" phân tích, nghiên cứu. Bản thân TS Việt cũng đã mời các chuyên gia hoá học, dinh dưỡng học, các chuyên gia khoáng sản, các nhà dân tộc học... cùng tìm hiểu vấn đề này. Hoá ra, đó không chỉ là những câu chuyện lạ cá biệt xảy ra ở một vùng quê nào trên đất nước ta - "tục" ăn đất  là cả một vấn đề khoa học, có tính phổ biến tương đối và việc bỏ công nghiên cứu nó sẽ không đơn giản chỉ góp phần giải mã những sự thực khó hiểu của "tục lệ" này ở nhiều vùng nông thôn...


Lần theo các địa chỉ có nghề chế biến đất ăn và ăn đất rất phổ biến đó, chúng tôi có mặt ở thị trấn Lập Thạch. Khi hỏi những người ăn đất sống ở đâu, chúng tôi đều nhận được câu trả lời, "ôi trời, cả làng cả nước đều ăn ấy mà, thế chú muốn gặp ai".

 

Nhiều người trông cái vẻ nhà báo của chúng tôi, họ nói rất nghiệp vụ "chuyện ăn đất thì có gì mà lạ để phải viết báo hả các cháu?". Bà Nguyễn Thị Lạc, 81 tuổi, nhà ở phía sau đài liệt sĩ huyện, cách UBND thị trấn chỉ độ 300m thế mà trông "cổ điển" như bước ra từ mấy thế kỷ trước. Cả cái xóm ven đường nhựa thị trấn này cũng gò đồi cổ kính đến mức... chỉ dăm người khách lạ đến là bà con đã kéo đến chật sân nhà bà Lạc.

 

Mấy cụ già răng đen nhánh, mặc áo nâu sồng, ngồi gọt đất ăn ngoài hiên nhà cho chúng tôi ăn...; cứ lẩm bẩm "ăn đất thì có gì mà lạ nhỉ, cả làng cả nước đều ăn, tôi ăn cả đời đến giờ sắp về với ông bà ông vải rồi có thấy gì lạ đâu?".

 

Bà Lạc, với tất cả sự hồn nhiên và lòng tốt của mình đã dùng dao cạy được một miếng đất rất ngon ở quả đồi cạnh nhà mình rồi bằng mọi giá bắt tôi: "Nếu nhà báo quý bà thì phải ăn một miếng cho bà vui. Bà nói thật, ăn nó dẻo và béo lắm. Chỉ sợ ăn rồi nghiện, tuần nào cũng lên nhà bà đòi ăn thôi". Bà lại cười giòn tanh tách, hàm răng đen nhánh. Tôi cũng bỏ một miếng to tày cục phấn viết vào miệng và... trệu trạo nhai. Cũng không đến nỗi không ngon.

 

Bạn tôi nhắm mắt nhắm mũi nuốt xong miếng... đất, có vẻ lo lắng: "Ăn thế này thì hỏng hết ruột". Bà Lạc thở dài: Gớm ông Lực nhà tôi trước kia cũng cấm tôi ăn đất, vì sợ hỏng hết tim gan phèo phổi. Thế mà tôi ăn mấy chục năm nay giờ tôi vẫn khoẻ thế này. Tôi đi ra chợ, chợ bán đến mấy chục hàng đất ăn (bà con gọi là "ngói ăn"). Mỗi buổi đi chợ, tôi cứ mua độ 3 lạng, nhét trong túi áo, trên đường về, tôi vừa đi vừa "nhặt" (tức là nhặt trong túi ra bỏ vào miệng ăn) - thế mà cứ về đến nhà là cấm có còn viên nào! Có hôm thèm quá, chưa đến phiên chợ, tôi chạy vội ra đồi nhặt đất về tự hun (nướng) lên mà ăn. Ngon lắm. Nhất là những lúc đi qua các khu người ta nung gạch (cũng là đất nướng) tôi thèm "ngói" không chịu được, cứ nuốt nước bọt...

 

Bây giờ, số người lành nghề trong việc lên đồi lấy đất, chế biến, rồi hun đất thành ngói ăn được như bà Lạc không còn nhiều; số người hào hứng ngồi nhặt đất hun khói ăn ngon lành như chúng tôi vừa chứng kiến hôm 7.5 không phải là phổ biến lắm. Nhưng, một rổ đất hôm ấy, bà con ăn hết veo, tôi cũng ăn khoái chí - đó là sự thật 100%. Không chỉ bà chửa ăn "nghén" bằng đất, không chỉ đàn bà ăn đất, mà cả đàn ông trong làng có nhiều  người cũng đã từng "nghiện đất".

 

Nơi làng quê này, bất kỳ ai cũng có thể tự hào kể với bạn về sự "ngon nghẻ" của các tảng đất đồi quê mình. Người làng, và cả người của các làng xã bên đã ăn bay những quả đồi. Hoá ra cái dạ dày người ta cũng có thể trực tiếp và cụ thể làm nên các cuộc thương hải tang điền cho một quả đồi và những quả đồi.

 

Chị Xuyên - con gái bà Lạc kể: "Làng bên, người ta có nghề truyền thống chế biến đất ăn. Bây giờ kể lại, các con tôi nó học đại học dưới Hà Nội về nó cứ tưởng tôi bịa. Người ta đào hố sâu tới 20m trong lòng đất, buộc dây thừng vào người rồi tụt xuống vận chuyển đất lên. Đào dọc rồi họ lại đào ngang ở trong lòng đất. Cứ như hầm lò ở vùng mỏ than Quảng Ninh mà người ta hay chiếu trên tivi ấy!".

 

Công thức: Lá sim + đất đồi + khói bếp = món ăn!

 

Nghề chế biến đất ... ăn! - 2
  

Công đoạn chế biến đất là đây

Sau khi tôi ăn xong miếng đất đồi trắng một cách nục nạc, mỡ màng ấy thì bà con có vẻ rất... cảm tình. Đúng là lần đầu tiên trong đời tôi ăn đất theo đúng nghĩa đen. Bà Lạc, ông Tiến cùng một nhóm thanh niên trong làng dụ dỗ: "Đất này chưa ngon lắm đâu, phải hun khói chế biến đúng công thức, ăn mới thơm, bùi, mới nghiện được".

 

Mọi người đưa chúng tôi ra "đồi Công an" lấy đất. Đó là một quả đồi không tên mà lâu nay nhiều người chuyên nghề chế biến đất ăn bán buôn bán lẻ khắp vùng đã vạc ra khoét mất không biết bao nhiêu tấn đất rồi. Từ ngày Công an huyện Lập Thạch đóng trụ sở ở cạnh đó, quả đồi mang tên đồi (có) Công an (ở).

 

Bà Lạc khoét từng vỉa đất, chọn ra những thớ đất nhẵn, nạc, nhìn đã ngon mắt, nhìn đã muốn cắn! Tôi tỏ vẻ ái ngại về việc tò mò của mình đã làm bà cụ ngoại bát tuần phải thở dốc, bà Lạc cười phúc hậu: "Bà làm để bà ăn luôn, có mất đi đằng nào".

Đất được đem về bỏ trên nền gạch hoa nhà bà Lạc. Chỉ có bà cùng bé Thuý học lớp 10 ở trong căn nhà "tình nghĩa" này. Bé Thuý thấy thanh niên đến chơi thì trốn mất. Bà Lạc lấy dao ra gọt đất thành từng miếng nhỉnh hơn cái kẹo vừng một tý, lẩm bẩm "gọt thế này để ăn cho nó vừa miệng". Lủm một cái hết một miếng.

 

Xong đâu đấy, bà chạy ù lên quả đồi có đài liệt sĩ của huyện Lập Thạch hái về một ôm cành lá sim. "Những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt ấy" bị tống cả lên kiềng bếp. Dưới kiềng đốt vài cái đóm, và ít cỏ tế (cỏ giáng). Khói lên được ủ trong mớ cành lá sim dày, khói càng nhiều. Khói lá sim có mùi thơm thơm cay cay rất chi là... mục đồng. Khói toả lên, chui qua một cái phên tre đan mắt cáo, trên mặt phên xếp một lượt đất như kiểu quán "cầy tơ"  người ta xếp thịt chó ướp tẩm để làm "món nướng". Bà Lạc và các cụ già trong xóm hăm hở vào cuộc chế biến đất ăn, hào hứng chẳng kém gì cánh bạn nhậu chờ món thịt cầy thật sự.

 

Khói bắt đầu lên. Một chiếc thúng tre cũ, kín bưng được úp sụp lên tất cả bó cành lá sim và phên tre, và đất ăn ấy. Mục đích là để khói không bay lên giời. Khói được giữ luẩn quẩn trong phên đất ăn, khói lá sim thơm và cay ám vào từng miếng đất, làm cho đất vàng và thơm như một củ khoai nướng.

 

Bà Lạc và mấy cụ già lui cui lo củi lửa trong làn khói đặc quánh. Thoạt nhìn cứ như Thái Thượng lão quân luyện linh đan. Sau 45 phút ủ trong khói, đất miếng được bưng tưng bừng lên gian giữa nhà trên, tất cả xúm vào... ăn ngon lành. Tôi cũng bạo dạn làm thêm một miếng nữa.

 

Tôi ăn sắn từ nhỏ, thú thật ăn "ngói" ấy nó hơi giống miếng đầu mẩu sắn nướng vàng và cháy; nhưng không làm sao tôi thấy ngon và thấy dễ chịu được. TS Việt vui như Tết khi nghe tin tôi đã tận mục cảnh ăn và chế biến đất ăn; rồi lại còn "ẵm" thêm cả một gói đất đã hun khói về để phục vụ hội thảo "ăn đất" của chúng tôi.

 

Tôi theo đề tài ăn đất ở nhiều vùng dân tộc từ lâu, cũng được "đăng đàn" một tham luận, rõ "oách". Cuộc "ra chơi" giữa hội thảo vậy là sẽ có tiết mục ăn đất dành cho các đại biểu. Tôi sẽ bày mẹt đất đã qua chế biến kia ở cổng ra vào hội trường và bán - bạn tôi tếu táo bày kế "trục lợi". Nhưng quả là tôi không dám chắc mình đủ nghị lực để ăn đến miếng đất thứ... ba.

 

Theo Lao động